Chu Dung Cơ: Nếu Hồng Kông bị hủy hoại, ĐCSTQ sẽ trở thành tội nhân
Cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã bước sang tháng thứ tư, vào thời điểm cảnh sát Hồng Kông ngày càng leo thang bạo lực, một bài phát biểu về Hồng Kông của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ lại được lan truyền mạnh mẽ trên Wechat. Chu Dung Cơ nói rằng chủ quyền Hồng Kông đã chuyển giao cho Bắc Kinh, nếu Hồng Kông bị hủy hoại trong tay chính quyền Trung Quốc, thì chính quyền Trung Quốc há không trở thành tội nhân của dân tộc hay sao?
Bài phát biểu này lập tức được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Thông tin cho thấy, đây là bài phát biểu vào ngày 19/11/2002, thời điểm cựu Thủ Tướng Chu Dung Cơ đến Đặc khu Hồng Kông tham gia một cuộc họp. Trong buổi tiệc mừng được tổ chức tại tòa nhà chính phủ, ông Chu đã có bài phát biểu gần nửa tiếng về tình hình Hồng Kông.
Lúc đó (5 năm sau thời điểm chuyển giao), kinh tế Hồng Kông đang chạm đáy, Trưởng đặc khu Hồng Kông đương thời là Đổng Kiến Hoa đã cầu cứu Chu Dung Cơ. Ông Chu soạn nhanh một bài viết và ngẫu hứng thuyết trình: “Ưu thế của Hồng Kông vẫn còn, thực lực cạnh tranh cũng không giảm, Hồng Kông hoàn toàn có thể vược qua khó khăn trước mắt bằng chính thực lực của mình”.
Chu Dung Cơ nhấn mạnh, ông đặt niềm tin vào hơn 6 triệu người Hồng Kông, đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Hồng Kông. Là một viên ngọc sáng của Trung Quốc, Hồng Kông đầy triển vọng và đầy hứa hẹn.
Ông nói: “Tôi không tin Hồng Kông sẽ làm không tốt, nếu Hồng Kông làm không tốt thì chẳng những quan chức Hồng Kông chịu trách nhiệm, mà chính phủ Bắc Kinh cũng phải chịu trách nhiệm. Hồng Kông trở về tổ quốc, nếu bị hủy hoại trong tay chúng ta, thì chúng ta há không thành tội nhân của dân tộc hay sao? Sẽ không như thế!”
Sau bài phát biểu, Chu Dung Cơ bước xuống khán phòng, đột nhiên hô lớn: “Tôi yêu Hồng Kông”, khiến hội trường vỗ tay không ngớt, về sau nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng.
Vào thời điểm biểu tình Hồng Kông leo thang bạo lực và chưa có dấu hiệu chấm dứt, bài phát biểu này lại được lan truyền nhanh chóng. Một số trang truyền thông Hồng Kông tán dương Chu Dung Cơ, vì ông từ đáy lòng đã nói lên được những hiểu biết rõ ràng và sâu sắc, giờ nghe lại vẫn rất thấu tình đạt lý, chạm đến tâm can người Hồng Kông.
Cư dân mạng cho rằng chính quyền Bắc Kinh đương nhiệm và chính phủ Đặc khu Hồng Kông của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga “thật tình là nên nghe lại ít nhất một lần, để lập tức mà tỉnh lại”.
Sau 4 tháng, cuộc biểu tình Hồng Kông vẫn tiếp diễn trong tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng. Hôm 29/9, cuộc diễu hành quy mô lới nhân ngày “quốc thương” Trung Quốc đã bị cảnh sát dồn dập bắn hơi cay trấn áp, người biểu tình bị bắn, thậm chí phóng viên hiện trường cũng bị cảnh sát tấn công gây hỏng mắt.
Hôm 1/10, ngày kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền Trung Quốc, đối kháng giữa người biểu tình và cảnh sát đã dẫn đến đổ máu, một học sinh cấp 3 bị bắn vào ngực ở cự ly gần. Mức độ bạo lực của cảnh sát Hồng Kông đã gây chấn động cộng đồng quốc tế.
