Những chiếc bánh Trung thu có hình Trường Sa
Trong dịp trung thu năm nay, những chiếc bánh trung thu độc đáo in hình biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
Chiếc bánh trung thu biển đảo này là sáng tạo tâm huyết của Đỗ Thế Gia, thương hiệu bánh trung thu hơn 100 năm nức tiếng ở Hà thành, có cơ sở ở làng Xuân Đỉnh xưa (nay là phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Cũng theo ý tưởng đó, năm nay, gia đình có truyền thống làm khuôn bánh của ông Trần Văn Bảng – thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng cho ra đời những sản phẩm khuôn bánh Trường Sa, Hoàng Sa độc đáo và ý nghĩa này.
Cũng như mọi năm, từ tháng 5 – 8 âm lịch, gia đình ông Trần Văn Bảng lại bận rộn với công việc sản xuất khuôn bánh Trung thu bằng gỗ.
Cùng với các mẫu khuôn truyền thống, năm nay, gia đình ông còn được nhiều cơ sở đặt làm mẫu khuôn có hình biển đảo, Trường Sa, Hoàng Sa…
Theo ông Bảng cho biết, đây là mẫu khuôn do một chủ cở sở sản xuất bánh Trung thu trên Xuân Đỉnh (Hà Nội) đặt làm.
Nhưng về sau, nhiều người đến xưởng và nhìn thấy mẫu khuôn này cũng đã đặt làm vì sự độc đáo, ý nghĩa của nó.
Bên cạnh đó là những mẫu khuôn truyền thống như: Hoa, chim phượng, rồng, cá chép và con thú…
Một mẫu khuôn rời được nhiều người lựa chọn.
Ngoài ra, cũng có những mẫu khuôn lạ như, mẫu khuôn bánh được chia ra làm 30 chiếc bánh nhỏ khác nhau…
Mẫu khuôn gỗ hình rồng phượng sau khi hoàn thành và cho ra sản phẩm. Giá của những chiếc khuôn gỗ này dao động từ vài trăm nghìn cho tới vài triệu đồng tùy theo độ tinh xảo và kích thước.
Tuy nhiên, để làm ra được những chiếc khuôn bánh Trung thu như vậy người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn công sức. Đầu tiên là khâu chọn gỗ sau đó chia ra nhưng miếng nhỏ để tạo phôi. Gỗ dùng làm khuôn phải là gỗ thị hoặc xà cừ còn tươi, không được ngâm nước.
Để có những họa tiết ưng ý và sắc nét người thợ phải dùng hàng chục loại đục khác nhau.
Đối với những mẫu khuôn đơn giản, người thợ cũng phải mất vài tiếng để hoàn thành phần thô, còn với những mẫu phức tạp có thể mất vài ngày.
Cuối cùng là công đoạn làm nhẵn, đánh bóng các chi tiết.
Ông Trần Văn Bảng chia sẻ: “Do lợi nhuận không cao cộng với việc phải cạnh tranh với những khuôn bánh bằng nhựa của Trung Quốc nên hiện tại còn rất ít gia đình tại xã Tiền Phong còn duy trì nghề làm khuôn gỗ này” .
Tuy nhiên, vì lòng yêu nghề nên nhiều gia đình tại xã Tiền Phong vẫn cố gắng duy trì. Mỗi khi rảnh rỗi, ông Bảng lại ngồi hướng dẫn con cháu mình cách làm khuôn để nghề truyền thống không bị mất đi.
Theo Phunukieuviet.vn, Cafebiz.vn, VOV