Bác sĩ từ chối mổ cứu thai nhi vì sợ thành Hoàng Công Lương thứ 2
Dù sản phụ đã chết nhưng tim thai vẫn còn đập đến 5 phút sau đó. Nếu bác sĩ quyết định mổ cấp cứu nhanh thì có thể cứu sống em bé. Nhưng từ sau vụ bs Hoàng Công Lương, ê-kíp cấp cứu khi ấy đã không dám cứu thai nhi mà chọn làm theo ‘quy trình’ để có thể an ổn sống qua ngày.
Những ngày qua, cộng đồng y bác sĩ đang chia sẻ một câu chuyện của Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) TS. Nguyễn Huy Quang, kể về một ê kíp sản khoa từ chối mổ một sản phụ đã chết để cứu đứa bé dù hi vọng thành công tới 20%.
Cụ thể, khi đoàn công tác của Bộ Y tế đến một tỉnh phía Bắc để xử lý trường hợp sản phụ tử vong thì phát hiện lúc người mẹ chết, thai nhi vẫn còn có thể được cứu.
“Một giáo sư sản khoa trong đoàn phát hiện dù sản phụ đã chết nhưng tim thai vẫn còn đập đến 5 phút sau đó. Nếu bác sĩ quyết định mổ cấp cứu nhanh, bỏ qua các bước quy trình thì có thể cứu sống em bé, dù chỉ có 20% hy vọng”, TS. Nguyễn Huy Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, vì sợ trở thành Hoàng Công Lương thứ 2, ê-kíp bác sĩ trực ca này đã không cứu thai nhi. Dù băn khoăn, do dự và cảm thấy cắn rứt trong tâm nhưng họ vẫn chọn làm theo đúng quy trình để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra là họ sẽ phải vào tù, sẽ không còn được sống yên ổn.
“Từ vụ bác sĩ Hoàng Công Lương ở Hòa Bình bị khởi tố, chúng em không dám làm sai quy trình. Nếu thành công, đây là điều kỳ diệu. Nếu thất bại, chúng em sẽ bị khởi tố vì ai cho mổ để chết cả mẹ lẫn con”, ê-kíp trực tâm sự.
Cuối cùng cả hai mẹ con sản phụ trên đều đã qua đời theo đúng ‘quy trình’.
Theo vụ trưởng vụ pháp chế của Bộ Y tế này thì hiện nay đang có rất nhiều nhân viên y tế truyền tải thông điệp làm đúng ‘quy trình’ trên như một phao cứu sinh ‘hợp pháp’ cho vai trò của mình.
Ông lo ngại rằng từ sự việc này thì sẽ có nhiều sinh mệnh vô tội hơn phải chết ‘đúng quy trình’ vì bác sĩ không thể cứu được do bị trói tay trong khâu quản lý.
Xã hội sẽ không có dịp lên án bác sĩ, nhưng những sinh mạng vô tội kia sẽ không còn cơ hội được cất tiếng khóc chào đời, được hé mắt để thấy ánh sáng mặt trời hay hưởng hơi ấm từ vòng tay những người thân yêu.
Trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, sự lựa chọn là ở bác sĩ
Dù từ chối cung cấp tên và địa chỉ của bệnh viện tỉnh phía bắc trên nhưng vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang đã kể lại câu chuyện này đến 2 lần tại Hội nghị Tổng kết 9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM sáng 29/7.
Nguyễn Huy Quang giải thích, điều đau lòng này gắn liền với quy trình cấp cứu. Chỉ có 5 phút để bỏ qua quy trình: thông báo với người nhà, chờ sự đồng ý của họ… và lao ngay vào mổ bắt con. Tuy nhiên, ông cho biết trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, sự lựa chọn là ở bác sĩ.
Ông cũng khẳng định trên thực tế, khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện thường bỏ qua quy trình mà sáng tạo ra nhiều cách thức để cứu bệnh nhân như vụ bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị dùng 15 lon bia để giải độc rượu. Việc này là sai quy định khám chữa bệnh vì không được dùng thực phẩm để chữa bệnh.
