Đời trước buôn nha phiến, đời này đần độn ngu si
Người xưa dạy: “Thiện ác trước sau gì đều có báo ứng, chỉ là sớm muộn mà thôi. Nếu đời này không trả quả, đời sau hoàn trả hết một lượt“. Cái nghề buôn nha phiến hay ma túy, thật ra làm khổ không biết bao người, bao gia đình, ngẫm nghĩ mà xem báo ứng có thể nào không xảy ra.
Thôn làng nọ có một gia đình vô cùng nghèo khổ, khuôn mặt người mẹ trung niên lúc nào cũng hiển hiện cái vẻ u sầu buồn bã, nhất là mỗi khi nhìn thấy đứa con trai đần độn hơn 10 tuổi của mình, trái tim bà vốn đã đau khổ tột cùng nay lại càng thêm đau đớn như bị hàng ngàn hàng vạn mũi kim đâm.
Lại nói về đứa trẻ, nếu không phải bị gạch đá làm cho vỡ đầu sứt trán, thì cũng là quậy phá tới nỗi khắp người lấm lem bùn đất, khiến cho những ai nhìn thấy đều muốn cười không được mà muốn khóc cũng không xong. Đại tiện nó dám cầm lên bỏ vào miệng ăn, nước tiểu nó cũng dám cho vào miệng uống. Có thể nói là ngốc đến không còn thuốc chữa nữa.
Người mẹ lương thiện này, lấy tình cảm bao dung nhưng cũng không ngừng tự trách oán mà hỏi bản thân rằng: Rốt cuộc kiếp trước đã tạo nghiệp gì mà lại có mối quan hệ gì với đứa trẻ xấu số này đây? Nếu không, sao phải vì mối ràng buộc này mà chịu sự dày vò chứ?
Mẫu tử tình thâm, bất kể là đứa con ngốc đến thế nào, tình thương và sự quan tâm mà bà dành cho nó là điều không thể nào phủ nhận được, nhưng cũng chính điều đó mà bà đau khổ và phiền não khôn nguôi. Vậy nên bà thường hay than trách số mệnh sao lại đối xử bất công với bà như vậy.
Một hôm, có một vị cao tăng tình cờ đi ngang qua nơi này, người mẹ liền đem hết mọi đau khổ trong lòng kể cho ông nghe. Vị cao tăng nghe xong liền nói với bà rằng:
“Nữ thí chủ, xin chớ có oán trời trách người làm chi. Người xưa dạy, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Con trai của bà, đời trước vốn là người cực kì thông minh, nhưng đáng tiếc thay sự thông minh của nó đã dùng không đúng chỗ. Nó không nên buôn bán thuốc phiện, kinh doanh các chất gây nghiện, nha phiến để kiếm lời, hại cho biết bao nhiêu người chìm sâu trong cơn nghiện, khiến cho biết bao gia đình phải tan nhà nát cửa, vợ con ly tán. Làm hại người ta cũng chính là làm hại chính mình, sau cùng thì nó cũng sa vào cơn nghiện và chết rất bi thảm“.
Người mẹ lại không cam tâm, hỏi rằng:
“Nếu nói như vậy, thì kiếp trước nó cũng đã bị báo ứng rồi. Sao bây giờ…”
Vị cao tăng đó thở dài một hồi, rồi nói:
“Ôi ! Vì nó cả đời làm đủ chuyện xấu xa, tạo ác nghiệp quá nặng, vậy nên không biết bao nhiêu lần đã phải chuyển sinh làm súc vật để bồi hoàn ác nghiệp mà nó đã tạo, ngoài ra thuốc phiện mà nó buôn bán đã khiến cho đầu óc của không biết bao nhiêu người bị mụ mẫm, tê liệt, vậy nên đời này mới bị quả báo đần độn ngu si”.
Người mẹ nghe xong, lòng đau như cắt:
“Đứa con đáng thương của mẹ, không biết còn phải bị báo ứng đến khi nào thì mới chấm dứt đây! Cao tăng, xin ông hãy nói cho tôi biết, người mẹ như tôi đây, kiếp trước đã tạo nghiệp chướng gì? Mới phải liên đới chịu dày vò, hành hạ như thế”.
Vị cao tăng thở dài một tiếng rồi nói:
“Còn về người làm mẹ bà đây, vào kiếp đó chính là kẻ đồng lõa với nó, tuy bà không phải là người chủ mưu, cũng không phải là kẻ bày mưu tính kế này nọ, nhưng bà lại giúp nó làm những việc hại người. Nhân quả được phân thành nghiệp cá nhân và nghiệp đồng lõa. Nghiệp cá nhân là cá nhân đó tự mình tạo nghiệp thì tự mình gánh lấy, tự làm tự chịu. Nghiệp đồng lõa chính là cả nhóm cùng nhau tạo nghiệp thì cùng nhau nhận lấy báo ứng. Vì nhân duyên kiếp này đã chín mười, nên người làm mẹ là bà đây phải cùng nhau mà hoàn trả cái nghiệp đồng lõa này!”
Người mẹ nghe xong, tự lẩm bẩm trong miệng rằng:
“Xem ra không phải số phận bất công, đừng đỗ lỗi cho ai cả, tất cả là lỗi của mình…..lỗi của mình….”
Từ đây suy ra, báo ứng thiện ác quả thật như bóng theo hình, không hề sai chạy dù chỉ là đường tơ kẽ tóc!
Ngày xưa buôn nha phiến, độc hại đầu óc của không biết bao nhiêu người, đời nay đổi lại, chính mình phải tự nhận lấy quả báo ngu si!
Còn về người mẹ và đứa con đần độn này, vì để hoàn trả ác nghiệp đồng lõa khi xưa, theo vòng xoáy của nhân quả luân hồi, đôi bên tuy đã thay đổi vai vế và thân phận, nhưng khéo léo thay, họ lại “gắn liền” với nhau như vậy, để mà nhận lấy trách nhiệm và nghiệp báo mà đôi bên cần phải gánh vác, không cách nào trốn thoát được.
Sự tinh tế và chuẩn xác của luật nhân quả, khiến người ta khi nghe biết câu chuyện này, ngoài một cảm giác nặng nề xót xa có phần không nỡ ra, điều đặc biệt hơn nữa chính là cho chúng ta một lời nhắc nhở: Nhân quả không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi!
Tiểu Thiện, dịch từ Đại Kỷ Nguyên