Cận cảnh ‘công trường’ Gạc Ma phi pháp do Trung Quốc xây dựng
(TNO) Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm trong cụm Sinh Tồn thuộc Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Bãi đá này nằm cách đá Cô Lin khoảng 3,5 hải lý km về phía đông nam và bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ ngày 14.3.1988, sau khi bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải quân sự và giết hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc xây dựng căn cứ gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ.
Đến đầu năm 1989, họ đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc. Từ năm 2014, phía Trung Quốc tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu từ bờ, tiến hành đào đắp để xây nhà công trình, đường sá, bến tàu và các hạng mục kiên cố khác tại Gạc Ma.
Thời kỳ cao điểm, bên cạnh hàng chục tàu vận tải chuyên chở máy móc thiết bị – vật liệu xây dựng, phía Trung Quốc còn huy động các tàu cá bọc sắt làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Gạc Ma và nhất là 2 tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 528, 535 để ứng trực, xua đuổi các tàu thuyền khác đi gần bãi đá.
Giữa tháng 5.2015, trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, Phóng viên Thanh Niên Online đã ghi nhận các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Gạc Ma.
Hiện tại, phía Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất các hạng mục xây dựng cơ bản, đơn cử: tòa nhà trung tâm (Sở Chỉ huy) cao 7 tầng có đường dẫn cho xe cơ giới lên thẳng tầng 2, phía trên tầng 7 có thêm đài quan sát cao 3 tầng; 2 đơn nguyên hình tháp cao 6 – 7 tầng, giống đài kiểm soát không lưu và hải đăng; gần 10 đơn nguyên còn lại đều 1-2 tầng, xây kiên cố theo kiểu doanh trại quân đội; tòa nhà bê tông 4 tầng mà Trung Quốc xây dựng từ trước đó, vẫn được giữ lại với các khẩu pháo phòng không mở bạt, sẵn sàng khai hỏa…
Tất cả công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Gạc Ma đều được sơn màu trắng, nổi bật trên nền biển xanh và rất dễ nhận dạng khi cách xa hơn 10 hải lý.
Một số ngư dân Việt Nam chuyên đánh bắt thủy sản ở Trường Sa cho biết: Thời điểm này, chỉ còn 3-4 tàu vận tải ở lại bãi Gạc Ma cùng với một số tàu cá bọc sắt làm nhiệm vụ bảo vệ, số tàu vận tải và hộ vệ tên lửa thường trực, đã di chuyển sang bãi SuBi để tăng cường xây dựng…
Một số hình ảnh về các công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam, do Phóng viên Thanh Niên Online vừa thực hiện.
Mai Thanh Hải |
Theo Thanh Niên