Chuyên gia Đức: Bây giờ người Hồng Kông chỉ còn 2 con đường để lựa chọn
Trung Quốc ban hành “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, đã tạo nên làn sóng phản đối từ quốc tế. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Đức, Heribert Dieter – một chuyên gia về Hồng Kông, đã nói thẳng rằng bây giờ người Hồng Kông chỉ có hai con đường: Hoặc là yên lặng cam chịu, hoặc là liều chết chống đối.
Giáo sư Dieter, một chuyên gia của Tổ chức Chính trị và Khoa học Berlin (SWP), người đã trở về Đức từ Hồng Kông vài ngày trước, đã được Deutsche Welle phỏng vấn vào ngày 26/5, ông rất kinh ngạc khi chính quyền Bắc Kinh đã cưỡng chế lập ra “Luật An ninh Quốc gia” đối với Hồng Kông.
Ông nói thẳng, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện bước này rõ ràng là đang đặt dấu chấm hết cho vị thế đặc biệt trên trường quốc tế của Hồng Kông. Điều này cũng sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng.
Ông bày tỏ, bây giờ xã hội Hồng Kông đang tràn ngập cảm xúc bất an. Một số người Hồng Kông giàu có đang xem xét rời khỏi thành phố và di cư sang các nước khác. Những người phải ở lại Hồng Kông có thể sẽ càng sợ hãi hơn.
“Đây không phải là một vấn đề nhỏ, nó không phải là một bước nhỏ, nó là một bước tiến lớn để đi chệch khỏi ‘một quốc gia hai chế độ’, nói lời tạm biệt với hệ thống hiện tại và địa vị đặc thù của Hồng Kông”, ông Dieter nhận định.
Dieter phân tích, có hai nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh ra tay với Hồng Kông vào thời điểm này: Một là, các hoạt động biểu tình của phong trào phản đối dự luật dẫn độ kéo dài mấy tháng trời qua đã khiến Bắc Kinh rất lo lắng, sợ rằng tình hình này sẽ cháy lan sang Trung Quốc Đại lục.
Hai là, phe Kiến chế (thân Bắc Kinh) thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông vào tháng 11 năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh sợ rằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào đầu tháng 9 sẽ giẫm lên vết xe đổ, khả năng cố gắng thay đổi các quy định an ninh quốc gia thông qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sẽ không tồn tại nữa.
Về lý do thứ ba, Dieter cho rằng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang bận rộn chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, tự lo cho mình còn không xong, Bắc Kinh cho rằng việc đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” vào thời điểm này sẽ làm giảm sự chú ý và áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Dieter đề cập, theo “Tuyên bố chung Trung-Anh” năm 1984, chính phủ Trung Quốc có nghĩa vụ duy trì quyền tự trị của Hồng Kông, nhưng cam kết này sẽ bị phá vỡ bởi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, là “tiếng còi báo động” cho cộng đồng quốc tế.
Ông cũng phân tích từ quan điểm tư pháp, Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật quan hệ Hoa Kỳ-Hồng Kông” gần 30 năm trước, dành cho Hồng Kông những đãi ngộ đặc biệt khác với Trung Quốc Đại lục. Việc ưu đãi một phần liên quan đến quyền tự chủ của Hồng Kông, hoặc ít nhất là tính trung lập tư pháp của Hồng Kông và địa vị đặc khu hành chính đặc biệt của Hồng Kông.
Nếu Bắc Kinh can thiệp trực tiếp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông như hiện tại, Tổng thống Mỹ sẽ phải hủy bỏ những đãi ngộ đặc biệt ở Hồng Kông. Về vấn đề này, Tổng thống Mỹ không có quyền quyết định, ông phải làm như vậy.
Khi nói về ảnh hưởng chính trị mà “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có thể mang lại cho Hồng Kông, Dieter nói rằng việc gia tăng đối đầu nghiêm trọng giữa người biểu tình Hồng Kông và chính phủ là “có thể tưởng tượng được”.
Ông nói thẳng, đối với người Hồng Kông, bây giờ chỉ có 2 con đường: Hoặc là im lặng đồng ý sự an bài của vận mệnh; hoặc là lựa chọn chống lại Bắc Kinh. Đối với Hồng Kông, đây không phải là một bức tranh đẹp.
Cuối cùng, Dieter kêu gọi các nền dân chủ phương Tây phải có hành động đối với vấn đề Hồng Kông, đặc biệt là Liên minh châu Âu, không nên chỉ bày tỏ “tiếc nuối” đối với tình hình của Hồng Kông, mà nên “suy nghĩ lại cốt lõi của mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Hoa Kỳ’‘, thực thi hành động thực tế để giữ vững chế độ dân chủ, cố gắng vì quyền lợi tự do của Hồng Kông và người dân Hồng Kông.
Dieter biểu thị, cuộc đối đầu giữa các nước dân chủ phương Tây và một chính quyền “ngày càng hung hăng” như ĐCSTQ là không thể tránh khỏi. Trong thời gian quá dài, EU đã chìm đắm trong những ảo mộng và cố gắng duy trì “mối quan hệ tốt đẹp và gần gũi” với cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc, nhưng cho đến nay, nếu EU “không muốn bán đi linh hồn của mình” thì họ không thể lại tiếp tục duy trì quan hệ với chế độ độc tài này như trong quá khứ.
“Bây giờ EU không có con đường trung gian nào để có thể đi”, Dieter nói: “EU rõ ràng đã kéo dài khoảng cách với Trung Quốc trong tài liệu chiến lược tháng 3/2019, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về thể chế, đã đến lúc phải hành động đối với những đánh giá sơ bộ này”.
Gia Hưng (Theo Secretchina)