Chàng trai có trí nhớ ‘siêu ngắn’ hơn 6 năm nhặt ve chai giúp người nghèo hơn mình
Thương xót trước những mảnh đời bệnh tật, lang thang không nhà, ngày nào Thịnh cũng tranh thủ thời gian rảnh đi nhặt ve chai kiếm thêm chút tiền giúp người nghèo khổ hơn mình. Vì mắc bệnh suy giảm trí nhớ, nên đi đâu gặp ai khó khăn cậu đều phải ghi lại không quên….
Chàng trai trong câu chuyện này là Đỗ Văn Thịnh (18 tuổi) sống ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Thịnh sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc, bố mẹ ly hôn từ khi cậu còn nhỏ. Mẹ chuyển đến nơi khác sinh sống, cha cậu một mình tần tảo nuôi hai anh em trong hoàn cảnh khó khăn.
Không những thế, cậu còn mắc chứng bệnh suy giảm trí nhớ. Ai nói gì cậu cũng vâng dạ, nhưng khoảng 5 phút sau là quên sạch. Căn bệnh trở nên trầm trọng hơn khi cậu học lớp 6. Cậu không thể hoàn thành việc học một cách trọn vẹn, gia đình lại vô cùng nghèo khổ. Cậu đành gác bỏ việc học và đi làm để phụ cha đỡ đần cuộc sống.
Mỗi buổi sáng, Thịnh đi phụ việc tại một quán phở, vì sức khỏe yếu, nên cậu giúp trông xe và bưng bê, dọn dẹp. Buổi trưa, cậu lại tranh thủ dắt chiếc xe đạp cũ kĩ của mình dạo vài vòng quanh xóm để nhặt và xin ve chai. Điều đáng nói là cậu làm việc đó để kiếm thêm tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống của Thịnh vốn đã éo le, nhưng chính tấm lòng thương cảm đã thôi thúc cậu giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn mình.
Cha của Thịnh trải lòng rằng: “Thằng bé hiếu thảo lắm, nó cũng ham học nữa nhưng khổ nỗi mắc căn bệnh giảm trí nhớ nên đầu óc cứ nhớ trước quên sau, không nhớ được gì quá 5 phút đâu. Thấy tôi làm việc cực khổ quá nên nó xin nghỉ học đi làm phụ, mà sức khỏe nó thì yếu quá nên nó chỉ đi giữ xe với phụ mấy quán ăn được thôi. Mỗi tháng ‘nhận lương’ nó đều đưa tôi giữ… Còn tiền nhặt rác với bán kẹo, tôi để con tự quyết định và dùng làm từ thiện theo ý nguyện của nó”.
Suốt 6 năm qua, chưa bao giờ Thịnh từ bỏ công việc thiện nguyện, cậu vẫn ngày ngày giang nắng, giang mưa, mặc những bộ đồ sờn vải cùng chiếc xe đã cũ đẩy khắp những con hẻm Đà Nẵng, mong sao có thể kiếm thêm chút tiền giúp đỡ những người nghèo khổ khác.
Cậu luôn nung nấu trong lòng một ước mơ có thể thành lập câu lạc bộ từ thiện của riêng mình, được chính quyền địa phương cấp phép để cậu không còn bị những cái xua tay từ mọi người khi đi quyên góp. Trong suốt những năm qua, có lẽ bóng dáng cậu đều hiện hữu từ các bệnh viện cho đến nhà tình thương.
Biết được tấm lòng nhân ái của Thịnh, một mạnh thường quân đã giúp đỡ, trao tặng cậu một chiếc xe kéo. Giờ đây, cậu có thể thuận lợi hơn trong việc đi tìm ve chai, tiến gần hơn tới ước mơ thành lập câu lạc bộ tình nguyện của riêng mình.
Ngoài giúp đỡ những người nghèo trong thành phố, cứ 2-3 tháng, cậu lại cùng những người bạn trong câu lạc bộ thiện nguyện Tình Thương An Lạc đến giúp đỡ những mảnh đời khó khăn ở các vùng núi như ở tỉnh Quảng Nam.
Ước ao giúp đỡ người khác ngày càng lớn dần trong cậu. Thời gian gần đây, mỗi tối thứ 7 hay Chủ nhật, cậu lại cùng bạn bè trong câu lạc bộ đến các quán nước hay quán ăn để bán kẹo kéo, với mong muốn kiếm thêm tiền giúp đỡ thật nhiều mảnh đời bất hạnh khác.
Vì biết bản thân mau quên, Thịnh đã tận dụng vài quyển sổ ghi chép để lưu lại những kí ức đẹp đẽ trong trí nhớ. Quyển thì cậu ghi lại những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, quyển thì cậu ghi lại số điện thoại của những nhà hảo tâm.
“Em phải sắm ba cái sổ tay, một cuốn để ghi lại số tiền, số điện thoại và những nhà hảo tâm đã quyên góp. Một cuốn thì ghi những gì mình đã mua. Cuốn còn lại em ghi lại tất cả những hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ mà em từng gặp qua trên đường nhặt ve chai. Nhiều cô, chú lang thang không nhà cửa, bệnh tật khổ lắm anh à, em thấy thương, thấy xót nên em phải ghi lại chứ không em lại quên mất. Thế mà có lúc em vẫn quên hoặc làm mất sổ…”, Thịnh chia sẻ.
Với Thịnh, chỉ cần được nhìn thấy niềm vui trên gương mặt những người nghèo khổ mà cậu giúp đỡ là bao nhiêu vất vả khó nhọc đều tan biến. Câu chuyện của cậu đã làm biết bao người cảm động rơi nước mắt, bởi ít ai nghĩ một người nghèo khổ lại có thể hy sinh cho những người nghèo khổ hơn mình nhiều đến thế.
Mai Lan (t/h)