“Điểm danh” máy bay tối tân Nga tại triển lãm MAKS-2011
Triển lãm hàng không MAKS 2011 đang diễn ra tại thành phố Zhukovsky ngoại ô Moscow từ ngày 16-21/8/2011 với trên 800 công ty tham dự và trình diễn 241 máy bay các loại.
Tại MAKS-2011, lần đầu tiên không quân Nga cũng sẽ giới thiệu các mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất.
Sau đây là một số máy bay tiêu biểu của không quân Nga tham dự triển lãm MAKS 2011:
1. Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm, Sukhoi T-50
T-50 là mẫu máy bay chiến đấu mới đầu tiên được Nga thiết kế kể từ khi Liên Xô cũ tan rã. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, dự kiến năm 2015, đây sẽ là máy bay tàng hình đầu tiên của không quân Nga được trang bị những tính năng vượt trội và được đánh giá là trụ cột trong tương lai của lực lượng không quân Nga khi các dòng máy bay chiến đấu MiG-29 và Sukhoi Su-27 dần trở nên lạc hậu.
Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Sukhoi T-50 do Nga chế tạo được triển lãm tại MAKS-2011 |
Giống như F-22 của Mỹ, T-50 sẽ được tích hợp những phát triển mới nhất của một máy bay chiến đấu như khả năng tàng hình, động cơ đẩy vec-tơ, tốc độ siêu thanh và các hệ thống kiểm soát tích hợp cao.
Một số thống số kỹ thuật của T-50: Tốc độ hành trình: 1,7-1,8 Mach; tốc độ tối đa: 2,45 Mach; tầm hoạt động: 2.000 km; trần bay: 20.000 m; trọng lượng cất cánh tối đa: 37.000 kg
2. Máy bay không người lái (UAV) Lutch
Lutch là máy bay không người lái đầu tiên của Nga được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ không kích, thực thi các nhiệm vụ trinh sát quang học, điện tử, radar và tiếp vận vô tuyến.
Lutch, máy bay không người lái tấn công đầu tiên của Nga giới thiệu tại Triển lãm hàng không MAKS-2011 |
Lutch cũng có thể mang theo nhiều loại vũ khí định hướng trên các tháp hay khoang chứa vũ khí trên thân máy bay. Nó có thể mang theo tới 150-170 kg đạn dược và các hệ thống điều khiển vũ khí. Phát triển dựa trên mẫu máy bay thử nghiệm Sigma 5, Lutch có tầm trinh sát 250-350 km và có thể nâng cấp lên đến 500 km với thời gian bay liên tục không ít hơn 18 giờ và có thể lên tới 30 giờ nếu tiếp thêm nhiên liệu bổ sung.
Với trọng lượng cất cánh tối đa 800 kg Lutch có thể bay với vận tốc lên đến 270 km/h.
3. Các dòng trực thăng mới
Ngày đầu tiên của triển lãm không quân MASK 2011 sẽ là ngày Ngày trực thăng Nga. Khách thăm quan sẽ được chiêm ngưỡng các mẫu trực thăng hạng nhẹ hiện đại như Mi-34C1, Ka-226T và Ansat, hạng trung Ka-32A11BC, hạng siêu nặng Mi-26T2 và trực thăng tấn công Ka-52 Alligator, Mi-28NE Night Hunter.
Trực thăng Mi-34 |
Mi-34C1 được xem ngôi sao mới nổi của ngành trực thăng Nga, được thiết kế phục vụ huấn luyện phi công cả dân sự và quân sự.
Trong khi đó, Ka-226T được Tổ hợp trực thăng Nga chế tạo nhằm thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển y tế đường không khẩn cấp. Chiếc trực thăng này được trang bị hai động cơ tuabia trục Turbomeca Arrius 2G và một bộ giảm tốc VR-226N. Đây cũng là lần đầu tiên các động cơ Arrius 2G của Pháp được lắp đặt cho máy rotor đồng trục, có thể coi là ví dụ điển hình cho sự hợp tác quốc tế thành công.
