Dị nhân chữa rắn cắn không lấy tiền ở Bắc Giang
Bị tật từ nhỏ sau một trận ốm thập tử nhất sinh nhưng ông Nguyễn Thế Quốc ở Việt Yên (Bắc Giang) lại có được biệt tài chữa rắn cắn từ các loại thuốc từ cỏ dại và không hề lấy tiền công.
Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thế Quốc ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) ngay ven dòng sông Cầu khi chiều đã ngả bóng, cũng là lúc ông đang chuẩn bị đồ nghề cho một buổi đi săn tối. Theo chân ông leo lên quả núi, chúng tôi được tận mắt chứng kiến “khắc tinh” của rắn hổ chúa (hổ mang) trổ tài mới thực sự cảm phục và hiểu hết sự điêu luyện của ông.
Ông Nguyễn Thế Quốc khống chế con rắn hổ mang. |
Giỏi bắt rắn cũng… run
Mặc dù trời đã chạng vạng, đường lên núi đá vôi dốc cao dựng đứng nhưng khi nghe thấy tiếng động, chỉ thoáng cái, ông Quốc đã bỏ xa chúng tôi khoảng 20m. Lúc đuổi kịp ông, chúng tôi đã thấy ông lôi từ trong hang ra một con rắn hổ mang gần 2kg. Nhìn dáng người nhỏ thó, nhưng khi vật lộn với con rắn, thân thủ của ông nhanh như chớp.
Tạm nghỉ tay, ông Quốc cho chúng tôi hay, tùy từng loại rắn khác nhau, muốn bắt lại có những tuyệt chiêu khác nhau. Hiện tại, con cạp nia (khúc đen, khúc trắng) vẫn được xếp vào loại “khó nhằn” và nguy hiểm nhất. Ngoài tốc độ lia nhanh, cạp nia khi cắn “êm ru” nhưng rất nguy hiểm, đến lúc chất độc chạy vào tim, cận kề cái chết mới biết mình bị cắn. Trong khi hổ chúa cắn rất buốt, nọc độc chạy đến đâu là tê tay đến đấy như tiêm thuốc tê.
Tuy nhiên với giới “săn rắn” thì ngoài loài rắn ráo ra, bất cứ con rắn độc nào cũng nguy hiểm và phải luôn cảnh giác cao độ. Chính vì cái nghề nguy hiểm, tính mạng luôn bị đe doạ nên ông Quốc tiết lộ: “Mỗi lần trước khi đi săn, ngoài chuẩn bị kỹ lưỡng tư trang ra còn phải uống rượu và mật rắn cho… đỡ run”.
Chuyến săn nhớ đời
Nổi tiếng là giỏi và cẩn thận, nhưng trong suốt hơn 30 năm vào nghề “săn rắn” ông Quốc cũng có nhiều lần nghĩ lại vẫn thấy sởn da gà.
Ông kể, kỷ niệm không thể quên được khi bắt con rắn hổ mang 4,7kg vào năm 2003 ở thành Kinh Bắc (Bắc Ninh) – di tích lịch sử thời nghĩa quân của cụ Đề Thám. Ở chân tường có đất mối nên nhiều chuột cống rất to đào hang. Rắn hổ mang vào bắt chuột rồi “định cư” luôn ở đó, do sống lâu năm nên có những con rắn rất to.
“Mặc dù biết là nó sống ở đó vì có dấu vết và có xác nhưng phải rình suốt 2 năm trời tôi mới tìm được nó nằm ở chỗ nào. Cái khó là hang thuộc khu di tích nên không được đào bới, tôi lại phải rình mất 1 tháng nữa để “nhử” nó ra ngoài ăn để bắt. Khi nhử được nó ra một khu vực rộng, tôi bắt nó nhưng cũng không dám túm, chỉ dùng gậy gạt vào bao. Con rắn đó có khách hỏi mua ngay với giá hơn 600.000 đồng. Nếu con rắn đó mà bây giờ có, bán chắc không dưới 10 triệu đồng”- ông Quốc kể.
Đến khi người ta nhờ ông cắt tiết, dù đã thắt dây giày treo rắn lên, dùng hai tay bóp cổ mà thân nó vẫn vặn rồi phun nọc độc ra xung quanh. Sợ quá, ông mới thả tay ra rồi sờ vào túi kiểm tra thuốc trị độc… thấy nhũn cả người vì có thể đã đánh rơi khi bơi qua sông. “Thú thật, lúc đó cầm con dao cạo râu cắt tiết mà… run bắn cả người lên!” – ông Quốc nhớ lại.
Cụ thân sinh ra ông Quốc là Nguyễn Thế Chuyền, trong thời gian hoạt động cách mạng thường xuyên phải ngụp dưới ao, sau đó mới bò vào trong hầm trú ẩn. Khi nước lụt dâng cao, rắn cứ chui vào hầm từ lỗ thông hơi. Để không bị lộ, nhiều chiến sĩ cách mạng vẫn phải chấp nhận “ở chung với rắn” và vì thế việc bị rắn cắn xảy ra thường xuyên. Để cứu được người, ông Chuyền phải sơ cứu, thắt dây, lấy máu ở vết thương ra, cho người bị rắn cắn vừa uống thuốc chế từ lá cây vừa đắp lá.
