Chiếc bàn điều hòa không cần dùng điện
ThienNhien.Net – Hai nhà thiết kế người Pháp vừa cho ra mắt một chiếc bàn bằng gỗ sồi có cấu tạo đặc biệt, hoạt động như một chiếc điều hòa nhiệt độ nhưng lại không sử dụng điện năng. Đây là một trong những sản phẩm công nghệ năng lượng nội thất giúp tiết kiệm điện năng được giới khoa học chú ý nhất và hy vọng nó sẽ được phát triển rộng rãi trong đời sống.
Đồ nội thất thế hệ mới “Chiếc điều hòa” này thực chất là một chiếc bàn gỗ sồi có tên ZEF (Zero Energy Furniture) được 2 nhà thiết kế người Pháp là Raphael Menard và Jean-Sebastien Lagrange chế tạo. Raphael Menard, kỹ sư và kiến trúc sư, từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Paris, Viện Công nghệ Cầu đường Paris, Đại học Kiến trúc Paris và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển những thiết kế đô thị đột phá; còn Jean-Sebastien Lagrange tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật ứng dụng Boulle, đoạt giải nhất cuộc thi Audi Talents Awards (2011). 2 nhà thiết kế này đã cùng nhau kết hợp ý tưởng bởi “chúng tôi muốn xem liệu có thể giải quyết vấn đề khí hậu và năng lượng từ những đồ nội thất hay không”, Lagrange nói. Theo các nhà thiết kế, ZEF có thể tiết kiệm và giảm nhu cầu sử dụng năng lượng để làm tăng nhiệt độ khoảng 60% và nhu cầu làm mát cũng giảm khoảng 30%, từ đó giúp các tòa nhà, cơ quan và các hộ gia đình tiết kiệm được khoản chi phí điện năng tương đối lớn. Bản thiết kế nguyên mẫu chiếc bàn điều hòa hiện nay của Lagrange và Menard có khả năng điều hòa không khí, nhiệt độ cho một phòng họp khoảng 15 người. Vật liệu chính làm nên chiếc bàn điều hòa là nhôm và gỗ sồi. Thứ nhất, đặc tính vật lý của nhôm là dẫn điện và nhiệt tốt nên nó có khả năng giúp tản nhiệt trên khắp bề mặt nhanh hơn, cũng như làm tăng khả năng tỏa nhiệt trong phòng thông qua các vật liệu chuyển pha (PCM). Ngoài ra, các nếp gấp của tấm nhôm phía dưới chiếc bàn cũng tạo cho nó có cấu trúc tổng thể vững chắc hơn. “Điều đó tạo cho chiếc bàn có bề mặt rất đơn giản nhưng chắc chắn dù chỉ có 2 giá đỡ gồm 8 chân và tạo khoảng cách khá thoải mái đối với chiếc ghế khi chúng ta làm việc hoặc họp hành”, Lagrange nói. Vật liệu thứ 2 là gỗ sồi sẽ giúp chiếc bàn thẩm mỹ hơn và do nó có khả năng cách nhiệt nên mặt bàn hầu như không bị tản nhiệt và nhiệt độ chỉ “thoát ra” ngoài thông qua các nếp gấp của tấm nhôm. Hoạt động như “miếng bọt biển” Theo thiết kế ban đầu, ZEF được Lagrange và Menard đặt các vật liệu chuyển pha PCM – Phase Change Material, nằm giữa lớp mặt gỗ và tấm nhôm anodized, được gọi chung như một chất sáp. Chất sáp này sẽ làm cho các vật liệu trên mềm đi khi nhiệt độ trong phòng đạt ở mức 71 độ F (tương đương khoảng 21,7 độ C). Nhưng khi nhiệt độ phòng vượt quá ngưỡng cho phép là 21,7 độ C thì PCM sẽ hấp thụ tất cả phần nhiệt lượng dư thừa đó. Còn khi nhiệt độ phòng xuống dưới mức 21,7 độ C, vật liệu đó sẽ đông cứng lại và đồng thời giải phóng lượng nhiệt đã hấp thụ trước đó tạo cho căn phòng nhiệt độ lý tưởng. Các nhà thiết kế đánh giá hoạt động của chiếc bàn này không khác gì một “tấm bọt biển điều hòa nhiệt độ”: Hấp thụ nhiệt khi nhiệt độ phòng quá cao và giải phóng nhiệt khi nhiệt độ giảm xuống. Một số chuyên gia nhận định, ZEF sẽ là giải pháp hữu hiệu ở những khu vực có khí hậu mà nền nhiệt chuyển từ nóng sang lạnh chỉ trong một thời gian ngắn. Nó sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ phòng tốt hơn khi căn phòng đó ban ngày rất nóng và lạnh về đêm. Theo Trần Biên/ An ninh Thủ đô, 25/05/2015 Các bài cùng chủ đề:
Bắt giữ 3 chiếc ngà voi Châu Phi chuyển phát nhanh về Việt Nam Thủy điện Việt Nam đi “ngược chiều” thế giới: Không sạch mà cũng không rẻ Điều chuyển vốn dự án xây dựng kè chống sạt lở vùng hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình giai đoạn I 600 tỷ đồng xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải Điều hòa nhiệt độ : ‘Con dao hai lưỡi’ với môi trường Khởi công xây dựng Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 TP. HCM quy hoạch không gian điều tiết nước Xe điện: Chạy 60 km chỉ tốn… 3.000 đồng tiền điện Giá một tấn CO2 chỉ bằng tiền mua một chiếc bánh hambơgơ Lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc Điều tiết nước các hồ chứa thủy điện ở Tây Nguyên |
Theo Thiennhien.net