Cảnh sát Hồng Kông đang làm tình hình trở nên mất kiểm soát?
Cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông đã vượt quá tầm kiểm soát, nhưng không phải là sự leo thang của các cuộc biểu tình của người dân, mà là cảnh sát Hồng Kông đang ngày càng khó khống chế, trở thành trở ngại lớn nhất để Hồng Kông khôi phục lại trật tự cơ bản và thoát khỏi tình hình chính trị khó khăn hiện nay.
Thẳng thắn mà nói, mặc dù chính quyền Bắc Kinh có thể chỉ huy Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhưng cả Bắc Kinh và Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều không thể chỉ huy và kiểm soát cảnh sát Hồng Kông một cách hiệu quả, bởi cảnh sát Hồng Kông cảm thấy họ đã bị đôi bên bỏ rơi: Bị người Hồng Kông khinh miệt, và cũng có thể bị nhà cầm quyền Bắc Kinh hay Hồng Kông quay lưng lại bất kỳ lúc nào.
Cảnh sát Hồng Kông nhận ra rằng, cho dù ai lên nắm quyền trong tương lai đều nhất định sẽ truy tố tội lạm dụng bạo lực đàn áp người dân của họ, nếu không sẽ không thể khôi phục trật tự cơ bản của Hồng Kông. Không khó để hiểu rằng với cách suy nghĩ này, sẽ ngày càng nhiều cảnh sát Hồng Kông lạm dụng bạo lực, cho dù việc làm này sẽ mang lại những hậu quả chính trị nghiêm trọng hơn cho nhà cầm quyền.
Video: Cảnh sát Hồng Kông ngang nhiên bắn súng trực tiếp vào người biểu tình ngày 11/11
Sau khi nhìn nhận lại, một số người sẽ nói rằng, nếu như Tập Cận Bình có thể cương quyết đưa quân đội vào khống chế thì Hồng Kông sẽ không gặp phải tình huống khó khăn như hiện nay. Những người giữ quan điểm này thường bỏ qua một vấn đề, đó là tại sao cho đến tận bây giờ Tập Cận Bình vẫn rất thận trọng trong việc cử quân đội tới Hồng Kông?
Có thể thấy rằng, Tập Cận Bình nhận thấy ông không thể gánh chịu hậu quả chính trị khi đưa quân đội tới Hồng Kông. Lý do quan trọng nhất là Hồng Kông khác với Tây Tạng và Tân Cương, toàn thế giới có thể quan sát những thay đổi ở Hồng Kông bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, Hoa Kỳ và các nước phương Tây cũng không thể chấp nhận những hành động bạo lực quá đáng mà ĐCSTQ đã áp dụng như cách đây 30 năm về trước.
Trước tình hình này, nếu như Tập Cận Bình quyết định xuất quân sẽ mang lại cơ hội thuận lợi cho lực lượng chính trị đối lập trong Đảng. Lý do mà Tập Cận Bình phản đối việc xuất quân là ĐCSTQ có đủ lực lượng để khống chế cục diện tại Hồng Kông, trong đó lý do thuyết phục nhất là sau nhiều năm “làm việc”, cảnh sát Hồng Kông đã chịu kiểm soát hoàn toàn bởi ĐCSTQ.
Hiện nay, lý do thuyết phục nhất này đã trở thành trở ngại lớn nhất để ĐCSTQ dập tắt tình hình ở Hồng Kông. Đây là hậu quả mà Tập Cận Bình, thậm chí toàn bộ ban lãnh đạo của ĐCSTQ chưa bao giờ nghĩ tới. Vậy hậu quả này có ý nghĩa gì đối với khủng hoảng tại Hồng Kông và khủng hoảng ở Trung Quốc Đại lục?
Đối với cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh và các đặc vụ của họ ở Hồng Kông phải tiếp tục dựa vào cảnh sát Hồng Kông để đàn áp sự phản kháng của người biểu tình. Mặt khác, họ không thể kiểm soát sự lạm dụng bạo lực của cảnh sát Hồng Kông, cũng không thể chắc chắn về lòng trung thành chính trị của cảnh sát Hồng Kông. Cục diện này ắt sẽ mang tới hậu quả nghiêm trọng, đó là khủng hoảng tại Hồng Kông tiếp tục xấu đi.
Có thể thấy rằng, hiện tại chính quyền Bắc Kinh không thể tìm thấy người tiếp nhận vị trí Trưởng Đặc khu của Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bởi lẽ ngay cả những người trung thành nhất đối với Bắc Kinh cũng biết rằng họ không thể kiềm chế và kiểm soát cảnh sát Hồng Kông, cho dù có năng lực cỡ nào cũng không thể dập tắt sự đấu tranh của người dân Hồng Kông.
Hơn nữa, để chỉnh đốn toàn diện lực lượng cảnh sát và xây dựng lại pháp quyền tại Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh phải cam kết sẽ nhượng bộ lớn về chính trị đối với người dân Hồng Kông và thực sự tiến hành dân chủ chính trị. Thật khó tưởng tượng rằng Tập Cận Bình dám nhượng bộ như vậy.
Khi khủng hoảng ở Hồng Kông nằm ngoài tầm kiểm soát, quyền lực chính trị của Bắc Kinh chắc chắn sẽ chịu tác động lớn. Tuy nhiên, dù là gửi quân đội tới Hồng Kông hay tiếp tục để Lâm Trịnh Nguyệt Nga chống đỡ, Tập Cận Bình đều không thể giải quyết vấn đề Hồng Kông, mà còn làm gia tăng khủng hoảng thống trị ở trong nước.
Việc xuất quân tới Hồng Kông sẽ tăng áp lực chế tài từ bên ngoài đối với ĐCSTQ, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc. Còn nếu như tiếp tục để Lâm Trịnh Nguyệt Nga tự xoay sở, sẽ khiến các quan chức và người dân nhận thức rõ hơn về sự bất tài và độc đoán của Bắc Kinh.
Vấn đề Hồng Kông cùng với sự xấu đi nhanh chóng của nền kinh tế, đã khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng trật tự chính trị-xã hội cực kỳ nhạy cảm trong năm 2019, nó còn có khả năng gây ra các phản ứng dây chuyền không mong muốn ở Trung Quốc.
Tác giả: Lương Kinh
Minh Huy (Theo Bannedbook)
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của BBT Tinhhoa.net)