Đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn trong sữa
Người Mỹ không cần uống sữa vì việc này làm tăng nguy cơ mắc bệnh và chưa cho thấy hiệu quả ngăn ngừa loãng xương, theo nghiên cứu của bác sĩ nhi khoa thuộc đại học Harvard là David Ludwig và Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Harvard là Walter Willett đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, tháng 7/2013.
Nguy cơ tiềm ẩn trong sữa chính là đường galactose. Sữa tươi, sữa tách kem và các sản phẩm sữa không lên men đều chứa chất này. Quá trình lên men phân giải galactose, vì vậy thực phẩm từ sữa lên men như sữa chua và pho mát an toàn hơn.
Cơ chế hấp thụ đường của cơ thể
Tất cả carbohydrate đều được tạo thành từ phân tử đường đơn. Hàng ngàn phân tử đường liên kết với nhau tạo ra tinh bột, hàng triệu phân tử loại này kết hợp thành chất xơ. Có 4 loại đường được hấp thu ở ruột là glucose, fructose, galactose và mannose. Trong đó, chỉ glucose – đường đơn – được phép đi vào máu. Ba loại còn lại phải được chuyển đổi thành glucose tại gan trước khi lưu thông trong cơ thể.
Tất cả các loại đường đều có thể gây tổn thương tế bào, trong đó galactose nguy hiểm hơn cả. Một nghiên cứu đăng trên Journal of Neuroscience Research năm 2006 cho thấy các tế bào của chuột và ruồi bị lão hóa khi tiếp xúc với galactose. Dấu hiệu của sự lão hóa là cấu trúc nhiễm sắc thể bị rút ngắn và tổn thương DNA. Tuy nhiên, chưa có giải thích hợp lý nào về cơ chế này.
Tất cả đồ uống chứa đường đều nguy hiểm
Việc ăn hay uống đường làm gia tăng lượng đường trong máu, từ đó tác động xấu đến tế bào. Thông thường, các loại đồ uống dễ gây tăng đường huyết hơn thức ăn.
Khi thức ăn đến dạ dày, cơ vòng sẽ đóng lại và chỉ có thức ăn dạng dung dịch mới được cho phép đi đến thành ruột rồi đi vào máu. Nghĩa là phần lớn lượng đường trong đồ uống trực tiếp đi ngay vào máu, trong khi thức ăn dạng rắn bị giữ lại ở dạ dày một thời gian. Vì vậy, đồ uống có đường làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường, đau viêm, đau tim, ung thư và chết yểu.
Một ly sữa 240ml với 2% sữa ít béo chứa 122 calo, nhiều hơn một ly soda, trong khi đường trong sữa có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Thể tích sữa này chứa hơn ba muỗng cà phê đường, nhiều hơn khuyến nghị hàng ngày cho trẻ em hiện nay. Sô cô la sữa và đồ uống từ sữa khác thường được cho thêm đường để tăng hương vị.
Chúng ta không nhất thiết phải bổ sung canxi bằng sữa
Bài viết tuần trước đăng trên Medical Journal Anh (28/10/2014; 349: g6015) cho thấy những người uống sữa không hẳn sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ loãng xương. Có rất nhiều loại thực phẩm cung cấp canxi như hạt, đậu, quả hạch, rau lá xanh, cá mòi và một số loài cá khác. Cải xoăn nấu chín chứa nhiều canxi hơn sữa và một khẩu phần bông cải xanh có thể đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày của chúng ta.
Lời khuyên
Trừ trường hợp cần bổ sung đường cho cơ thể khi làm việc nặng nhọc, còn lại chúng ta chỉ nên giải khát bằng nước ‘sạch’ – không đường, không chất làm ngọt nhân tạo và không chứa cồn.
An Nhiên – Theo Epoch Times