Cậu bé bán rong nói được 16 thứ tiếng được mệnh danh là “thần đồng ngôn ngữ”
Chỉ sau một đêm, cậu bé Thuch Salik đã trở nên vô cùng nổi tiếng khi đoạn clip em có thể nói được tận 16 thứ tiếng được đăng tải trên mạng xã hội. Một việc mà ngay đến cả người lớn cũng phải mất rất nhiều năm để học tập cũng chưa đạt được thành tựu kinh ngạc như Thuch Salik.
Thuch Salik chưa hết ngỡ ngàng khi ra đường được nhiều người nhận ra, xin chụp ảnh cùng. Một trang mới mở ra với cậu bé và gia đình nhờ clip em nói 10 thứ tiếng “gây bão” mạng.
Tờ Channel News Asia dùng cụm từ “đổi đời sau một đêm” để nói về Thuch Salik – cậu bé bán rong quanh ngôi đền Ta Prohm (Siem Reap, Campuchia) – nói được 10 thứ tiếng khiến cộng đồng mạng châu Á kinh ngạc những ngày qua.
Trước đó, cuộc sống của Salik vốn chỉ là chuỗi ngày sáng đạp xe quãng đường rất xa tới trường, chiều mang trên người giỏ đồ chứa nhiều món lưu niệm như nam châm trang trí tủ lạnh, bưu thiếp, quạt giấy, sáo tre bán cho khách du lịch quanh những ngôi chùa nổi tiếng.
Nhờ clip của nữ blogger du lịch Venus Goon (người Malaysia), Thuch Salik bỗng “nổi như cồn” ở Campuchia và một số nước châu Á với biệt danh “thần đồng ngôn ngữ”.
Mẹ không ngờ con biết tới 16 thứ tiếng
16 là số ngôn ngữ chính xác mà hiện Thuch Salik có thể nói được. Hít một hơi thật sâu, cậu bé 14 tuổi ngồi đếm từ 1-10 bằng 16 thứ tiếng khác nhau cho phóng viên Channel News Asia nghe.
Salik gần như không cần dừng lại suy nghĩ, đếm số liên tục bằng tiếng Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Khmer, Anh, Tagalog, Mã Lai, 3 thứ tiếng địa phương của Trung Quốc (Quan Thoại, Quảng Đông, Hải Nam), Nga, Thái, Việt, Hàn, Nhật.
“Em bán hàng rong từ năm 11 tuổi. Khi ấy, em chỉ biết một ngôn ngữ thôi. Khi em học được một chút tiếng Anh, mẹ bảo chuyển qua khu vực núi Bak Kheng bán. Du khách ở đó chủ yếu là người Trung Quốc nên em đã học tiếng Trung để bán được nhiều hơn. Em thường hát để thu hút họ”, Salik nói trước khi ngẫu hứng hát một đoạn trong ca khúc tiếng Trung.Nhiều đứa trẻ bán rong ở Campuchia cũng có thể giao tiếp đơn giản với các vị khách du lịch chủ yếu tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, Salik là cậu bé đặc biệt hơn cả. Cậu tự học tiếng nhờ những lần bắt chuyện để mời du khách mua hàng.
Đối với các du khách nói tiếng Anh, Salik áp dụng “chiến lược” tương tự. Cậu bé thường hát chế một đoạn trong ca khúc Shape of you của nam danh ca Ed Sheeran. Sự nhiệt tình và thông minh của Salik thường khiến du khách kinh ngạc, mua đồ ủng hộ cậu.
Chị Mann Vanna – mẹ Salik – không dám tin rằng con trai mình ngày càng được nhiều người biết tới.Bán được bao nhiêu tiền, Salik đưa hết cho mẹ để trang trải học phí của cậu và em trai Tithya. Sinh hoạt phí của gia đình 4 người ở trong căn nhà lụp xụp, cách đền Ta Prohm vài trăm mét và đang phải vật lộn với nợ nần cũng trông chờ vào số tiền ít ỏi này.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khôn xiết. Tôi đã sốc khi nhận ra con trai mình thông minh, biết nói nhiều thứ tiếng đến vậy”, người mẹ trẻ tâm sự.
Với chị Vanna, Salik là đứa con ngoan, ham học hỏi và không bao giờ phàn nàn khi phải mặc quần áo cũ, đạp xe đi học xa hay không được ăn ngon.
“Nhìn cha mẹ người ta mua quần áo mới cho con cái, tôi cảm thấy rất thất vọng về bản thân. Vợ chồng tôi không thể làm điều tương tự cho các con mình. Chúng tôi đã mang các con đến với cuộc đời nhưng không đủ khả năng lo cho chúng cuộc sống đầy đủ và điều kiện học tập tốt”, chị Vanna buồn bã nói.
Tương lai rộng mở
Những ngày qua, cuộc sống của gia đình Salik hoàn toàn thay đổi. Họ được tài trợ chi phí lên thủ đô Phnom Penh làm khách mời cho nhiều chương trình truyền hình.
Nhiều doanh nhân và tổ chức tặng gia đình “thần đồng ngôn ngữ” hàng nghìn USD, xe đạp, đồ chơi mới và cam kết hỗ trợ giáo dục cho Salik đến khi tốt nghiệp đại học. Tithya – em trai Salik – cũng nhận được hỗ trợ tương tự về mặt giáo dục. Cũng có khả năng ngôn ngữ đáng kinh ngạc như anh trai, cậu bé 10 tuổi có thể nói 10 thứ tiếng.
