Brazil: Phát hiện hóa thạch rắn 4 chân
Ngày 23/7, các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch loài rắn 4 chân tại Brazil, mẫu vật duy nhất từ trước tới nay, làm dấy lên giả thiết rằng tổ tiên của những loài bò sát là động vật sinh sống trên đất liền chứ không phải là ở dưới nước.
Theo tạp chí Science, loài rắn này có tên gọi Tetrapodophis amplectus, sinh sống ở thời kỷ Phấn trắng, khoảng từ 146 đến 100 triệu năm, và có nhiều đặc điểm tương tự như của loài rắn hiện tại: mũi ngắn, vòm sọ thuôn dài, vân da, răng nhọn và quai hàm rất linh hoạt để nuốt con mồi lớn.
Tiến sĩ Dave Martill, làm việc tại Đại học Portsmouth (Anh) cho biết hóa thạch mà ông tìm thấy nằm trong 1 bộ sưu tập ở bảo tàng Solnhofen (Đức) chứng minh rằng rắn tiến hóa từ loài thằn lằn trên cạn chứ không phải thằn lằn biển.
Tiến sĩ Martill đã phát hiện ra hóa thạch rắn 4 chân này trong chuyến đi thực tế định kỳ đến bảo tàng Solnhofen cùng với các sinh viên.
“Tôi thấy nó trong cuộc triển lãm các hóa thạch từ kỷ Phấn Trắng của bảo tàng. Không ai nghĩ nó quan trọng, nhưng tôi biết đây là một mẫu vật đặc biệt”, ông Martill nói.
Loài bò sát này cũng có một cấu trúc cột sống tương tự như loài rắn ngày nay, cho phép chúng có một lực khủng khiếp để siết chặt con mồi tới lúc chúng bị ngạt thở.
Sự khác biệt duy nhất của Tetrapodophis amplectus với loài rắn hiện nay là bốn chân của chúng mà dường như không được dùng để di chuyển mà chỉ để bắt mồi hoặc giao phối.
Các tác giả của công trình nghiên cứu khoa học này cũng nhấn mạnh Tetrapodophis amplectus không có đuôi dài, đặc trưng của các loài bò sát sống dưới nước như cá sấu. Điều này đưa lại giả thuyết rằng tổ tiến của loài rắn không sinh sống dưới nước.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích các đặc điểm di truyền và hình thái của Tetrapodophis amplectus và đã so sánh với các loài rắn khác./.
Theo Vietnam+