Các Nghị sỹ Hoa Kỳ lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Chiều ngày 20/12, tại tòa nhà văn phòng Quốc hội Hoa Kỳ, Trung tâm Phục vụ thoái đảng Toàn cầu đã tổ chức diễn đàn thảo luận về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Tại diễn dàn, nhiều Nghị sỹ Hoa Kỳ đã lên án cuộc đàn áp tàn bạo này.
Trong số các thành viên tham dự diễn đàn có các Nghị sỹ Hoa Kỳ, các nhà hoạt động nhân quyền, các học giả, các nạn nhân của cuộc bức hại, và thành viên gia đình của các học viên Pháp Luân Công bị bức hại tại Trung Quốc.
Ba chị em gái Vương Xuân Vinh, Vương Xuân Anh, và Vương Xuân Ngạn đến từ Đại Liên, hiện sống tại Hoa Kỳ. Họ đã bị giam giữ trong nhiều năm vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công và người thân của họ cũng bị liên đới. Một trong số đó từng là giám đốc của một công ty kiểm toán, một người khác là y tá trưởng một bệnh viên, và người thứ ba là quản lý của một doanh nghiệp nước ngoài. Cá nhân họ từng biết đến hàng chục học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết ở Trung Quốc.
Những bức ảnh về các thành viên gia đình và bạn bè, những người đã bị tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã được chiếu tại diễn đàn. Từ Hâm Dương, 16 tuổi đến từ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc mang đến diễn đàn những bức ảnh của cha mình trước và sau khi bị bức hại. Cha cô bé đã qua đời do bị ngược đãi trong khi bị giam giữ.
Anh Đỗ Hải Ngải, một công dân ở Washington DC mang đến tấm hình của mẹ anh. Mẹ anh Đỗ đã bị kết án phi pháp ba năm rưỡi tù giam vì bà đã khởi kiện Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư của ĐCSTQ, người đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Cho đến nay mẹ anh vẫn chưa được phép tiếp nhận thăm viếng từ gia đình.
Các Nghị sỹ Hoa Kỳ lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Ông Steve King, Nghị sỹ Hoa Kỳ, diễn thuyết tại diễn đàn rằng nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công đã và đang bị chà đạp: “Một nhóm từ 70 đến 100 triệu người bị tước bỏ quyền tự do, nhân quyền cơ bản, vốn được pháp luật công nhận. Sau đó họ bị bức hại, bị tra tấn, cách ly và giết hại. Tạng của họ bị bán ra thị trường để ghép cho người khác. Đó là một tội ác ghê rợn đã miệt thị và chà đạp lên nhân quyền, hệ quả của chính phủ theo chủ nghĩa Mác-xít – ĐCSTQ”.
Nghị sỹ Steve King mong muốn Quốc hội Hoa Kỳ “ủng hộ các nghị quyết bảo vệ Pháp Luân Công và lên án chính quyền Trung Quốc về việc bức hại những người chỉ muốn tu tập một cách ôn hòa và sinh sống tự do”.
Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc (CECC) và Hạ Nghị sỹ Chris Smith đã viết thư ủng hộ Pháp Luân Công. Trong thư viết: “Kể từ năm 1999, hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng dưới bàn tay thống trị của chính quyền cộng sản. Nhiều người đã bị bắt giam một cách tùy tiện, bị ngồi tù, tra tấn thậm chí bị giết hại do chính quyền Trung Quốc cố ý ép buộc các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin của họ. Sự bất công và tội ác nhân quyền mà hàng triệu công dân lương thiện ở Trung Quốc, những người thực hành ‘Chân – Thiện – Nhẫn’ phải chịu đựng là không thể chấp nhận”.
