Bắt giữ 2 đối tượng buôn bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc
Nhận thấy biểu hiện đáng ngờ của đôi trai gái trẻ, lực lượng chức năng đã nhanh chóng bắt giữ 2 đối tượng gồm Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1997) và Ngô Duy Khang (sinh năm 1991) về hành vi buôn bán trẻ sơ sinh phi pháp sang Trung Quốc.
Khoảng 5h30 sáng 25/8, lực lượng công an Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma vừa bắt giữ 2 đối tượng có hành vi buôn bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc khi đang trên đường di chuyển tại đường mòn trên biên giới khu vực mốc 1227 thuộc thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Hai đối tượng bao gồm: Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1997, trú xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và Ngô Duy Khang (sinh năm 1991, trú xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Bước đầu, cả hai khai nhận có quan hệ như vợ chồng, và đứa bé cũng không phải con ruột của mình, mà được nhận từ một người phụ nữ tên Châu (không rõ địa chỉ) tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Khi nhận cháu bé, cả hai đã đưa cho Châu hơn 10 triệu đồng để làm giấy chứng sinh của bé mang tên người mẹ là Nguyễn Thị Ngọc Trâm và người cha là Ngô Duy Khang. Cháu bé sinh ngày 30/7/2019, giới tính: nam. Sau đó, cháu bé sẽ được đưa sang Trung Quốc giao cho một người đàn ông (không rõ tên và địa chỉ) để nhận lấy 50 triệu đồng.
Vụ việc đang được Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với nạn nhân là cháu bé sơ sinh, hiện đã được Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma bàn giao cho cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tương tự trước đó, vào ngày 20/7, lực lượng công an đã bắt giữ thành công 2 đối tượng có hành vi buôn bán trẻ em sang Trung Quốc. Sự việc diễn ra vào tối ngày 18/7, tại khu vực biên giới thuộc thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lực chức năng đã phát hiện một phụ nữ trạc 30 tuổi, khai nhận là Nguyễn Thị Duyên (SN 1992) bế 1 bé gái còn đỏ hỏn bước xuống xe taxi của Lường Văn Tâm, (SN 1990), và tiếp tục lên xe máy của 1 người đàn ông tên Phùng Văn Nam (SN 1999), đi vào đường mòn ra phía bờ sông biên giới. Nhận thấy biểu hiện nghi vấn, tổ tuần tra đã tiến hành kiểm tra, khám xét.
Nguyễn Thị Duyên bước đầu khai cháu bé là con mình nhưng không xuất trình được giấy tờ, sau khi bị thẩm tra đã thú nhận cháu bé được lấy từ tay một người phụ nữ tên Phương (khoảng 30 tuổi, không rõ họ tên, địa chỉ) tại Bến xe khách Móng Cái để đưa sang biên giới Trung Quốc giao cho đối tượng Lan (khoảng 40 tuổi, là phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc hiện đang sinh sống bên Trung Quốc). Nếu trót lọt, Duyên sẽ nhận được 5 triệu đồng tiền công.
Trong khi đó, đối tượng Phùng Văn Nam (SN 1999), người điều khiển xe máy chở Duyên lên biên giới khai nhận trong buổi tối cùng ngày có trao đổi với 1 người qua mạng xã hội về việc đưa chị Duyên và đứa bé qua biên giới. Sau khi đón chị Duyên ở khu vực trường học Hải Sơn đang chuẩn bị đưa qua bờ sông biên giới thì bị lực lượng biên phòng bắt giữ.
Được biết, những kẻ buôn người này thường nhắm vào các đối tượng là những người mẹ trẻ lầm lỡ, hoặc gia đình không có khả năng nuôi con để dụ dỗ, thậm chí là đánh liều bắt cóc trẻ sơ sinh đem bán. Để phát triển đường dây buôn bán của mình, nhiều kẻ còn lợi dụng mạng xã hội Facebook với khả năng tìm kiếm và kết nối cao, để dễ dàng tạo lập tài khoản và hội nhóm làm nơi chia sẻ thông tin mua nhận con qua đây, đồng thời tiện lợi cho việc móc nối từ những người có nhu cầu bán con đến những kẻ buôn người, tạo thành một đường dây mua bán trẻ em xuyên biên giới.
Đã có rất nhiều trường hợp trẻ em bị buôn bán phi pháp được ngăn chặn, nhưng vẫn còn nhiều những vụ âm thầm trót lọt mà lực lượng chức năng vẫn chưa điều tra tới. Chính vì vậy cho đến thời điểm này vấn nạn buôn bán trẻ em vẫn liên tục được diễn ra bất chấp sự xử lý của luật pháp, mà đích đến của những đứa trẻ đa phần đều đưa về Trung Quốc, là nơi có nhu cầu tìm kiếm trẻ sơ sinh cao, nên trẻ em ở đây luôn được xem là một “món hàng” đắt giá cho những kẻ buôn người lợi dụng.
Nguyên nhân chính cũng từ chính sách một con hà khắc và những đứa trẻ được nhận nuôi hợp pháp tại các trung tâm bảo trợ Trung Quốc lại quá đắt đỏ và phức tạp, khiến nhiều người Trung Quốc nếu muốn nhận con nuôi thì đều ưa chuộng tìm đến những kẻ buôn bán trẻ em bất hợp pháp để thuận tiện hơn và thậm chí là rẻ hơn.
Chưa kể đất nước Trung Quốc còn nổi tiếng với nạn buôn bán nội tạng, và sử dụng thịt người để chế biến thuốc (làm từ thịt trẻ em) thì lại càng nguy hiểm hơn cho những đứa trẻ bị bán này.
Thanh Thiên (t/h)