Trung Quốc ngoan cố biện minh, yêu cầu Mỹ tránh xa Biển Đông
Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ tránh xa Biển Đông trước những thông tin Washington đang cân nhắc điều động tàu chiến và máy bay quân sự tới gần những hòn đảo mà Bắc Kinh xâm chiếm trái phép.
Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc Zhu Haiquan đã đưa ra những lý lẽ vô lý cho rằng Bắc Kinh có quyền hành ở Biển Đông để biện minh cho hành động xâm phạm chủ quyền phi pháp của mình. Thậm chí, ông Zhu còn nhấn mạnh “các bên liên quan (hàm ý Mỹ và một số quốc gia khác) nên tôn trọng cam kết không can thiệp vào những tranh chấp trên Biển Đông và tránh làm tình hình căng thẳng leo thang”.
Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã chủ động bồi đắp và xây dựng trái phép trên các hòn đảo ở Biển Đông, vùng biển mà các nước Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền. Theo ông Hua, Trung Quốc ủng hộ quy tắc tự do hàng hải quốc tế trên khu vực Biển Đông nhưng không có nghĩa là các lực lượng nước ngoài có thể tự do hoạt động tại vùng biển này. Phát ngôn viên Hua nhấn mạnh Trung Quốc đặc biệt quan ngại trước những thông tin liên quan tới việc Mỹ sẽ cho triển khai tàu chiến và máy bay quân sự tới “thách thức” các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tờ Wall Street Journal dẫn lời giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Ash Carter mới đây đã “đề nghị đưa ra những ý tưởng” nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng xâm chiếm các hòn đảo trên Biển Đông. “Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông, một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới”, một vị quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ với Reuters. Tuy nhiên, theo tờ Courier Mail, đề xuất của Bộ trưởng Carter về việc điều động lực lượng tàu quân sự và máy bay chiến đấu trong phạm vi khoảng 22 km (12 hải lý) xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang ngang nhiên cải tạo trái phép, có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang nếu như Bắc Kinh chọn cách đáp trả.
Nguy cơ đối đầu gần kề Sau một số vụ va chạm trong những năm gần đây, tình hình căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông đang có dầu hiệu lắng dịu trong vài tháng qua. Theo WSJ, việc Mỹ chưa điều động tàu thuyền và máy bay quân sự tới gần những khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là nhằm tránh làm căng thẳng leo thang. Thay vào đó, Washington đã cho tổ chức một số cuộc tập trận quân sự với các quốc gia trong khu vực với sự tham gia của lực lượng tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ.
Điển hình, hôm 12/5, thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết tàu chiến ven bờ USS Fort Worth của Mỹ đã tới vịnh Subic, Philippines để tiếp dầu, sau một tuần tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Theo thông cáo, tàu USS Fort Worth đã nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển (LCS) hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa. “Chúng tôi chưa đi vào phạm vi 12 hải lý”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói. Trước đó, vào tháng 12/2013, tàu tuần dương USS Cowpens của Mỹ đã bị một tàu chiến của Trung Quốc đi theo hộ tống một tàu sân bay trực thăng chạy thử nghiệm, đã chặn đầu khi đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.
Trước những hành động trên, viễn cảnh về một cuộc đối đầu quân sự giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng hiện hữu nhất là khi Mỹ có khả năng mất đi vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế. “Trong năm 2014, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện khả năng sẵn sàng đối phó trước nguy cơ căng thẳng khu vực nâng cấp độ bởi Bắc Kinh hiện đang nắm nhiều lợi thế như trong cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có khả năng vượt qua cả những thành tựu công nghệ quân sự của Mỹ”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh. Mối đe dọa ngày càng lớn Bộ Quốc phòng Mỹ đã miêu tả chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và mở rộng diện tích lãnh thổ xâm chiếm trên Biển Đông là một “mối đe dọa tiềm tàng”. “Quân đội Trung Quốc đang cho phát triển và thử nghiệm các tên lửa đạn đạo truyền thống tầm trung và tầm gần mới cũng như các thế hệ tên lửa hành trình chống tàu và tấn công mặt đất tầm xa nhằm mở rộng phạm vi hoạt động tấn công tới các lực lượng thù địch bao gồm Mỹ, quốc gia nằm cách xa khu vực giao tranh trên Biển Đông”, bản báo cáo về năng lực quân sự của Trung Quốc do Lầu Năm Góc soạn, nêu rõ.