Bức thư còn đề cập thêm: “Chúng ta không thể im lặng trước những hành động tàn bạo mà Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải trải qua, chúng ta phải hành động để khiến những kẻ vi phạm chịu trách nhiệm pháp lý cho những tội ác của chúng. ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về việc tra tấn và tùy tiện giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Trong những năm gần đây, chúng tôi thấy tự hào khi đã đồng bảo trợ cho các dự luật tại Hạ viện và Thượng viện, thể hiện sự đoàn kết với các học viên Pháp Luân Công và lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng”.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ thoái đảng Toàn cầu: Gần 300 triệu người thoái đảng
Bà Dị Dung, Giám đốc Trung tâm thoái đảng Toàn cầu cho biết ít nhất 292 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Bà cho biết những người thoái xuất khỏi ĐCSTQ thuộc mọi giai tầng xã hội, bao gồm các quan chức cao cấp của ĐCSTQ, sỹ quan cảnh sát, quân nhân và sỹ quan, sinh viên, công nhân và nông dân.
Bà Dị Dung nhận xét: “Sau khi biết được sự thật về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với người dân nước này qua nhiều phong trào chính trị, bao gồm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn và cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, mọi người đã thức tỉnh và quyết định thoái Đảng”.
Làn sóng thoái ĐCSTQ cũng đã thu hút sự quan tâm của Hạ Nghị sỹ Dana Rohrabacher. Ông nói: “Tôi cho rằng phong trào thoái đảng là tối quan trọng, cấp cho những người gia nhập tổ chức tàn ác này cơ hội thoát khỏi nó và không tham gia vào đàn áp người dân của chính đất nước mình cũng như đe dọa tới toàn thế giới”.
Ông Trevor Loudon, tác giả, diễn giả và nhà hoạt động chính trị đến từ New Zealand, nhận xét rằng Chín lời bình luận Đảng Cộng sản (cửu bình) đã phân tích một cách chính xác bản chất của ĐCSTQ và những vấn đề chủ yếu của nó. Ông khích lệ mọi người thoái ĐCSTQ, và cho rằng đó là một lựa chọn sáng suốt.
Ông bình luận: “Sở dĩ Đảng Cộng sản tồn tại là vì nó thu hút được năng lượng, thời gian, sự cống hiến và tài trí của đảng viên và lôi kéo họ tiếp tay cho hệ thống tàn ác. Vì vậy nếu mọi người có thể rời khỏi hệ thống đó, thì về cơ bản Đảng Cộng sản sẽ sụp đổ, cuối cùng là biến mất. Cái ác chỉ có thể tồn tại nếu nó được sự ủng hộ của những người tốt, lòng tốt của mọi người, còn nếu như mọi người rút khỏi nó, hệ thống đó sẽ sụp đổ, đó sẽ không còn là vấn đề nữa”.
Tiến sỹ Khoa học Chính trị giới thiệu cuốn sách mới: Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản
TS. Lý Thiên Tiếu, khoa Khoa học Chính trị Đại học Columbia đã giới thiệu một cuốn sách mới, hiện chỉ có phiên bản tiếng Trung, có tiêu đề “Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản”. Ông nói rằng cuốn Cửu Bình được nhóm đồng tác giả xuất bản 13 năm trước đã dẫn đến một số lượng lớn người thoái xuất khỏi ĐCSTQ, hiện đã có gần 300 triệu người.
Ông cho biết: “Tiêu điểm của cuốn sách mới này là chủ nghĩa Cộng sản không phải là một lý luận, không phải là một học thuyết, cũng không phải một phong trào hay thực tiễn thất bại, nó là một bóng ma tà ác nhằm tiêu diệt loài người thông qua việc hủy hoại văn hóa và các tiêu chuẩn đạo đức con người”.
“Thời báo EpochTimes sẽ sớm công bố phiên bản tiếng Anh của cuốn sách này. Tôi thiết tha đề nghị tất cả mọi người hãy đọc nó. Bảo đảm rằng cuốn sách sẽ cho bạn những lĩnh hội mới, những quan điểm mới trong nhìn nhận về chủ nghĩa Cộng sản”.
Theo Minh Huệ