Với phương pháp dân gian học được, ông Chuyền đã cứu được nhiều chiến sĩ cách mạng và cả người dân thoát khỏi cái “án tử hình”. Những kinh nghiệm bắt rắn và chữa rắn ấy, ông Quốc may mắn được bố truyền lại và ông “nhập môn” từ năm 16 tuổi, đến nay không biết bao nhiêu người đã được ông cứu sống.
Cứu người làm phúc
Mỗi khi ở đâu có người bị rắn cắn, ông Quốc chẳng quản đường sá xa xôi, vẫn có mặt kịp thời và đúng lúc để kéo lại mạng sống cho người bệnh. Đến nay, đã có hàng trăm người bị “Diêm Vương gõ cửa” được ông cứu sống mà không lấy một đồng tiền công. Tuy nhiên, mỗi khi có nhà báo liên hệ để gặp ông tuyên truyền gương người tốt việc tốt, ông đều từ chối. Tôi thì may mắn hơn, nhờ sự trợ giúp của người quen nên được theo chân ông đi săn bắt rắn và kể cho nghe chuyện chữa rắn cắn.
Mới đây, có 5 đứa trẻ đi tắm ao, thấy con rắn thò đầu ra ở hang ngay bờ ao đã đem cuốc tới đào hang để bắt. Sau đó, một đứa thọc tay vào thử xem hang đã kịch chưa thì bị rắn cắn. Do nhiều lần ông Quốc nói với lũ trẻ trong làng là khi bị rắn cắn thì phải lấy dây buộc vào tay ngay nên sau khi làm vậy, mấy đứa mới đưa nhau vào nhà ông Quốc.
Chỉ cần nhìn thoáng vết cắn với 2 cái vết răng chéo góc và một lỗ to hơn, ông Quốc đã biết ngay đó là rắn độc. Khi phán đoán được tình huống là ông xử lý ngay máu độc ra ngoài, kết hợp với uống thuốc và đắp lá, sau 3 giờ, ông phán: “Thằng này đã thoát khỏi cái án tử hình”. Lúc quay lại hiện trường kiểm tra, ông Quốc mới biết đó chính là rắn hổ mang ấp cắn (rắn ấp trứng là rắn độc nhất).
Nếu cứu được ngay tại chỗ bằng phương pháp dân gian, khi người bệnh đã an toàn tính mạng, ông Quốc vẫn cẩn thận “đuổi” họ tới bệnh viện. Nhưng hầu như tất cả các trường hợp bị rắn cắn, qua tay ông thì tới viện chỉ có nằm theo dõi huyết áp, uống mấy viên thuốc bổ là đi về, vì bác sĩ kết luận: Đã qua cơn nguy kịch, máu độc được đẩy ra khỏi cơ thể…
Trường hợp của chị Nga ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang trong khi đi cắt cỏ bị rắn độc cắn vào tay, về nhà chủ quan tưởng rắn nước chỉ dùng dầu nóng xoa bóp. Khi tay sưng lên, thấy đau buốt mới tìm đến ông Quốc cũng là trường hợp đã gần đất xa trời. Nhưng ông Quốc vẫn giúp được chị Nga thoát nạn.
Nhiều người đi cấp cứu bị rắn cắn ở khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, nếu không kịp thời sơ cứu có thể tốn đến hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn có nguy cơ cao bị liệt chân, tay hoặc nửa người,… thậm chí không qua khỏi. Những bệnh nhân gặp được ông Quốc không chỉ giảm được chi phí điều trị mà đều thoát chết. |
Ông Quốc đã mang cây thuốc về nhà trồng xung quanh vườn đề phòng khi không thể đi lấy kịp thuốc, vừa dùng cứu người vừa bảo vệ bản thân. Cũng nhờ vậy mà ông đã nhiều lần chữa trị kịp thời cho bản thân và nhiều người thoát nạn.
Đến nay, không tính được ở khắp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… có bao nhiêu người bị rắn cắn đã được ông cứu chữa. Ngay trong tháng 8 vừa qua, 4 người dân địa phương bị rắn cắn đã được ông cứu thoát nạn.
“Khi bị rắn độc cắn, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh. Thông thường nhiều người sau khi bị cắn hay hoảng sợ, càng run sợ, độc càng nhanh chạy vào tim, bởi lúc đó nhịp tim đập mạnh hơn. Vì thế, cần phải bình tĩnh, ngồi im tại chỗ, dùng dây thắt chặt bên trên vết rắn cắn rồi hút máu độc ra ngoài và tìm đến bệnh viện, hoặc tìm tới những người chữa trị dân gian giỏi càng sớm càng tốt” – ông Quốc chia sẻ kinh nghiệm.
Trước lúc chia tay chúng tôi, ông tâm sự: “Thú thật, do tôi bị tàn tật chẳng biết làm gì kiếm tiền nuôi vợ con nên đành phải hành cái nghề đầy nguy hiểm này thôi”.
Theo Dân Việt