Carrie Lam nhắc người dân giữ ấm nhưng lại bị chế giễu: “Người máu lạnh cũng có thể thấy lạnh sao?”
Vào sáng sớm ngày 5/12, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đăng một bài trên Facebook nhắc nhở người dân giữ ấm. Đáp lại, người dân Hồng Kông đã chế giễu: “Người máu lạnh cũng có thể thấy lạnh sao?”; “Kể từ tháng 6, Hồng Kông đã bước vào một mùa đông khắc nghiệt, bà cảm nhận được à”.
Sau khi Đài Thiên văn Hồng Kông đưa ra cảnh báo thời tiết chuyển lạnh, Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đăng một bài trên Facebook vào sáng sớm ngày 5/12 để nhắc nhở mọi người giữ ấm, bày tỏ sự quan tâm với người dân.
Tuy nhiên, ngay khi bài viết được đăng tải, cư dân mạng Hồng Kông đã ngay lập tức bình luận chế giễu:
“Người máu lạnh cũng có thể thấy lạnh sao?”;
“Tại sao chính phủ máu lạnh lại quan tâm đến người dân bị lạnh?”;
“Thời tiết lạnh nữa cũng không bằng trái tim lạnh băng của bà”;
“Mỗi lần thấy bà mở miệng dối trá, liền hít sâu một hơi để chống lại cái lạnh”;
“Kể từ tháng 6, Hồng Kông đã bước vào một mùa đông khắc nghiệt, bà cảm nhận được à”.
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đứng sau chính phủ Hồng Kông thúc đẩy dự luật dẫn độ, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. Vào ngày 9/6, hàng triệu người dân Hồng Kông đã diễu hành biểu tình chống sửa đổi dự luật dẫn độ. Nhưng Lâm Trịnh coi thường dân ý, từ chối thu hồi dự luật dẫn độ.
Vào ngày 12/6, dân chúng đã vây quanh Hội đồng Lập pháp, ngăn cản chính phủ Hồng Kông thông qua dự luật, cảnh sát Hồng Kông đã dùng vũ lực giải tán người dân, nhiều người bị thương và bị bắt giữ. Lâm Trịnh gọi người dân biểu tình là “côn đồ”, kích động sự phẫn nộ của công chúng.
Ngày 16/6, hơn 2 triệu người Hồng Kông đã xuống đường một lần nữa, nhưng Lâm Trịnh vẫn ủng hộ sự đàn áp bạo lực của cảnh sát Hồng Kông, dẫn đến sự leo thang của phong trào phản đối dự luật dẫn độ, giờ đây đã vượt khỏi tầm kiểm soát, càng ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Cho tới nay, phong trào phản đối dự luật dẫn độ đã diễn ra trong 6 tháng, mà chính phủ Lâm Trịnh một mực nghe theo chỉ lệnh của ĐCSTQ, khiến cho người dân Hồng Kông thất vọng, họ kêu gọi ĐCSTQ thực hiện cam kết “một quốc gia, hai chế độ”, để người Hồng Kông bầu cử dân chủ, bầu cử ra quan chức đại diện chân chính cho Hồng Kông.
Trong cuộc bầu cử Hội đồng quận ở Hồng Kông gần đây, người Hồng Kông đã lên tiếng bằng số phiếu bầu, phe dân chủ toàn thắng, giành được 388 ghế trong tổng số 452 ghế ở 18 quận; phe kiến chế thân ĐCSTQ thất bại thảm hại với chỉ 59 ghế, phá vỡ tình hình kiểm soát hội đồng quận trong 20 năm của phe kiến chế. Tình hình chính trị Hồng Kông thay đổi nhanh chóng trong một đêm, khiến Trung Nam Hải kinh ngạc.
Có người thân cận với giới lãnh đạo cấp cao ở Trung Nam Hải tiết lộ, kết quả của cuộc bầu cử hội đồng quận đã khiến cho Tập Cận Bình kinh hãi, khác biệt quá xa so với báo cáo của Lâm Trịnh trước đó nói là phe kiến chế “nhất định thắng lợi”. ĐCSTQ đang ở trong một mớ hỗn độn, “đến nay vẫn chưa có phương án để giải quyết”.