Một công ty truyền thông ở Trung Quốc ngỏ lời tài trợ toàn bộ chi phí cho gia đình Salik tới Bắc Kinh tham quan. Cũng trong chuyến đi này, Salik sẽ được mời lên sân khấu hát. Nếu kết quả khả quan, công ty này sẽ đề nghị cậu bé tham gia khóa đào tạo thành ca sĩ.
“Em cảm thấy rất vui mừng và hào hứng. Em chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình lại nổi tiếng thế này. Ngay cả khi đang ăn trưa, mọi người cũng tới gần xin chụp ảnh với em”, Salik chưa dám tin vào sự nổi tiếng quá nhanh của mình.
Đang trò chuyện với phóng viên dưới tán cây gần lối vào đền thờ, Salik được cặp vợ chồng người Trung Quốc đến xin chụp ảnh và thử khả năng nói nhiều thứ tiếng. Họ cho cậu bé 5 USD, chọn một túi thêu nhỏ để làm quà lưu niệm.
Nhờ sự hỗ trợ về mặt tài chính từ nhiều cá nhân và tổ chức, chuỗi ngày đi bán rong của Salik có thể sắp kết thúc. Cậu bé hứa sẽ nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và học vấn của mình.
Chị Vanna nói rằng mình sẽ tiếp tục bán hàng rong quanh các ngôi đền. Còn hai anh em Salik sẽ nghỉ bán để tập trung học tập.
“Nếu rảnh rỗi, Salik có thể phụ giúp tôi. Còn không, tôi sẽ động viên con tập trung học. Tôi muốn con trai mình được ăn học tử tế bởi bản thân tôi không có cơ hội đến trường”, mẹ Salik chia sẻ.
Một tương lai tươi sáng đang chờ Salik ở phía trước. Ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch để khám phá vẻ đẹp quê hương và đặt chân tới những quốc gia khác của cậu bé cũng đã được chắp cánh.
‘Xin đừng cho tiền trẻ em bán rong’
Thuch Salik là người may mắn nhất trong hàng nghìn đứa trẻ trên khắp đất nước Campuchia đang hàng ngày được sử dụng làm công cụ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bán hàng rong dường như là điều “sống còn” với chúng. Còn việc học, nhiều em nhỏ thậm chí chẳng dám mơ tới.
UNICEF Campuchia ước tính 80.000 trẻ em nước này không được đến trường. Đói nghèo khiến tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng và bóc lột tương đối cao. Nhiều đứa trẻ đã phải làm các công việc nặng nhọc như khai thác muối, làm gạch.
Theo ông Bruce Grant – Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em của UNICEF Campuchia, việc cho tiền trẻ em tại các điểm du lịch hoặc trên đường phố có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.
“Chúng tôi khuyến cáo du khách không nên cho tiền và mua hàng của trẻ em bán rong. Tôi biết điều đó rất khó nhưng đó là điều đúng đắn để làm. Có hàng nghìn trẻ em đang buộc phải lang thang ăn xin trên đường phố Campuchia. Chúng cố gắng làm khách du lịch cười hay cảm thấy thương mình mà cho tiền. Tuy nhiên, số tiền này sau đó có thể đến tay những kẻ lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em”, ông Grant nói.
Nam Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em của UNICEF Campuchia gợi ý du khách mua đồ lưu niệm từ người lớn, cho trẻ em bút, sách vở hoặc tìm đến các tổ chức xã hội để yêu cầu hỗ trợ trẻ em khó khăn.
Ông Bruce Grant Grant giải thích rằng đứa trẻ càng kiếm được nhiều tiền, càng có khả năng bị ép làm nhiều hơn.UNICEF khuyến cáo khách du lịch nên tìm hiểu trên trang Think Child Safe những phương pháp tốt nhất để tương tác với trẻ em Campuchia và các quốc gia khác.
“Cho tiền hay mua đồ cho trẻ bán rong là đang biến chúng thành nô lệ”, ông cảnh báo.
7 điều du khách nên làm để bảo vệ trẻ em trong chuyến du lịch của mình, theo thinkchildsafe.org:
1. Trẻ em không phải điểm thu hút khách du lịch – Đừng đối xử với chúng như vậy.
2. Làm từ thiện cho trẻ em nghĩ là tốt nhưng có thể gây hại – Hãy tìm các cách tốt hơn để giúp đỡ chúng.
3. Trẻ em phải trả giá cho sự hào phóng của du khách – Đừng cho trẻ ăn xin.
4. Các chuyên gia biết rõ nên làm gì nhất – Hãy gọi cho họ nếu một đứa trẻ cần giúp đỡ.
5. Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác – Tố giác khách du lịch bóc lột tình dục trẻ.
6. Trẻ em không nên đi làm thay vì đến trường – Báo cáo khi thấy trẻ em bị bóc lột lao động.
7. Bảo vệ trẻ em – Hãy là du khách biết đảm bảo an toàn cho chúng
>>> Cậu bé bán rong ‘gây bão’ với khả năng nói 10 thứ tiếng
Theo Zing New