Bộ Công an cho phép CSGT được mặc thường phục bắn tốc độ
Khi bắn tốc độ, cảnh sát giao thông (CSGT) được bố trí một bộ phận mặc thường phục để vận hành, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm phát hiện hành vi vi phạm.
Theo báo PLO, Bộ Công an mới đây đã ban hành văn bản hợp nhất quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Theo đó, trong tuần tra, kiểm soát, CSGT được quyền dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, kiểm soát người và xe, giấy tờ của người điều khiển xe, giấy tờ xe và giấy tờ tùy thân của người trên xe đang kiểm soát theo quy định…
Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, CSGT được bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng thiết bị kỹ thuật giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông.
Khi phát hiện vi phạm, CSGT mặc thường phục phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định.
CSGT được sử dụng công khai hoặc hóa trang các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên các tuyến giao thông đường bộ để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
CSGT mặc thường phục có được dừng xe để xử phạt vi phạm?
Liên quan đến việc CSGT mặc thường phục có được trực tiếp xử phạt người vi phạm hay không?, báo Bảo vệ pháp luật dẫn lời luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội giải đáp như sau:
CSGT khi mặc thường phục không được dừng xe xử phạt mà chỉ được quyền giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông nhằm phát hiện các hành vi vi phạm và thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai mặc cảnh phục để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu trong tình huống người tham gia giao thông có căn cứ cho rằng CSGT dừng xe, xử lý vi phạm trái pháp luật, không đúng với các quy định của pháp luật thì người tham gia giao thông có quyền khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Xuân Hạ (t/h)