Cũng trong ngày 1/10, trong đại lễ duyệt binh tại Thiên An Môn, sự xuất hiện của các quan chức cấp cao phần nào thể hiện thái độ và tình trạng của chính quyền. Tất cả các cựu lãnh đạo Đảng đều có mặt tại cổng thành Thiên An Môn, bao gồm Hồ Cẩm Đào và các thường ủy bộ chính trị, tuy nhiên cựu thủ tướng Chu Dung Cơ lại vắng mặt, gây ra nhiều đồn đoán.
Nhiều người cho rằng Chu Dung Cơ sức khỏe không tốt, cần người dìu đỡ nên không tiện tham gia duyệt binh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Giang Trạch Dân 93 tuổi, tình hình sức khỏe cũng không ổn định, cần người dìu đỡ, vẫn có mặt tham gia đại lễ. Ngoài ra, Tống Bình đã hơn 100 tuổi cũng có mặt.
Nhiều nhà phân tích nhận định, Chu Dung Cơ mượn cớ “sức khỏe không tốt” để từ chối tham gia, vì trước đó xuất hiện tin tức từ hải ngoại cho rằng ông Chu rất bất bình về đại lễ duyệt binh, cũng như không hài lòng với tình hình hiện tại. Ông nói: “Lễ Quốc khánh mừng 70 năm có giải quyết được vấn đề với Hoa Kỳ không? Có giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông không? Tôi không đi, họ muốn tôi đi, nhưng tôi thật sự không muốn đi”.
Tin tức này hiện chưa được xác thực, tuy nhiên trong buổi tiệc chiêu đãi mừng đại lễ vào ngày 29/9, 7 thành viên thường ủy và các lãnh đạo cấp cao khác đều có mặt, chỉ có Chu Dung Cơ và Hồ Cẩm Đào là không tham gia.
Sau sự vắng mặt của Chu Dung Cơ trong tiệc chiêu đãi hôm 29/9 và ngày duyệt binh 1/10, đại học Thanh Hoa đã đăng bài viết cho biết, vào cuối tháng 9, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gửi thư chúc mừng đến tân sinh viên MBA của đại học Thanh Hoa. Trong thư, ông chúc các tân sinh viên có một cuộc sống hạnh phúc vui vẻ, học tập thuận lợi, đồng thời nhắn nhủ các sinh viên cố gắng học tập để có được những đóng góp to lớn hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trước đó vào ngày 29/7, thời điểm hỏa táng di thể cố Thủ tướng Lý Bằng, 7 thường ủy và Vương Kỳ Sơn cũng có mặt, thậm chí Giang Trạch Dân cũng được dìu vào linh đường, tuy nhiên Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Chu Dung Cơ đã không tham dự tang lễ.
Chu Dung Cơ năm nay 91 tuổi, từng được mệnh danh là Sa Hoàng kinh tế. Từ sau thời điểm kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 3/2003, Chu Dung Cơ rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, trong cuộc chiến giữa Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân, tại những thời điểm then chốt, Chu Dung Cơ nhiều lần lộ diện, ủng hộ Tập Cận Bình “đả hổ” xóa bỏ hủ bại. Đại lễ duyệt binh vào tháng 9/2015, Chu Dung Cơ cùng các nguyên lão đã tham dự.
Lần ông Chu xuất hiện gần đây nhất là vào tháng 10/2018, để tham dự cuộc họp Ban cố vấn học viện quản lý kinh tế đại học Thanh Hoa. Thông tin từ tư liệu cho thấy, học viện quản lý kinh tế thuộc đại học Thanh Hoa được thành lập năm 1984, Chu Dung Cơ nhậm chức viện trưởng đầu tiên, nhiệm kỳ 1984 – 2001.
Khải Hoàn (Theo NTDTV)