Hiệu trưởng tham ô tiền học bổng của học sinh suốt 10 năm
Ông Huỳnh Văn Phụ, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS – THPT liên huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng, trong suốt 10 năm đã cùng với nhân viên văn thư – thủ quỹ thông đồng tham ô hàng chục tỷ đồng.
Theo báo Tiền Phong, trong 2 ngày (17/3 và 18/3), TAND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã mở phiên tòa sơ thẩm đưa ra xét xử đối với bị cáo Huỳnh Văn Phụ (61 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT liên huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng).
Ông Phụ bị xét xử về các tội ‘Tham ô tài sản’ và ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Kết thúc 2 phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên bị cáo Phụ mức án 2 năm 6 tháng tù về tội ‘Tham ô tài sản’ và 5 năm 6 tháng tù giam về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Theo cáo trạng, bị cáo Phụ được bổ nhiệm chức Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT liên huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng từ năm 2009.
Trong suốt 10 năm (từ năm 2009 đến đến 31/7/2019), bị cáo Phụ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Hiệu trưởng, được quản lý thu chi tài chính của nhà trường; lợi dụng sự kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền là Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo Đỗ Phú Minh Trí (nhân viên kỹ thuật tin học của trường) xóa dữ liệu phần thu tiền học bổng (được theo dõi trên máy tính của bị can Phụ, của kế toán, thủ quỹ) từ quỹ ngân sách Nhà nước chi cho học sinh để chiếm đoạt toàn bộ số tiền này sử dụng vào mục đích cá nhân.
Phần thu tiền học bổng này gồm 2 khoản:
– Khoản thu ngày 31/12/2011 với số tiền hơn 58 triệu đồng;
– Khoản thu ngày 31/12/2012 với số tiền hơn 138 triệu đồng.
Bên cạnh đó, trong thời gian giữ chức hiệu trưởng, bị cáo Phụ cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo giữ lại số tiền học bổng của học sinh trong 2 tháng hè (tháng 6 và tháng 7 trong các năm từ 2009 đến tháng 7/2019) với số tiền hơn 11 tỷ đồng, từ quỹ ngân sách Nhà nước chi trả cho học sinh.
Việc giữ lại số tiền này không được bị cáo Phụ công khai minh bạch với Hội Phụ huynh học sinh theo quy định. Trái lại, bị cáo sử dụng số tiền trên để tạm ứng, mua sắm, sửa chữa tài sản; để chi phí, biếu quà… không thông qua hội Hội Phụ huynh học sinh và không tuân thủ quy định về tài chính kế toán; không được quản lý, không theo dõi đầy đủ vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường.
Việc giữ lại tiền không báo cáo, không được sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên; không được thông qua Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường, cấp ủy chi bộ.
Trong tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng (có khoản tiền bị can chiếm đoạt gần 200 triệu đồng đã nêu trên). Số tiền còn lại hơn 9,9 tỷ đồng, bị cáo Phụ đã chỉ đạo chi hết không đúng quy định.
Quá trình điều tra đã xác minh số tiền hơn 6,7 tỷ đồng được sử dụng phục vụ cho quyền lợi của học sinh và đã khắc phục được một phần cho ngân sách nhà nước. Còn lại 3 tỷ đồng, bị cáo Phụ phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ nộp lại cho ngân sách nhà nước là các khoản khác không phục vụ cho học sinh.
Như báo Người Lao Động đã phản ánh, ông Phụ đã cùng nhân viên văn thư – thủ quỹ là bà N.T.Q.N thông đồng tham ô hơn 11 tỷ đồng. Sau đó, bà N. đã treo cổ tự tử.
Xuân Hạ (t/h)