Chủ dự án 5.000 tỷ “Lên trời gọi mưa”: Tôi không bị khùng
Số tiền 5.000 tỷ quả thật rất lớn. Tuy nhiên, nếu nếu các bộ ngành vào cuộc để thực hiện dự án “Lên trời gọi mưa” thì hàng năm sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho nhà nước”.
Người vừa đề xuất tạm ứng 5.000 tỷ đồng để triển khai dự án “Lên trời gọi mưa” là ông Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty CP KHCN An sinh xanh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ông Phương cho hay, đến tháng 10 tới, dự án sẽ được thử nghiệm tại Đà Nẵng.
Cần 5.000 tỷ để bắt trời mưa theo ý muốn
Ông Phương cho biết, dự án này được ông thai nghén từ nhiều năm qua khi hàng ngày ông theo dõi báo chí thấy cứ đến mùa mưa thì người dân đối mặt với lũ lụt, còn mùa khô thì hạn hán.
Sau nhiều đêm thao thức, ông nảy sinh ý định trị tình trạng ngập lụt và gọi mưa những lúc khô hạn.
“Trước khi trời đổ mưa, những đám mây bay lơ lửng trên không trung. Khi gặp những cơn gió lớn thì nó mới tan ra rơi xuống đất. Chỉ cần trị được những đám mây này thì sẽ có mưa. Vào mùa mưa thì tôi nghiên cứu để hướng những đám mây ra biển. Khi có sự tác động của cơ học, đám mây tan ra rơi xuống biển thì ở trong đất liền sẽ tránh được nguy cơ ngập lụt”, ông Phương nói.
Vị giám đốc này nói tiếp, ông sẽ đặt các tàu bơm nước từ biển vào đường ống cao khoảng 5 km. Trên không trung, ông cho máy bay (trực thăng hoặc khinh khí cầu) giữ ống và “dắt” ống đi phun nước xuống những vùng mây nhiều.
“Việc phun nước được thực hiện theo nguyên lý bùng nổ thủy khí. Mây bị nước đè sẽ nặng và rớt xuống (mưa), không thể bay vào đất liền và tạo thành mưa”, ông Phương nói.
Ông cho biết thêm các phương tiện giữ ống phun nước trên trời hoàn toàn không ảnh hưởng tới đường bay, vì máy bay thường bay ở độ cao 9-10 km. Còn việc phun nước chỉ thực hiện ở độ cao tầm 5 km. Theo tính toán của ông, trước mắt nên đặt khoảng 100 trạm chủ động đón mây trên vịnh Bắc Bộ để cản mây bay vào đất liền, gây mưa.
Về việc “gọi mưa” cho các vùng hạn hán, ông Phương nói trên thế giới đã có rất nhiều cách làm nhân tạo như phun muối, Iốt bạc, thậm chí đắp ngọn núi cao hàng ngàn mét để mây quần tụ quanh đỉnh núi dễ gây mưa.
“Phun các chất trên đều rất tốn tiền, trong khi nước ta lại có thế mạnh nhiều núi. Tôi sẽ tận dụng lợi thế này cùng với việc phun các hợp chất “made in Việt Nam” để tạo mưa. Hiện tại tới thời điểm này tôi chưa thể công bố các hợp chất đó”, ông Phương cho hay.
“Tôi không bị khùng”
Ông cho biết, tháng 5/2016, khi dự án này hoàn thành thì nhiều người thân nói ông bị khùng. “Họ nói, nghe cái tên dự án y như chuyện thời Tam Quốc diễn nghĩa với nhân vật Khổng Minh làm phép kêu mưa. Nhưng tôi không ảo tưởng, hay khùng chút nào cả“, ông Phương nói.
Sau đó, ông ra Hà Nội trình Văn phòng Chính phủ dự án “Lên trời gọi mưa”. “Trước khi trình lên Chính phủ dự án này, tôi đã phải cặm cụi đọc đi đọc lại, sửa từng chữ, từng câu một như trút cả tâm huyết, gan ruột của mình vào dự án. Tháng 7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn trả lời”, ông Phương vui mừng nói
Nhận được đề án của ông, Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì đề tài này và 7 Bộ liên quan như: Quốc phòng, Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch đầu tư, Tài chính… sẽ cùng Công ty An Sinh Xanh suy nghĩ và quyết theo từng nhiệm vụ chức năng của từng Bộ.
Theo ông Phương, Bộ Khoa học Công nghệ đã có công văn gửi ông và đề xuất gặp mặt để thảo luận. Bộ này đánh giá dự án là ý tưởng độc đáo và có tính khả thi, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Vị giám đốc này cũng cho biết, dự án “Lên trời gọi mưa” liên quan đến nhiều Bộ là bởi các lĩnh vực và sự ảnh hưởng của nó rất rộng.
“Tôi đã đề xuất thành lập Bộ Chỉ huy dự án “Lên trời gọi mưa” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mà trụ cột thực hiện dự án là Bộ Quốc phòng vì họ tuần tra trên biển và bầu trời, tôi chỉ là tác giả đề xuất cách làm mà thôi. Tiền thực hiện sẽ không rót về tài khoản công ty hay cá nhân ông Phan Đình Phương mà rót về Ban chỉ đạo dự án”, ông Phương nói.
Liên quan đến đề xuất tạm ứng 5.000 tỷ đồng, ông cho hay dự án dù có khả thi đến mấy mà không có tiền thì không thể triển khai được. Còn về mức độ thành công hay thất bại cũng do số tiền quyết định. “5.000 tỷ mới là số tiền ban đầu. Khi dự án triển khai thành công rồi, số tiền hàng năm mà Nhà nước rót về cho các địa phương phòng chống hạn hán và ngập lụt sẽ chuyển cho Ban quản lý dự án Lên trời gọi mưa”, ông Phương nói.
Vị này cho biết thêm, những ngày qua khi ông tiết lộ dự án thì rất nhiều người chê ông bị hoang tưởng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm gần 30 năm làm khoa học, ông tin chắc dự án thành công 100%.
“Số tiền 5.000 tỷ quả thật rất lớn. Tuy nhiên, nếu nếu các bộ ngành vào cuộc để thực hiện dự án thì hàng năm sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho nhà nước”, ông Phương khẳng định.
Theo Zing.vn