“Cây rung lá rụng, người rung phúc bạc”: Vì sao nói người hay rung chân sẽ rớt hết phúc khí?
Người xưa giảng “tướng do tâm sinh”, nhìn tướng mạo là biết tâm tính con người, từ tâm tính có thể đoán biết tương lai. Vậy nên ông bà ta mới đúc kết thành những câu tục ngữ như “Cây rung lá rụng, người rung phúc bạc”.
Văn hóa truyền thống Trung Hoa bắt nguồn từ lâu đời, rất nhiều câu chuyện dù đã trải qua hàng ngàn năm nhưng trí huệ bao hàm trong đó vẫn tiếp nối với xã hội hiện đại, đối với cuộc sống hiện đại vẫn có giá trị tham khảo nhất định.
Trong đó, những câu tục ngữ thường phổ biến dễ nhớ, mang tính tiêu biểu. Chúng không những miêu tả các đạo lý mà chúng ta cho là phức tạp bằng các từ ngữ rõ ràng dễ hiểu, mà còn giúp chúng ta ứng dụng và thực hành trong cuộc sống nhờ tính đơn giản dễ nhớ.
Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn câu tục ngữ: “Cây rung lá rụng, người rung phúc bạc”. Câu nói này sử dụng thủ pháp so sánh, biểu đạt một đạo lý vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
Cây rung lá rụng, người rung phúc bạc
Câu tục ngữ này, căn cứ theo ý nghĩa mặt chữ cũng không khó tưởng tượng, hai câu nói phân rõ ra hai đạo lý:
1. Cây nếu thường xuyên bị rung lắc, gốc cây sẽ không vững, bất lợi cho sự hấp thụ nguồn nước, dinh dưỡng và cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây, càng lâu thì lá cây sẽ tự khô héo điêu tàn, nên cây không thể thường xuyên bị rung lắc.
2. Câu tục ngữ này cũng liên quan đến một câu khác là: “Đàn ông rung chân thì nghèo, đàn bà rung chân thì hèn”. Có lẽ mọi người cũng từng nghe nói, người đặc biệt thích rung chân thường sẽ rơi rớt hết phúc khí.
Người xưa sao lại nói như vậy? Bởi vì Trung Quốc cổ đại được gọi là một nước lễ nghĩa, cho nên hành vi cũng phải phù hợp với lễ. Mà một người thích rung đùi thường để lại cho người khác ấn tượng đầu tiên là không có gì tốt, dễ tạo cho người ta cảm giác là một người ất ơ, không ổn định cũng không đáng tin. Người như vậy muốn làm tốt công việc còn khó khăn huống chi là đạt được thành tựu lớn.
Đương nhiên cũng sẽ có vài người cảm thấy điều này nực cười, cho rằng đó là sự gán ghép khiên cưỡng, nhưng tâm niệm của một người sẽ được biểu đạt qua ngôn ngữ hành vi, hành vi rung chân trên thực tế trong lúc vô ý đã bộc lộ tính cách tùy tiện, không nghiêm túc, đứng đắn.
Cho nên câu nói “cây rung lá rụng, người rung phúc bạc” là có đạo lý. Không chỉ vậy, câu tục ngữ phía dưới còn kinh điển hơn, đó chính là “ăn nói tùy tiện, mệnh yểu không tốt”.
Ăn nói tùy tiện, mệnh yểu không tốt
Câu nói này có lẽ mọi người cũng không khó đoán ra ý nghĩa của nó. Từ xưa đến nay, cũng có không ít câu nói tương tự, như “Họa từ miệng mà ra”, “Im lặng là vàng”, “Nói nhiều tất nói hớ”, từng câu từng câu đều đang nhắc nhở chúng ta nhất định phải quản thật tốt cái miệng của chính mình, đừng nói năng lung tung.
Dĩ nhiên, trong cuộc sống cũng có vài trường hợp như hội họp công việc, hợp tác với khách hàng, không tránh khỏi việc phải biết ăn nói, chưa kể khả năng biểu đạt phải thật trôi chảy, nhưng có vài người mặc dù trong cuộc sống thường ngày, họ cũng không thể quản được cái miệng của mình, nói ra toàn tin thất thiệt, chuyện phiếm.
Những người không quản được cái miệng của mình, thích khua môi múa mép, đâm chọt người khác, thường kết quả không nói sai thì cũng là đắc tội với người. Trong mắt những người có tín ngưỡng thì đó là “không tu khẩu”. Vì thế mà sẽ phải gánh chịu những rắc rối không cần thiết cho mình, cuộc đời tự nhiên sẽ vất vả hơn.
Tuy nhiên, người xưa cũng giảng “cảnh tùy tâm chuyển”, một người nếu chuyển biến tâm tính thì tự khắc hoàn cảnh, phúc phận cũng chuyển biến theo. Vậy nên mới giảng đức hạnh là căn bản, có đức dày mới có phúc lộc, câu nói này một chút cũng không sai. Người am hiểu văn hóa truyền thống sẽ hiểu rất rõ về phúc vận. Người đại phúc, thiên kim phú quý ắt sẽ có tướng đài cát cao sang, âu cũng là từ đức mà ra.
Hồng Liên biên dịch
Theo secretchina.com