Công chức chỉ làm việc 15 giờ 30 phút một năm?
Nhà giáo Văn Như Cương đưa ra một ví dụ vui “để bạn đọc có một ý niệm nào đó về thống kê”. Ông đã chỉ ra nghệ thuật đánh lừa trong thống kê bằng ví dụ về số thời gian một công chức giành để làm việc.
Tôi có người bạn là một công chức đang làm việc ở một cơ quan Trung ương. Để biết anh phân phối thời gian vào những công việc của mình ra sao, tôi đưa cho anh một bản khai. Ví dụ, mỗi ngày anh ngủ bao nhiêu lâu, đi lại hết bao nhiêu thời gian…
Ảnh minh họa: IE |
Tôi đề nghị anh khai cho thật đúng. Còn tôi chỉ việc tính toán. Chẳng hạn, một ngày anh ngủ 8h, tôi nhân số đó với 365 ngày để biết cả năm anh giành bao nhiêu thời gian để ngủ, vân vân…
Và đây là kết quả thống kê trong năm 2011 của bạn tôi:
1. Ngủ: 8h/ngày. Cả năm (365 ngày) ……… ……………. ……………. 2920 h
2. Tập thể dục buổi sáng, vệ sinh, ăn sáng: 2h/ ngày. Cả năm ………. 730 h
3. Ăn trưa, nghỉ trưa 1h45’/ngày. Cả năm …………………………… 638 h 45’
4. Thời gian dành cho đi lại: 1h30’/ngày. Cả năm …………………… 547 h 30’
5. Thể thao buổi chiều, tắm, ăn tối, xem tivi : 4h 15’/ngày. Cả năm 1551 h 15’
6. Thời gian dành cho điện thoại (gọi và nhận) 60’/ngày. Cả năm …… 365 h
7. Ngày chủ nhật và ngày nghỉ lễ: thăm thú bạn bè, đi chơi, hoặc nghỉ ngơi: 24h/ngày. Cả năm (52 ngày chủ nhật + 15 ngày nghỉ lễ tết)… 1608 h
8. Thời gian dành cho khám chữa bệnh cả năm (16 ngày)………………….384 h
– ———–
Tổng cộng : 8744 h 30’
Mỗi năm có: 24h x 365 = 8760 h.
Từ đó suy ra thì giờ tối đa mà anh bạn tôi làm việc trong năm 2010 là: 8760 h – 8744 h 30’= 15h 30’.
Tóm lại: “thời giờ vàng ngọc” của bạn tôi năm 2010 chỉ có chưa đầy hai ngày làm việc.
Tính trung bình, mỗi tháng bạn tôi làm việc thật sự chỉ có 1h 17’ mà thôi. Lương của bạn tôi là 6 triệu đồng một tháng chưa kể tiền thưởng. Vậy tính ra mỗi giờ làm việc của anh được trả 6 triệu đồng. Ai bảo thế là thấp?
Nhìn vào kết luận cuối cùng của bảng thống kê trên đây, mọi người đều biết rằng đó là sự thống kê giả dối. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra ngay lập tức cái “nghệ thuật đánh lừa” nằm ở chỗ nào?
Cuối cùng, người viết bài này muốn đưa ra một lời nhắn nhủ: “Bạn hãy luôn luôn cảnh giác với các số liệu thống kê. Bên cạnh các thống kê đúng đắn, phản ánh đúng sự thực, vẫn còn nhiều thống kê gian dối, xảo trá, lừa đảo một cách trắng trợn hoặc tinh vi, để đạt được những mục đích khác nhau”.
Văn Như Cương(bee.net)