Bệnh nghề nghiệp của phi hành gia
Những phi hành gia sống hơn 1 tháng trong không gian thường mắc những vấn đề về mắt và não, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y Texas (Mỹ).||
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích ảnh chụp cắt lớp mắt và não của 27 phi hành gia thuộc Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA). Những phi hành gia tham gia nghiên cứu từng sống trung bình 108 ngày trong vũ trụ – trên tàu con thoi hoặc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, những phi hành gia sống hơn 1 tháng trong không gian có nguy cơ mắc hội chứng tăng áp lực nội sọ – xảy ra khi áp lực trong họp sọ tăng. Triệu chứng dịch não dư thừa chảy quanh hệ thần kinh thị giác xuất hiện ở 33% phi hành gia trong nghiên cứu, trong khi, 1/5 phi hành gia bị dịch lấp đầy phần phía sau nhãn cầu. Kết quả cũng cho thấy 15% phi hành gia có dây thần kinh thị giác bị phình ra và 11% có những thay đổi ở tuyến yên – nằm giữa các dây thần kinh thị giác – có chức năng tiết ra và chứa các hormone, làm nhiệm vụ điều khiển rất nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Giáo sư Larry Kramer, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Fox News: “Kết quả chụp cắt lớp MRI cho thấy sau một thời gian ngắn hay dài ngày trong vũ trụ, các phi hành gia có thể gặp những vấn đề về mắt và não như hội chứng tăng áp lực nội sọ.” Theo ông Kramer, ảnh hưởng của việc sống trong vũ trụ đối với mắt và não có thể là một hạn chế đối với các sứ mệnh khám phá vũ trụ dài ngày của con người trong tương lai. Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các phi hành gia thường bị loãng xương và đau nhức cơ tạm thời sau các chuyến du hành vũ trụ. Hà Hương
|