Âm nhạc là một phương thuốc cứu người, nhưng cũng có thể hại người
Có người từng nói rằng: “Âm nhạc giống như một vị thuốc”, nghe nhạc tựa như đang uống thuốc, có thể cứu sống người, nhưng cũng có thể giết người; có thể mang đến sảng khoái cho người, cũng có thể khiến một người u sầu, thê thảm.
Âm nhạc có nguồn gốc từ rất lâu, tựa hồ như khi con người sinh ra thì âm nhạc cũng liền theo đó mà xuất hiện. Cổ nhân cho rằng, để sáng tác ra một ca khúc hay, một nhạc khúc chân chính thì người sáng tác phải có những điều kiện nhất định về đạo đức. Nếu không sẽ tạo ra những loại tà âm bất chính, gây hại cho người nghe.
Khi miêu tả về âm nhạc truyền thống, người xưa, đặc biệt là người Trung Hoa thường nói tới cụm từ “Đức âm nhã nhạc”, hay “Âm nhạc tao nhã và đức độ”. Đây là thuật ngữ được dùng để miêu tả âm nhạc bắt nguồn từ văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Nó nhấn mạnh về đạo đức, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, cũng như mang tới năng lượng tích cực giúp cải thiện sức khỏe.
Cổ nhân cho rằng, âm nhạc chân chính là ca ngợi Thần tiên, Trời đất và vạn vật. Nội hàm của âm nhạc là phải phản ánh được việc con người vì thuận theo tự nhiên, kính sợ Trời đất Thần linh mà được bình an. Qua đó âm nhạc cũng thể hiện được lòng biết ơn, hân hoan, vui sướng được sống tường hòa trong trời đất.
Các bậc Thánh vương thời cổ đại vô cùng coi trọng âm nhạc, đó đều là bởi vì âm nhạc có thể khơi gợi tâm kính ngưỡng Thần linh của con người, gửi gắm tình cảm của con người đối với đấng siêu nhiên.
Trong âm nhạc là có mức độ, có loại phóng túng buông thả, có loại ngay chính đứng đắn, có loại mà lời của nó đều mang hơi hướng dâm tà, kích thích dục vọng con người. Những người có tài đức, sáng suốt nhờ vào âm nhạc ngay chính mà hưng thịnh quốc gia. Trái lại, những người xấu, không có tài đức lại vì âm nhạc mà bị diệt vong. Trong lịch sử, điều này đều ứng nghiệm qua các triều đại của Trung Hoa cổ.
Âm nhạc hay có thể khiến một người ba tháng không còn mơ tưởng đến vị thịt, thế nhưng âm nhạc bại hoại có thể khiến người ta dấy khởi dục vọng. Chẳng hạn như âm nhạc của nước Trịnh, nước Vệ, đều là loại âm nhạc có hại cho thể xác và tinh thần, thậm chí có thể gây suy bại quốc gia.
Trong “Luận Ngữ” có ghi chép rằng, một lần, khi học trò Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về vấn đề trị quốc, Khổng Tử đáp: “Yếu xả khí trịnh quốc đích âm nhạc”, tức là phải bỏ đi âm nhạc của nước Trịnh. Âm nhạc của nước Trịnh thời ấy là thuộc loại tà âm phóng túng tình dục. Theo Khổng Tử, loại âm nhạc khiến nam giới bị trầm mê vào sự hấp dẫn của sắc đẹp thì sẽ làm hại đến tâm tính và tình cảm của họ, hủy hoại ý chí và đạo đức của họ.
Vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Ân (Thương) sáng tác ra các ca khúc phóng túng buông thả. Họ đem những gì xa hoa cho là tốt đẹp, là tráng lệ, truy cầu sự hưởng lạc quá độ, không tuân thủ pháp tắc. Không những thế, các vị Vua ấy còn cho người sáng tác ra các ca khúc để ca ngợi những điều đó. Cuối cùng khiến nhà Hạ, nhà Ân đều sụp đổ.
Âm nhạc xưa thường chú trọng đến tình cảm thanh tao, thiên nhân hợp nhất, ca tụng tự nhiên. Hình thức âm nhạc tĩnh mà giản, viên dung hòa hợp, thanh tịnh đạm bạc, khiến người nghe xong được tịnh hóa thân tâm, thiên địa hợp nhất, có cảm giác siêu phàm thoát tục.
Âm nhạc cổ đại phương Tây mặc dù không đề cập đến “đức âm”, nhưng đại bộ phận các nhạc sĩ nổi tiếng đều viết nhạc liên quan đến tôn giáo, bởi vì lúc đó con người có thể cảm nhận được sự vĩ đại của Thần, trong âm nhạc xưa có thể biểu hiện ra sự thần thánh trang nghiêm, hình thức trang nhã cao thượng, khiến người nghe có có cảm giác thần thành, thanh lọc thân tâm, thoát ly thế tục mà nhập thiên quốc.
Về sau, âm nhạc theo dòng chảy không ngừng của lịch sử mà trở nên biến dị. Âm nhạc của người hiện đại ngày nay, chẳng hạn nhạc Techno, nhạc Pop, Rock and roll và rất nhiều thể loại khác nữa, nó chẳng những không thể khiến người nghe thanh lọc nhân tâm, trái lại còn có rất nhiều tà âm và tạp âm, kích thích mạnh các giác quan và cảm xúc của con người, vì thế mà phá vỡ sự cân bằng lục phủ ngũ tạng của thân thể. Nghe nhiều âm nhạc loại này sẽ ảnh hưởng đến thính giác và có tác dụng xấu đối với sức khỏe.
Nguyên nhân chủ yếu khiến âm nhạc xuống cấp là do tư tưởng con người đang trở nên biến dị, khiến người ta không còn quy phạm đạo đức, theo đuổi biến dị cá nhân, biểu đạt tình cảm không giới hạn, tận lực phát huy mặt nhân tính mà không biết tìm kiếm phía mặt thần thuần tịnh, khiến cho ma tính càng ngày càng mạnh, cuối cùng dần dần mất đi mặt thiện, mặt mỹ hảo của con người. Nghe loại âm nhạc của những người như vậy, lẽ nào không nguy hiểm chứ?
Tuệ Tâm biên dịch