Bóng chuyền hội làng vui hơn giải chuyên nghiệp

09/03/15, 11:00 Tin Tổng Hợp
TT - “Oanh tạc cơ Ngô Văn Kiều đã có mặt tại nhà văn hóa thôn 8 (thôn Ninh Giang, huyện Gia Lâm, Hà Nội), xin bà con một tràng pháo tay cổ vũ cho Ngô Văn Kiều và các cầu thủ Sanest Khánh Hòa đã lặn lội đường sá xa xôi về đây thi đấu phục vụ bà con...”.

TT – “Oanh tạc cơ Ngô Văn Kiều đã có mặt tại nhà văn hóa thôn 8 (thôn Ninh Giang, huyện Gia Lâm, Hà Nội), xin bà con một tràng pháo tay cổ vũ cho Ngô Văn Kiều và các cầu thủ Sanest Khánh Hòa đã lặn lội đường sá xa xôi về đây thi đấu phục vụ bà con…”.

Khán giả đội mưa, chịu rét ngồi kín sân nhà văn hóa thôn xem bóng chuyền

Danh sách các mạnh thường quân ủng hộ cho giải được dán công khai tại cổng Nhà văn hóa Ninh Giang – Ảnh: Nam Khánh

Tiếng loa phát thanh tại sân nhà văn hóa thôn Ninh Giang, xã Ninh Hiệp oang oang khắp hang cùng ngõ hẻm. Thế là một mùa lễ hội nữa lại đến, đây đã là mùa thứ sáu thôn Ninh Giang tổ chức giải bóng chuyền thôn trong ngày hội làng 18-1 âm lịch để tưởng nhớ vị tổ nghề truyền thống thuốc bắc, thuốc nam của làng.

Các CLB chuyên nghiệp thi nhau dự hội làng

Ninh Giang là làng có lịch sử làm nghề truyền thống thuốc bắc, thuốc nam đã hơn 1.000 năm nay tại Hà Nội và có thu nhập đầu người rất cao. Sáu năm gần đây, trong ngày hội làng, các bậc cao niên trong làng đã tổ chức thêm giải bóng chuyền để phục vụ nhân dân trong làng vì dân ở đây rất yêu bóng chuyền. Bốn năm đầu tiên, làng chỉ mời các đội bóng chuyền nam mạnh, hai năm gần đây họ mời cả các đội bóng chuyền nữ tham gia thi đấu.

Để chuẩn bị cho giải đấu, ban tổ chức làng phân công người tiếp khách, điều hành, người đón các CLB, làm thủ tục thi đấu, mời tổ trọng tài quốc gia đến điều khiển. Một trọng tài quốc gia cho biết đã gắn bó với giải đấu năm năm nhưng chưa từng chứng kiến sự cố nào xảy ra ở đây.

Tại hội làng Ninh Giang năm nay, nhiều CLB bóng chuyền hàng đầu đã cùng tranh tài để chia nhau phần thưởng lên tới nửa tỉ đồng từ ban tổ chức và nhà tài trợ. Tham dự giải bóng chuyền hội làng Ninh Giang diễn ra trong hai ngày 6 và 7-3 có 12 đội, trong đó có nhiều CLB đang thi đấu tại giải VĐQG là: Bộ Tư Lệnh Thông Tin, Ngân Hàng Công Thương, Tiến Nông Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Phòng Không Không Quân (nữ); Thể Công, Sanest Khánh Hòa, Đức Long Gia Lai, CLB Hà Nội, Trường ĐH TDTT Từ Sơn – Bắc Ninh, Tràng An Ninh Bình (nam).

VĐV Nguyễn Ngọc Ánh thuộc CLB bóng chuyền ĐH TDTT Từ Sơn cho biết trung bình mỗi năm sau tết đội bóng của trường dự khoảng 30 giải hội làng. Đội bóng chuyền Trường Từ Sơn đều là sinh viên và giảng viên bộ môn bóng chuyền của trường.

Giải làng to hơn giải quốc gia

Giải bóng chuyền làng Ninh Giang diễn ra hai ngày, ngày đầu thi đấu bóng chuyền nữ, ngày thứ hai đấu bóng chuyền nam. Sân nhà văn hóa thôn với sức chứa khoảng 1.000 người đã không còn chỗ trống khi các trận đấu diễn ra trong suốt hai ngày dù trời mưa phùn giá rét. Mặt sân thi đấu là sân ximăng, khán giả ngồi kín xung quanh sân mặc kệ trời mưa.
Ông Nguyễn Văn Tường – cán bộ văn hóa xã Ninh Hiệp – cho biết UBND xã không phải cấp kinh phí mà tiền tổ chức và tiền thưởng là nguồn xã hội hóa của nhân dân trong làng. UBND xã chỉ tăng cường cán bộ công an xuống làng để hỗ trợ an ninh và huy động cán bộ trạm y tế xuống túc trực nếu có sự cố chấn thương khi giải diễn ra.

