Chuyến bay QZ8501 định mệnh và những kết thúc buồn cho năm 2014
Khi báo chí và giới quan chức đưa tin tìm thấy thi thể và các mảnh vỡ của máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia, thân nhân của hành khách trên chuyến bay chỉ còn có thể khóc ngất trong đau đớn, một dấu hiệu kết thúc buồn cho năm 2014.
Chiếc máy bay xấu số của hãng hàng không Indonesia với 162 hành khách và phi hành đoàn mất tích vào rạng sáng Chủ Nhật (28/12), sau khi liên lạc với trạm không lưu xin chuyển hướng và bị từ chối.
Sau hai ngày huy động lực lượng tìm kiếm tại khu vực tình nghi thuộc hành trình bay, đôi cứu hộ gồm nhiều quốc gia đã tìm thấy 3 thi thể (gồm 2 nữ, 1 nam) và nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay QZ8501 tại tại eo biển Karimata ở đông nam đảo Belitung.
Tin tức của vật thể phát hiện nhanh chóng được đưa đi và đến với các thân nhân của hành khách trên chuyến bay định mệnh đã chờ đợi và mong ngóng tin tức từ hơn hai ngày qua, và mọi thứ đối với họ giờ đây như sụp đổ. Điều này không chỉ tác động đến những người liên quan đến chuyến bay mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của người dân Malaysia, đất nước hứng chịu 3 vụ máy bay liên tiếp trong cùng một năm.
“Ba lần, thật khủng khiếp. Cuộc sống quan trọng hơn tiền bạc”, ông Ramesh Sandra, một quản lý tiếp thị đang trên đường tới Ấn Độ cho một cuộc hành hương tôn giáo, nói về 3 vụ tai nạn máy bay liên tiếp liên quan đến Malaysia.
Chưa dừng lại ở đó, cũng trong ngày Chủ Nhật (28/12), một chiếc phà của Ý chở gần 500 người, đã bốc cháy ngoài khơi gần Hy Lạp trong điều kiện thời tiết xấu khiến tình hình cứu hộ gặp khó khăn, sự việc đã lấy đi sinh mạng của 10 người và một số người khác vẫn đang mất tích. Trong số người thiệt mạng có cả hai nhân viên tham gia cứu hộ.
Vụ cháy phà được những người trực tiếp chỉ đạo nhận định là một trong những “nhiệm vụ khó khăn nhất mà chúng tôi từng thực hiện”.
Đất nước Malaysia chưa hết đau thương thì lại đang phải đối mặt với trận lụt kinh hoàng, bao gồm lũ quét, khiến 36 người thiệt mạng, trong đó 21 người tại khu vực đông bắc Malaysia và 15 người ở khu vực tây nam Thái Lan.
Người dân tại đây đang tỏ ra bức xúc trước việc Thủ tướng Najib Razak vắng mặt khi đất nước gặp thiên tai và hiện ông đang trong kì nghỉ mát và gặp gỡ Tổng thống Obama tại Hawaii. Trận lụt tồi tệ nhất trong thập kỷ qua đã khiến hơn 200.000 người phải di dời.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hai vụ cháy xảy ra liên tiếp khiến 7 người thiệt mạng. Trong đó, một vụ xảy ra tại Hải Phòng vào 4 giờ sáng ngày 29/12, toàn bộ gia đình 6 người đều thiệt mạng, với một phụ nữ mang thai. Vụ còn lại phát sinh trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM, vào rạng khiến 8 ngôi nhà cháy liên tiếp và một thi thể nam được phát hiện.
Nhìn lại năm 2014, người ta cũng nhận ra một điều rằng, rất nhiều người dân trên thế giới đã phải ra đi trong năm nay. Đó là 7.842 người chết trong đại dịch Ebola tại Tây Phi, là khủng hoảng Ukraine đã khiến hơn 4.700 người thiệt mạng, cuộc chiến dải Gaza lấy đi 1.280 sinh mạng người Palestine và khiến trên 7.170 bị thương chỉ trong 23 ngày giao tranh kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch tấn công vào đây từ Tháng 7/2014. Đó là chưa kể các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt sau thời điểm đó.
Ngoài ra, lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đang là nỗi kinh hoàng gieo tang tóc trên khắp thế giới, chỉ tính riêng trong Tháng 9/2014, tổ chức này đã sát hại 1.273 người Iraq, theo thống kê của Liên Hợp Quốc.
Và những cái chết vì thiên tai diễn ra ở khắp nơi. Một năm đau thương, một năm của mất mát. Chúng ta đã làm gì để phải gánh chịu những đau thương và mất mát quá lớn này?
Tổng hợp