Sự cố nước sạch sông Đà: Chủ tịch TP. Hà Nội xin được ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’
Tại phiên giải trình trước HĐND TP. Hà Nội liên quan đến sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thay mặt lãnh đạo thành phố nhận trách nhiệm và xin được “rút kinh nghiệm sâu sắc”...
Sáng 4/11, giải trình trước HĐND TP. Hà Nội về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã báo cáo thêm về quá trình ứng phó của thành phố trong sự cố ô nhiễm tại Nhà máy nước sạch sông Đà.
“Xin được rút kinh nghiệm sâu sắc”
Theo đó, ông Chung thay mặt lãnh đạo thành phố nhận trách nhiệm và xin phép được rút kinh nghiệm về vụ việc trên.
“Hôm nay, trong buổi chất vấn này cũng cho phép tôi thay mặt lãnh đạo thành phố xin được rút kinh nghiệm sâu sắc trong giải quyết sự cố” nước sạch sông Đà, ông Chung nói.
Theo ông Chung, khi người dân báo tin về nước có mùi lạ vào ngày 8 và 9/10, “chúng tôi đã cử ngay cán bộ xuống lấy mẫu, gửi đến các cơ quan xét nghiệm của Bộ Y tế và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để xét nghiệm”; và “ngay trong ngày đầu tiên thì các công ty nước phục vụ khu vực Quốc Oai và khu vực Hà Đông, có những bộ phận nào điều tiết được sang nguồn nước khác là chúng tôi điều tiết ngay”…
Sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước vào ngày 15/10, cho thấy hàm lượng Styren trong mẫu nước sạch sông Đà cao hơn 1,3 – 3,6 lần so với bình thường, có thể ảnh hưởng sức khỏe người. Thành phố đã khuyến cáo người dân không dùng nước sạch sông Đà cho ăn, uống…
Nhà máy nước sạch sông Đà cũng có trách nhiệm
Ngoài việc đề cập đến trách nhiệm của thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nói đến trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) trong việc giấu giếm sự việc.
“Họ biết ngay từ ban đầu nhưng đã chỉ đạo công nhân cho rất nhiều clo vào để xử lý. Người ta nghĩ cho clo vào xử lý sẽ át mùi dầu thải và nghĩ rằng clo có thể xử lý được tạp chất này. Thậm chí, khi có kết quả quan trắc chất lượng nước không đạt yêu cầu, công ty này vẫn có biểu hiện gian dối”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết thêm, đến ngày 15/10, khi đã có kết quả xét nghiệm của Bộ Y tế thì thành phố công khai ngay. Thời điểm đó, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà vẫn không thực hiện việc công bố.
“Tôi cùng Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thế Hùng phải gọi trực tiếp cho lãnh đạo công ty và các cổ đông chính, lúc đó họ mới thừa nhận những việc liên quan đến phát hiện (nguồn nước) nhiễm dầu”, ông Chung nói.
Nhà máy duy nhất trên địa bàn chưa có hệ thống quan trắc tự động
Thông tin thêm về công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco), vị Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Viwasupco vận hành nhà máy nước mặt đầu tiên của thành phố nhưng được xây dựng ở tỉnh ngoài.
Trong tất cả các nhà máy nước mặt và nước ngầm hiện nay của Hà Nội, chỉ có công ty nước sạch sông Đà là nhà máy không có hệ thống quan trắc tự động, lại khai thác chung nguồn nước thuỷ lợi từ hồ Đồng Bài, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình.
Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã họp yêu cầu tất cả các đơn vị cung cấp nước sạch sớm hoàn thiện toàn bộ hệ thống quan trắc, yêu cầu Công ty nước sạch sông Đà phải tách riêng hệ thống nguồn nước đầu vào với hồ Đầm Bài.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng yêu cầu phía Công ty nước sạch Sông Đà phải hoàn thành xong hệ thống quan trắc tự động trong vòng 3 tháng và cần phải đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy, không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài…
Trước đó, mặc dù sự cố nước sạch bị nhiễm dầu thải xảy ra từ ngày 8/10, nhưng đến tận ngày 12/10, Viwasupco vẫn im lặng, còn các cơ quan chức năng Hà Nội cũng chưa có khuyến cáo nào, vẫn chờ kết quả phân tích mẫu nước do Sở Y tế Hà Nội thực hiện.
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 12/10, người dân nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội (các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân và H.Hoài Đức…) vẫn phải ‘sống chung’ với nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất.
Ngày 15/10, sau gần 1 tuần người dân phản ánh nước sinh hoạt nặng mùi khét, hôi, UBND TP. Hà Nội mới có khuyến cáo người dân không ăn, uống nước từ nguồn nước sạch sông Đà do Viwasupco sản xuất.
Vũ Tuấn (t/h)