Đổng Lập Văn, Ủy viên ban cố vấn Think Tank của Đài Loan nói với Thông tấn xã Trung ương rằng, phe Kiến Chế thất bại thảm hại khiến cho Tập Cận Bình khó xử, vì ông Tập mới gặp Lâm Trịnh Nguyệt Nga cách đây không lâu, cũng dành “sự tin tưởng cao độ và hết sức tán thành” với chính phủ Hồng Kông do bà lãnh đạo, cho thấy ông Tập có sự đánh giá sai nghiêm trọng về tình hình ở Hồng Kông.
Nhà bình luận Vương Hách của Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) nói, Tập Cận Bình đã bị bao vây bởi thông tin sai lệch về thể chế của ĐCSTQ trong một thời gian dài, kết quả của cuộc bầu cử lần này ở Hồng Kông có thể nói là một cảnh cáo thức tỉnh đối với ông Tập.
Về số phận của Lâm Trịnh, tờ Financial Times của Anh từng chỉ ra, Bắc Kinh đang cân nhắc về việc thay thế bà, có thể cho bà từ chức vào tháng 3 năm sau. Bình luận viên thời sự Ngô Minh Đức lại cho rằng, Lâm Trịnh rất có thể sẽ bị khống chế tại Bắc Kinh: “Bắc Kinh nhất định sẽ không cho Lâm Trịnh ra ngoài nói chuyện, cái cớ là để bảo vệ bà ta. Tôi thấy bà ấy sẽ kết thúc như vậy. Bởi vì bà ấy đã biết quá nhiều thứ“.
Ngày 4/12, 25 nghị viên Hội đồng lập pháp của phe dân chủ Hồng Kông đã đưa ra kiến nghị: theo Điều 73, mục 9 của Luật cơ bản Hồng Kông, tố cáo Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga với lý do là bà ấy đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho Hồng Kông, hy vọng việc kết tội này có thể khiến Lâm Trịnh từ chức, để Hồng Kông có một bước ngoặt mới.
Ngoài ra, việc ký thông qua “Dự luật Nhân quyền và dân chủ Hồng Kông” của Tổng thống Mỹ Trump, cũng khiến cho ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông liên tiếp gặp nạn. Ngày 1/12, Solomon Yue, Phó chủ tịch tổ chức sự vụ hải ngoại Đảng Cộng hòa Mỹ đã đăng bài trên Twitter, liệt kê ra danh sách 6 người (Gang of Six) có thể bị trừng phạt.
Trong số sáu người, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga dẫn đầu, ngoài ra còn có Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu (John Lee), người từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ cảnh sát khiến cho dân chúng phẫn nộ, cảnh sát trưởng Lư Vĩ Thông (Stephen Lo) vừa bị từ chức, Bộ trưởng tân nhiệm Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang), người nghi ngờ có quan hệ mật thiết với thế lực đen tối ở Nguyên Lãng.
Tiếp theo là Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng), người tuyên bố bị chấn thương tay và đang nghỉ phép, và Diệp Lưu Thục Nghi (Regina IP), Nghị viên Hội đồng Điều hành và Hội đồng Lập pháp Hồng Kồng, đồng thời là chủ tịch Đảng Nhân Dân Mới thân Bắc Kinh
Lâm Trịnh không chỉ khó giữ được vị trí của mình, mà còn có thể liên lụy đến người nhà. Người dân Anh trước đó đã khởi xướng ký tên trên trang web kiến nghị Change.org, yêu cầu nước Anh hủy bỏ quốc tịch Anh của người nhà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hiện nay đã có gần 300.000 người ký tên. Theo luật pháp Anh, nếu đơn kiện dân sự được ký bởi hơn 100.000 người, chính phủ Anh phải đưa ra phản hồi chính thức trước yêu cầu của công chúng và cũng phải triển khai thảo luận tại Quốc hội.
Minh Huy (Theo NTDTV)