Bắc Kinh cho phép bày hàng vỉa hè, nhưng nhấn mạnh không gọi đó là “nền kinh tế vỉa hè”
Sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất “nền kinh tế vỉa hè” vào đầu tháng 6, Bắc Kinh là thành phố đầu tiên phản đối việc này. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây đã gửi đi công văn cho phép bày hàng vỉa hè, nhưng đặc biệt nhấn mạnh rằng nó khác với “nền kinh tế vỉa hè” trước đây. Theo phân tích, điều này cho thấy nền kinh tế tại Bắc Kinh đang sa sút, nhưng về mặt chính trị thì phải ‘vạch rõ ranh giới’ với Lý Khắc Cường.
Epoch Times đưa tin ngày 17/10, gần đây, 6 cơ quan, ban ngành ở Bắc Kinh đã cùng ban hành “Ý kiến về công tác liên quan đến các hoạt động tạm thời chiếm không gian công cộng để thực hiện các hoạt động kinh doanh đặc trưng trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh”, nêu rõ rằng trong thời gian phòng chống dịch, các công ty tuân thủ có thể tạm thời chiếm không gian công cộng trong khu vực quy định để bày quầy hàng.
Tuy nhiên, các văn kiện của chính phủ cũng đặc biệt nói cụ thể rằng hành động này “không phải là một sự sắp xếp mất trật tự như kiểu ‘nền kinh tế vỉa hè’”.
Nhật báo Bắc Kinh cũng cho biết “đề xuất của Bắc Kinh về việc tạm thời chiếm dụng không gian công cộng để thực hiện các hoạt động kinh doanh đặc trưng rõ ràng là khác với ‘nền kinh tế vỉa hè’ được quan tâm trước đây”.
Theo báo cáo, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã chỉ định hơn 60 gian hàng ở phố Vọng Kinh, phố Tiền Môn, trung tâm thương mại thế giới Bách Vinh và một số khu vực khác, ngoài ra còn có kế hoạch chọn 2 đến 3 phố ở 16 quận làm dự án thí điểm vào năm 2021.
Thuật ngữ “kinh tế vỉa hè” được Lý Khắc Cường đưa ra vào đầu tháng 6 năm nay. Khi Lý Khắc Cường ở Sơn Đông vào thời điểm đó, ông đã nói: “Nền kinh tế vỉa hè, kinh tế quầy hàng nhỏ là nguồn công ăn việc làm rất trọng yếu”.
Nhưng chỉ vài ngày sau, Nhật báo Bắc Kinh nhận xét rằng “kinh tế hàng vỉa hè không phù hợp với Bắc Kinh”; Đài truyền hình CCTV của chính quyền Trung Quốc và các kênh truyền thông khác cũng lần lượt đăng tải các bài báo chống lại “nền kinh tế vỉa hè”. Vào thời điểm đó, có một đoạn video do người dân Bắc Kinh đăng tải cho thấy ban quản lý đô thị Bắc Kinh đã trấn áp, thậm chí hành động bạo lực với những người dựng quầy bán hàng ở vỉa hè.
Hiện tại, Bắc Kinh đã có sáng kiến thúc đẩy các quầy hàng rong, tuy nhiên họ lại không công nhận thuật ngữ “kinh tế vỉa hè”. Tờ Apple Daily của Hồng Kông đã trích dẫn phân tích của nhà bình luận về các vấn đề thời sự Lưu Duệ Thiệu vào ngày 16/10 nói rằng, về mặt chính trị không cho phép Thái Kỳ – Bí thư Thành ủy Bắc Kinh tán dương Lý Khắc Cường, cho nên mới tìm cách bôi nhọ “kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường là một mớ hỗn độn, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp mới và “kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường là không liên quan gì đến nhau.
Chuyên gia kinh tế La Gia Thông cho rằng, việc cho phép dựng quầy hàng rong trên vỉa hè chứng tỏ nền kinh tế đang ế ẩm, sức tiêu dùng của người dân thấp và có nhu cầu mưu sinh nhất định.
Chuyên gia La Gia Thông cũng tin rằng, mặc dù quầy hàng rong không giúp ích gì nhiều cho nền kinh tế Trung Quốc và không được coi là một chính sách kinh tế chính thức, nhưng nếu kinh tế hàng rong không được thực hiện, thì sẽ có rất nhiều người thất nghiệp và thậm chí có thể trở thành nguồn gốc gây nên tình trạng hỗn loạn.
Các ngành công nghiệp nói chung tin rằng tỷ lệ thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc, đặc biệt là tình hình sau khi đại dịch Vũ Hán bùng phát, đã vượt xa số liệu mà chính phủ ĐCSTQ công bố.
Vào ngày 9/10, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhắc lại việc “ổn định công ăn việc làm”, đồng thời chỉ ra rằng “trước mắt, việc đảm bảo công ăn việc làm vẫn đang chịu áp lực rất lớn.” Trước đó, ông Lý đã nhiều lần đề cập đến “đời sống thắt lưng buộc bụng” và tại Lưỡng Hội của ĐCSTQ vào cuối tháng 5, ông cũng đề cập rằng 600 triệu người dân ở Trung Quốc có thu nhập trung bình hàng tháng chỉ khoảng 1.000 nhân dân tệ (tương đương 3,4 triệu đồng).
Lương Phong
Theo epochtimes.com