Chuyên gia Mỹ: Chính sách ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ là biểu hiện của sự tuyệt vọng
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì che giấu thông tin đã khiến dịch bệnh lây lan ra khắp toàn cầu. Tuy nhiên, khi cả thế giới phải chiến đấu chống lại đại dịch virus Vũ Hán, thì ĐCSTQ lại từ chối chịu trách nhiệm bằng chính sách ngoại giao “chiến lang” hết sức phi lý. Các chuyên gia cho rằng, không loại trừ khả năng đây là một trong những biểu hiện tuyệt vọng của ĐCSTQ.
Sau khi virus Corona mới bùng phát ở Vũ Hán, ĐCSTQ không chỉ che giấu dịch bệnh và tiêu hủy bằng chứng, thậm chí còn ám chỉ rằng Hoa Kỳ đã mang virus đến Vũ Hán trong cuộc chiến truyền thông. Phải đến khi các quan chức Hoa Kỳ “phản bác” thông qua các phương tiện truyền thông, Trung Quốc mới trở nên “mềm mỏng” hơn.
Ngoài ra, cơ quan tình báo Hoa Kỳ phát hiện ra rằng, cách mà ĐCSTQ, Iran và Nga “truyền bá” tin tức giả khiến mọi người phải “á khẩu”.
Làm thế nào để giải thích động cơ tấn công của truyền thông ĐCSTQ? James Jay Carafano, phó Giám đốc nghiên cứu chính sách quốc tế và quốc phòng tại Quỹ Di sản (The Heritage Foundation) đã viết trên Fox News và phân tích tỉ mỉ.
Đầu tiên Carafano liệt kê các hành vi xấu xa của ĐCSTQ sau khi dịch bệnh bùng phát để tuyên truyền, bôi nhọ, làm mất uy tín của Tổng thống Mỹ. Ông viết, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã phạm tội không làm tròn trách nhiệm, những sự thật được phơi bày chính là minh chứng không thể chối cãi.
Trung Quốc đã vi phạm “Điều lệ Y tế Quốc tế”, trì hoãn việc công bố dịch bệnh quá lâu, kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Sự chậm trễ này đã làm giảm đáng kể tốc độ ứng phó của thế giới đối với dịch bệnh, đồng thời khiến virus lây lan nhanh chóng hơn.
“Ngay cả hiện giờ, Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ đầy đủ thông tin cần thiết về virus và tình hình dịch bệnh. Ví dụ, ĐCSTQ vẫn không cung cấp các mẫu virus ban đầu để chia sẻ với mọi người. Những mẫu này là chìa khóa để giúp phân tích và sản xuất các kháng thể hiệu quả”, Carafano nói.
Ngoài việc che giấu dịch bệnh, chính phủ ĐCSTQ cho phép hàng trăm ngàn người (từ Vũ Hán) đi du lịch khắp thế giới khi bệnh dịch bùng phát. Các quan chức của ĐCSTQ thậm chí còn biết rằng những người này mang trong mình virus và có tính lây lan rất cao, chính điều này là đòn “chí mạng” đối với những khu vực có mật độ dân cư đông đúc.
Carafano nói, rõ ràng lỗi là ở Trung Quốc, nhưng một số người ở phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho chính phủ của họ thay vì quy tội cho đại dịch ở Bắc Kinh. “Đọc những lời chỉ trích tổng thống này, tại Bắc Kinh, các quan chức ĐCSTQ ắt hẳn rất phấn khích. Bạn gần như có thể nghe họ hồ hởi nói rằng: ‘Này, nếu những lời bôi nhọ Trump có lợi cho chúng ta, tại sao chúng ta không quảng bá chúng mạnh hơn nữa?'”.
Carafano đã đề cập đến sự “xâm nhập” của ĐCSTQ trên Twitter. Ông nói, các tờ báo chuyên đưa tin tức về chính trị của Trung Quốc, như tờ “Thời báo Hoàn cầu” có 1,7 triệu người theo dõi, “Tân Hoa Xã” có 12,6 triệu, “Nhật báo Nhân dân” có 7,1 triệu, và “Nhật báo Trung Quốc” có 4,3 triệu, trong khi Mạng lưới truyền hình toàn cầu của ĐCSTQ (CGTN) có 14 triệu người theo dõi.
“Tuy nhiên, không ai ở Trung Quốc Đại lục có thể xem nội dung đăng tải trên các tài khoản Twitter này, vì Twitter bị chặn ở Trung Quốc. Những lời nói dối này hoàn toàn được ‘chuẩn bị’ cho người nước ngoài”, ông nói.
Carafano còn cho biết, kế hoạch “tuyên truyền bên ngoài” của Bắc Kinh đã cố gắng sử dụng đại dịch để đạt được lợi ích cao nhất: “Trong khi các nước phương Tây và các đồng minh châu Á của chúng tôi nỗ lực đối phó với virus Vũ Hán, thì Trung Quốc lại đang sử dụng cơ hội này để nâng cao vị thế quốc tế và thu hút nhiều chính phủ tham gia”.
Carafano còn cho rằng, ĐCSTQ truyền bá thông tin giả bằng hình thức “chiến lang” ở nước ngoài đã chứng tỏ, ĐCSTQ đang “giãy giụa” để sinh tồn.
Ông viết, Bắc Kinh đã trở tay không kịp trong công cuộc ứng phó với virus Vũ Hán và phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đáng nực cười là, điều khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt và chỉ trích mạnh mẽ, không chỉ là vì Bắc Kinh phủ nhận mình chính là “thủ phạm” của dịch bệnh toàn cầu, mà còn là vì sau đó Bắc Kinh đã tung ra chính sách ngoại giao “chiến lang” và kế hoạch “tuyên truyền bên ngoài”.
Ông đã đề cập đến báo cáo “Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc” được công bố gần đây của cơ quan chính sách, thuộc Bộ An ninh Quốc gia. Báo cáo nói rằng sự ác cảm của thế giới đối với ĐCSTQ đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử. Kể từ trận thảm sát Thiên An Môn năm 1989 cho đến nay, đây là đòn đả kích tồi tệ nhất đánh tan sức ảnh hưởng và danh tiếng của ĐCSTQ.
Carafano kết luận rằng, có lẽ cuộc chiến tuyên truyền truyền thông của ĐCSTQ là một biểu hiện của sự tuyệt vọng, ĐCSTQ đang gồng mình để cứu vãn và phục hồi tổn thất.
Cuối bài viết ông kết luận, có thể khẳng định rằng, ĐCSTQ là nhân tố bất ổn nhất trên thế giới hiện nay, và là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình, thịnh vượng và an ninh toàn cầu. Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong thế giới tự do cần phải đối mặt với những mối đe dọa và thách thức này, nếu không tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Carafano nói rằng, trong khi cuộc chiến ngôn luận vẫn đang tiếp diễn, phải nhớ rằng hành động mạnh hơn mọi lời nói. Ở Hoa Kỳ, nhiệm vụ đầu tiên là cho phép Hoa Kỳ mở lại hoạt động kinh doanh; sau đó phải dẫn dắt các nước thế giới tự do đạt được sự phục hồi kinh tế trên diện rộng; cuối cùng thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích và niềm tin của Hoa Kỳ cùng các đồng minh trên mọi phương diện.
Gia Hưng (Theo NTDTV)