Trực thăng Ka-226T |
Những giải pháp kỹ thuật hiện đại khiến Ka-226T đặc biệt an toàn khi cơ động đồng thời cung cấp cho khách hàng tiềm năng nhiều khả năng lựa chọn về tính cơ động, độ cao và trần bay.
Hai mẫu trực thăng vận tải và chở khách mới Mi-38 cũng sẽ được giới thiệu tại MAKS 2011. Mi-38 là dòng máy bay lên thẳng thế hệ kế tiếp đạt cấp độ cao nhất về an toàn và tiện dụng so với các trực thăng cùng loại.
4. Các tiêm kích MiG đa năng
Tại MASK 2011, Tập đoàn MiG cũng sẽ giới thiệu một số mẫu cải tiến của chiến đấu cơ MiG-29, máy bay tiêm kích Mig-35 và tiêm kích trên hạm đa năng MiG-29K.
Tiêm kích trên hạm đa năng MiG-29K
MiG-29K là máy bay tiêm kích đa năng triển khai trên tàu sân bay, thế hệ 4++. Đây là tiêm kích đầu tiên của Nga có khả năng cất/hạ cánh từ tàu sân bay theo kiểu thông thường, tức là có chạy đà cất cánh và chạy đà hạ cánh.
Tiêm kích đa năng MiG-29K trang bị cho tàu sân bay thế hệ 4++ |
MiG-29K có thể thực thi nhiều nhiệm vụ bất kể ngày đêm và trong điều kiện thời tiết phức tạp. MiG-29K có các tính năng kỹ thuật và độ tin cậy vượt trội với hệ thống điện tử hàng không cấu trúc mở, radar đa năng, đa chế độ Zhuk-ME cho phép đeo bám tới 10 mục tiêu và tấn công đồng thời 4 mục tiêu.
Một số thông số kỹ thuật, vũ khí của MiG-29K: Trọng lượng cất cánh tối đa: 24.500 kg; Kích thước (chiều dài x chiều cao x sải cánh): 17,3m x 4,4m x 11,99m; Tốc độ tối đa ở độ cao lớn: 2.200 km/h. MiG-29K được trang bị 6 tên lửa không đối không tầm trung RVV-AE, 8 tên lửa tầm ngắn R-73E, 4 tên lửa chống hạm Kh-31A và Kh-35E; 4 tên lửa chống radar Kh-31P; 4 bom có điều khiển KAB-500KR; 1 pháo 30 mm GSh-301.
Máy bay tiêm kích MiG-35
MiG-35 là mẫu phát triển từ công nghệ của MiG-29M/M2 và MiG-29K/KUB, thuộc thế hệ 4++. MiG-35 hiện được phân loại là máy bay hạng nặng tầm trung vì trọng lượng cất cánh tối đa của nó đã được tăng thêm 30% so với đánh giá phân loại trước đó. Lần đầu tiên Tập toàn MiG chính thức giới thiệu MiG-35 ra thế giới là trong Triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2007.
MiG-35 được phát triển từ MiG-29 sử dụng các tên lửa định hướng không đối không, không đối đất và radar Zhuk A (Zhuk AE cho xuất khẩu). |
Một số thông số kỹ thuật, vũ khí của MiG-35: Trọng lượng cất cánh tối đa 29.700 kg; Kích thước (chiều cao x chiều dài x sải cánh): 4,73m x 17,32m x 11,99m; Lực đẩy động cơ: 2 x 5.400 kgf; Trần bay: 17.500m; Tốc độ tối đa ở độ cao lớn: 2.560 km/h (2,35M); Bán kính hoạt động với tải trọng chiến đấu bình thường: 1.000 km.
MiG-35 được trang bị 1 pháo 30 mm GSh-30-1 với cơ số đạn 150 viên, có thể mang đến 7 tấn vũ khí treo trên 9 giá treo ngoài (các tên lửa không đối không tầm trung R-27, RVV-AE, tầm ngắn R-73, tên lửa chống hạm Kh-31A, Kh-35, chống radar Kh-31P, bom điều khiến bằng laser…).
Minh Phạm (Tổng hợp) Bee