Vụ việc của Bác sĩ Hoàng Công Lương như giọt nước tràn ly
Hiện nay xã hội luôn được dịp lên án, báo chí chỉ chăm chăm vào những ca chết người, giật tít ‘cái chết bất thường’, bài vở chưa được giới chuyên môn kiểm định đã đăng tải, khiến nhiều y bác sĩ chán nản với nghề.
Vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương chính là một giọt nước tràn ly, khi mà bao nhiêu hội đoàn y khoa có chuyên môn, cơ quan chủ quản Bộ Y Tế tham gia minh oan, người nhà nạn nhân kêu oan giúp BS nhưng Toà án Hoà Bình vẫn tuyên án tù BS Lương.
TS Nguyễn Huy Quang cho biết từ sau câu chuyện của bác sĩ Lương, có lẽ nhiều bác sĩ đã bắt đầu lo sợ và cho rằng họ cần làm đúng quy trình để bảo vệ chính bản thân mình. Bảo vệ công việc của mình. Không chỉ sợ người nhà bệnh nhân gây sự, họ cũng sợ chính đồng nghiệp và cấp trên của mình.
Một bác sĩ tại Hà Nội đã kể lại câu chuyện mà chính bản thân anh cũng cảm thấy thật đau lòng và tàn nhẫn. Theo đó, bệnh viện của anh đã tiếp nhận một ca cấp cứu cho một bệnh nhân mổ dạ dày ở bệnh viện tuyến dưới, phát hiện ra khi khâu lại, các bác sĩ bệnh viện cũ đã phạm vào mạch máu gây chảy máu nhưng không hề biết.
Kết quả xét nghiệm hồng cầu đạt 3 triệu/dl (người bình thường là 4-5 triệu/dl). Chụp mạch phát hiện được điểm chảy máu nhưng không can thiệp được vì mạch quá to và cách xử lý duy nhất lúc này là mổ rạch ra để xử lý kẹp điểm chảy máu.
Tuy nhiên, xét nghiệm máu hồng cầu lại giảm, chỉ còn 0,5 triệu/dl. Nếu chuyển bệnh nhân lên phòng mổ qua vài vòng hàng lang và thang máy thì không kịp và chỉ việc mổ bệnh nhân ở phòng hồi sức cấp cứu và kẹp điểm chảy máu lại thì người bệnh mới có cơ hội sống.
Các bác sĩ nhìn nhau và họ nghĩ cần làm đúng quy trình. Họ họp hội chẩn. Ai cũng biết chỉ cần hội chẩn thêm 5 phút bệnh nhân sẽ tử vong và khi các bác sĩ hội chẩn, bệnh nhân đã tử vong thật.
Cứ nói ‘bác sĩ không cẩn thận sẽ đi tù’ thì chỉ có chết người bệnh’
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng xu hướng trên thế giới là không ban hành hướng dẫn điều trị cho tất cả các bệnh vì như vậy là làm xơ cứng hóa, giảm tính sáng tạo, trong khi mục đích của cấp cứu là làm sao để cứu sống bệnh nhân.
Người dân ở một số nước như Đức, Thụy Sĩ… cũng phản đối dữ dội quy trình hóa việc cấp cứu. Hiện tại, Bộ Y tế đã ban hành gần 4.000 hướng dẫn điều trị cho tất cả các chuyên khoa.
Vụ trưởng cũng cho biết rằng Bộ Y tế sẽ tìm ra cơ chế để bảo vệ bác sĩ vì bác sĩ được đào tạo để cứu người, chứ đâu phải để tỏ ra dửng dưng. Bây giờ cứ nói ‘bác sĩ không cẩn thận sẽ đi tù’ thì chỉ có chết người bệnh.
Tuy nhiên, người dân cũng cần có một cái nhìn khác về ngành y, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận đúng mức vai trò của người thầy thuốc, thì những trường hợp ‘bị chết hợp pháp’ như vậy có thể sẽ được hạn chế dần.
Vũ Tuấn (t/h)