“Trung Quốc cũng đang tập trung phát triển khả năng tấn công vũ trụ, tin tặc để giành ưu thế trong cuộc chiến thông tin hiện đại. Trong năm 2014, Trung Quốc còn đẩy nhanh tiến độ bồi đắp và xây dựng trái phép tại các tiền đồn thuộc quần đảo Trường Sa. Âm mưu của Trung Quốc là đặt các căn cứ quân sự hoạt động kiểu dân sự để tăng cường sự hiện diện ở những khu vực xâm chiếm trái phép”, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. Và quan trọng hơn, việc mở rộng xâm chiếm Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng chiến đấu trước các cuộc xung đột tấn công nhanh trong thời gian ngắn tại khu vực. Bản báo cáo của Lầu Năm Góc được đưa ra sau tuyên bố hồi tháng Ba của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. “Trung Quốc đang tiến hành xây dựng vạn lý trường thành bằng cát trên Biển Đông. Không lấy gì làm ngạc nhiên trước ý đồ mở rộng quy mô và tốc độ xây dựng các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc”, ông Harris nói. Cũng theo ông Harris, 60% hoạt động xuất khẩu của Australia đi qua Biển Đông và cảnh báo hành động xâm chiếm của Trung Quốc có thể dẫn đến những “tính toán sai lầm”. Đô đốc Harris nhấn mạnh Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm không can thiệp vào các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng quan tâm tới việc duy trì nền hòa bình và ổn định ở tuyến đường biển bận rộn bậc nhất trên thế giới này. “Vạn lý trường thành bằng cát” Giới chuyên gia hàng hải và quốc phòng quốc tế đang theo dõi sát sao mọi hành động thông qua các bức ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc mở rộng xâm chiếm trên Biển Đông. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều bức ảnh cho thấy kể từ hồi tháng 3/2014, Bắc Kinh đã tăng tốc cải tạo đất ở 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa và đang xây dựng một đường băng tại một trong các đảo nhân tạo. Nói cách khác, Bắc Kinh đang sử dụng triết lý “vùng lãnh thổ của Trung Quốc từ xa xưa” để ngang nhiên mở rộng xâm chiếm các đảo trên Biển Đông.
Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động xây dựng trái phép vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình phát biểu hồi đầu tháng này. Lần đầu tiên, Trung Quốc sử dụng vũ lực trên Biển Đông là vào tháng 1/1974 khi quân đội nước này tổ chức tấn công đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tới tháng 3/1988, hải quân Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép 7 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vào năm 1995, Trung Quốc còn chiếm tiếp bãi Đá Vành Khăn, nằm trong cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Kể từ đó, Bắc Kinh bắt đầu quá trình xây dựng và sửa chữa các công trình nằm trên những hòn đảo đã xâm chiếm trái phép. Tới tháng 4/2012, Trung Quốc đã chủ động tấn công lực lượng bảo vệ biển Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough. Mưu đồ của Trung Quốc là sau khi tấn công bãi cạn Scarborough, quân đội nước này sẽ tiến tới bãi Cỏ Mây. Tới tháng 3/2014, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc còn ngăn không cho các tàu tiếp viện của Philippines tiếp cận và cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các lính thủy đánh bộ của Philippines đóng quân trên xác tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại bãi Cỏ Mây. Tới tháng 5/2014, Trung Quốc còn ngang nhiên lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc còn điều động một lực lượng tàu thuyền hùng hậu bảo vệ giàn khoa Hải Dương-981 và không ngại va chạm, tấn công nhằm ngăn các tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ. Hành động phi lý của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng thế giới. Sau 2 tháng, Trung Quốc đã cho kéo Hải Dương-981 về đảo Hải Nam. Cho tới nay, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo có diện tích lên tới 800 héc ta và biến chúng thành các tiền đồn quân sự xuất hiện của sân bay và cầu cảng. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đưa ra những lập luận vô lý biện minh cho hành động của mình. Theo Trung Quốc, chương trình xây dựng trên Biển Đông của nước này không mang tính khiêu khích và diễn ra trên lãnh thổ quốc gia. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc cho rằng các tòa nhà và công trình này sẽ phục vụ mục đích dân sự như hỗ trợ ngư dân và bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh. Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Courier Mail, nhật báo khổ nhỏ được xuất bản tại Brisbane, Australia từ thứ Hai tới thứ Bảy và thuộc sở hữu của tập đoàn News Corp Australia. MINH THU (lược dịch) |
Theo Infonet