Câu chuyện cảm động đằng sau ngôi trường mang tên nữ sinh Nhật Bản
Đằng sau ngôi trường tiểu học mang tên Junko ở tỉnh Quảng Nam là cả một câu chuyện cảm động về cô nữ sinh người Nhật xinh đẹp, giàu lòng nhân ái…
Chuyến đi đầy ắp yêu thương
Theo báo Dân Trí, vào mùa hè năm 1993, Junko Takahashi khi đó mới 20 tuổi, cô là nữ sinh người Nhật theo học tại Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, học ngành Quan hệ quốc tế.
Thời gian nghỉ hè, cô cùng nhóm bạn lên đường sang Việt Nam để tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu phục vụ cho bài luận chủ đề “Sự phát triển kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á”.
Khi đến Quảng Nam – Đà Nẵng, dù người dân còn thiếu thốn khó khăn nhưng họ sống rất thật thà, tình cảm, chính điều này đã làm Junko ấn tượng, yêu quý con người nơi đây.
Trên khắp hành trình thực tế ở vùng đất này, Junko đã được tận mắt chứng kiến cái lam lũ mà người dân xứ Quảng – Đà đang phải chịu, những hình ảnh đó đều được cô ghi lại vào cuốn sổ nhật ký của mình.
Trong đó có trang Junko ghi rằng, khi tốt nghiệp, cô muốn tới Việt Nam làm việc và dành dụm tiền để xây dựng một ngôi trường cho các em nhỏ được đến trường học hành tử tế, đầy đủ.
Dòng mơ ước dang dở trên những trang nhật ký
Cuối năm đó, chuyến đi thực tế đã kết thúc, Junko trở lại Nhật Bản nhưng không may gặp tai nạn giao thông và qua đời.
Lật những trang nhật ký của con gái mình, ông Horotaro Takahashi – bố của Junko đã biết được ước mơ chưa thể thực hiện của đứa con bé bỏng. Từ đó ông dùng hết số tiền gồm tiền ba mẹ cho cùng với tiền tiết kiệm, tiền bồi thường bảo hiểm, phúng điếu… của Junko, để bàn với Giáo sư Ebashi (giáo viên hướng dẫn thực tập của Junko) “làm một cái gì đó hiện hữu ở Việt Nam”.
Cuối cùng, họ đã quyết định sẽ dùng số tiền giúp đỡ trẻ em và nền giáo dục ở Việt Nam. Qua tìm hiểu cả hai chọn phương án xây dựng một ngôi trường tiểu học tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn).
Trường được khởi công xây dựng vào tháng 12/1994 và đưa vào hoạt động từ năm 1995. Lúc này trường có một nhà thi đấu, 8 phòng học và một công trình vệ sinh.
Ban đầu cha mẹ Junko không đề nghị lấy tên con gái mình đặt tên trường, khi đó trường có tên là Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Nhưng đến năm 2003, chính quyền địa phương đã quyết định đổi tên thành Trường tiểu học Junko để tri ân cô gái Nhật đoản mệnh.
Trường tiểu học Junko, viết tiếp những trang nhật ký dang dở
Tiếc thương cho sự ra đi của Junko, một nhóm sinh viên cùng trường với cô đã thành lập Hiệp hội Junko quyên góp tiền, vật dụng để đầu tư vào ngôi trường tiểu học mà ông bà Horotaro xây dựng.
Đến năm 2000, trường được mở rộng, xây thêm 5 phòng học do có ngân sách từ những người bạn của bố mẹ Junko quyên góp.
Từ đó đến nay, hằng năm ông bà Horotaro và sinh viên Hiệp hội Junko đều tới trường thăm hỏi và trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, trong đó có cả học sinh của Trường tiểu học Junko.
Thầy Lê Quốc Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Junko cho biết, hiện toàn trường đang có 19 lớp với 612 học sinh. Tổng diện tích khuôn viên của trường 7.919m2 với đầy đủ phòng học, cơ sở vật chất để phục vụ học tập cho học sinh.
Chất lượng giáo dục của trường luôn được duy trì, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt từ 50-70%. Hằng năm có 99,4-100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học.
Hàng năm, Hiệp hội Junko cùng sinh viên Đại học Đà Nẵng sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu với học sinh của trường Tiểu học Junko và một số trường khác trên địa bàn.
Suốt chặng đường 26 năm hình thành và phát triển, trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ giúp sức đóng góp vào sự phát triển cho quê hương, đất nước…
Yên Yên (t/h)