Theo bảng thông báo tại cổng Nhà văn hóa Ninh Giang, giải năm nay thu hút được 120 nhà tài trợ đến từ Ninh Giang và các địa phương lân cận. Người tài trợ số tiền cao nhất là vợ chồng anh chị Hậu Vinh 40 triệu đồng, anh Quân ở Hà Nội tài trợ 20 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.

Ông Lâm Văn Thôn – trưởng thôn Ninh Giang kiêm trưởng ban tổ chức giải – cho biết: “Tổng số tiền các mạnh thường quân tài trợ cho giải năm nay là 220 triệu đồng, trong đó chúng tôi chi cho nhà vô địch nam 40 triệu đồng, 15 triệu cho đội đứng thứ hai và 7 triệu cho đội đứng thứ ba. Nhà vô địch nữ được 20 triệu đồng, 10 triệu cho đội thứ hai và 5 triệu cho đội đứng thứ ba. Tuy nhiên, trong quá trình giải diễn ra, các mạnh thường quân còn treo thưởng thêm gấp 2-3 lần tiền của ban tổ chức.

Ví dụ như đội Bộ Tư Lệnh Thông Tin vô địch giải nữ ngày 6-3, ngoài 40 triệu của ban tổ chức, họ nhận tổng cộng 125 triệu đồng tiền thưởng của các mạnh thường quân. Riêng VĐV Đỗ Thị Minh được nhận 20 triệu cho pha tấn công có tổ chức, ghi điểm trong vạch 3m nhưng không chạm lưới, chạm chắn. Đội đứng thứ hai cũng nhận được đến 70 triệu tiền thưởng và đội đứng thứ ba nhận 40 triệu đồng. Nhà vô địch nam – đội Trường ĐH TDTT Từ Sơn cũng nhận được tổng cộng 115 triệu đồng tiền thưởng”.

Món tiền dù lớn hay nhỏ đều được ban tổ chức đọc to trân trọng, nói lời cảm ơn cùng lời chúc may mắn đến chủ nhân treo thưởng.

Chưa hết, ngoài tiền ủng hộ, các khâu tổ chức giải đều được xã hội hóa. Một gia đình hỗ trợ hội làng toàn bộ tiền nước uống Aquafina, một gia đình hỗ trợ toàn bộ ghế ngồi cho khán giả, một gia đình hỗ trợ toàn bộ hoa tươi, một gia đình hỗ trợ toàn bộ cờ phướn…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nữ VĐV nguyên là thành viên đội tuyển quốc gia giờ đang thi đấu cho một CLB mạnh, nói: “Chúng tôi tham dự Giải VĐQG hai vòng đánh từ Bắc vào Nam nếu vô địch toàn đội chỉ được thưởng 100 triệu đồng, còn về làng đấu nếu may mắn thì trong một ngày một đội đã được trên 100 triệu. Phần thưởng cao là yếu tố quan trọng nhất khiến thầy trò tôi về các hội làng đấu quần quật từ sau tết đến giờ”.

Dự hội làng: cấm tuyển thủ quốc gia, không cấm CLB

Trao đổi với giới truyền thông, ông Trần Đức Phấn – phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – cho biết từ năm 2015, Tổng cục TDTT cấm không cho VĐV ở các đội tuyển quốc gia về dự hội làng vì nguy cơ chấn thương cao, ảnh hưởng đến việc thi đấu cho đội tuyển.

Chia sẻ về vấn đề này, HLV Triệu Tử Thiên của CLB Sanest Khánh Hòa cho biết ông ủng hộ việc cấm VĐV đang làm nhiệm vụ tại các đội tuyển quốc gia đi đấu ở hội làng, tuy nhiên với CLB thì không. Theo HLV Tử Thiên, việc thi đấu ở CLB là quyền của các CLB, nếu họ không tham gia các hội làng để VĐV có sân chơi, cọ xát thì rất khó cho công tác chuyên môn của CLB khi hệ thống giải đấu của bóng chuyền VN quá ít.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, tuyển thủ Ngô Văn Kiều nhìn nhận chơi bóng chuyền trên sân ximăng trong điều kiện trời mưa phùn vừa trơn vừa rét rất nguy hiểm cho VĐV. Tuy nhiên, Văn Kiều nói: “Điều tuyệt vời nhất chính là khán giả tại hội làng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi khi thi đấu”.

Ông Nguyễn Văn Nam – HLV phó CLB Tràng An Ninh Bình – cho biết nếu không có những giải này thì VĐV đội Tràng An Ninh Bình không được thi đấu, rất khó để đánh giá trình độ VĐV trước giải quốc gia. HLV Nguyễn Đăng Thành của CLB Đức Long Gia Lai cũng cho rằng việc thiếu giải đấu, thiếu sân chơi cho VĐV bóng chuyền là nguyên nhân dẫn đến việc anh phải đưa quân đi dự hội làng.

KHƯƠNG XUÂN

Theo Tuổi Trẻ – Thể Thao

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

Ad will display in 09 seconds

Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

Ad will display in 09 seconds

Tu thân

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

    Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

  • Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

    Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

  • Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

    Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

  • Tu thân

    Tu thân

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

    Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp