Nhiếp ảnh gia chụp ảnh siêu đẹp đến mức người xem tưởng lầm là ảnh giả
Sự phổ biến của các phần mềm chỉnh sửa ảnh khiến cho người xem ngày càng khó phân biệt được những bức ảnh đẹp là nhờ tài năng của nhiếp ảnh gia hay là sản phẩm của quá trình chỉnh sửa ảnh. Một nhiếp ảnh gia tài năng người Hà Lan đã lâm vào hoàn cảnh tương tự khi những bức ảnh chụp của anh đẹp đến nỗi người xem tưởng rằng đó là… ảnh giả.
Nhiếp ảnh được xem là môn nghệ thuật của khoảnh khắc, điều này cho thấy tầm quan trọng của các nhiếp ảnh gia trong việc bắt được đúng khoảnh khắc để giúp cho bức ảnh của mình trở nên thật đẹp và ấn tượng.
Tuy nhiên giờ đây nhờ vào sự trợ giúp của các phần mềm xử lý ảnh, đặc biệt là Photoshop, các nhiếp ảnh gia có thể dễ dàng tạo nên các bức ảnh đẹp và ấn tượng bằng cách chỉnh sửa và lồng ghép những khoảnh khắc ấn tượng lên ảnh nhờ phần mềm, điều này khiến cho người xem ngày càng khó phân biệt được đâu là bức ảnh đẹp nhờ vào tài năng thực sự của nhiếp ảnh gia và đâu là bức ảnh đẹp được tạo ra bằng phần mềm xử lý ảnh.
Albert Dros, một nhiếp ảnh gia tài năng người Hà Lan cũng đã lâm vào hoàn cảnh tương tự khi những bức ảnh của anh đẹp và ấn tượng đến nỗi nhiều người xem đã tưởng lầm rằng đây là những bức ảnh giả được tạo ra bởi phần mềm đồ họa máy tính.
Năm nay 33 tuổi, Albert Dros đã từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh và thường xuyên cộng tác với nhiều tờ báo lớn để đăng tải ảnh của mình như Time, National Geographic, Huffington Post… Dros cho biết anh yêu thích chụp ảnh phong cảnh và ghi lại vẻ đẹp của thế giới thông qua ống kính máy ảnh và thừa nhận anh đã may mắn có bắt được nhiều khoảnh khắc đẹp trong các hình ảnh của mình.
“Nhiều người có thể dễ dàng phán xét những bức ảnh mà họ xem trên mạng. Tôi cảm thấy không hài lòng khi nhiều người gọi các tác phẩm của tôi là ‘giả’ khi tôi đã mất nhiều giờ liền để lên kế hoạch và thực hiện bức ảnh đặc biệt đó”, Albert Dros chia sẻ. “Nhưng giờ đây tôi không còn cảm thấy phiền lòng như trước. Đây là Internet và sau tất cả, tôi sẽ không còn đổ lỗi cho họ”.
Một trong những bức ảnh gây tranh cãi nhất của Dros đó là bức ảnh “Cô đơn trong vũ trụ”, mà anh đã chụp một người bạn của mình đứng trên đồi, phía sau là bầu trời đầy sao và đặc biệt là khoảnh khắc trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bay lướt qua tạo nên một vệt sáng trên bầu trời.
Bức ảnh đã gây nhiều tranh cãi vì không ít người cho rằng Dros đã ghép vệt sáng của trạm ISS vào bức ảnh của mình, tuy nhiên Dros khẳng định rằng bức ảnh này là thật và thừa nhận rằng mình đã rất may mắn khi chụp được khoảnh khắc này.
“Tôi đã đến địa điểm này nhiều lần để chụp ảnh dải ngân hà và khi chụp bức ảnh này, tôi đã thấy thứ gì đó bay qua trong khung hình”, Albert Dros chia sẻ. “Tôi biết được rằng mình đã chụp được điều gì đó đặc biệt vì nó bay chậm hơn một ngôi sao băng và khác biệt so với một chiếc máy bay”.
Dros sau đó đã phải nghiên cứu và hỏi các nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh thiên văn, anh mới có thể khẳng định được rằng vệt sáng xuất hiện trong khung ảnh của mình chính là khoảnh khắc trạm vũ trụ ISS bay qua bầu trời và được nhìn thấy từ Trái Đất.
Albert Dros sau đó đã chia sẻ bức ảnh đặc biệt của mình lên Internet và bức ảnh này đã tạo nên tên tuổi của Dros, tuy nhiên nhiều người cũng không tin vào bức ảnh và cho rằng Dros đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa để ghép khoảnh khắc đặc biệt vào bức ảnh của mình. Dros cho biết mình đã phải khá vất vả để thuyết phục mọi người rằng bức ảnh đã chụp là thật, anh còn được sự ủng hộ của nhiều nhiếp ảnh gia thiên văn và khi anh cho mọi người xem file ảnh raw (file ảnh thô chứa mọi thông tin mà cảm biến ảnh ghi lại được), lúc đó mọi người mới bắt đầu tin rằng bức ảnh mà Dros chụp là thật.
Một bức ảnh khác của Dros gây ra nhiều tranh cãi đó là bức ảnh chụp “siêu trăng”, trong đó khoảnh khắc “siêu trăng” lớn và sáng xuất hiện giữa hai đỉnh tháp khiến nhiều người hoàn nghi về mức độ thực tế của bức ảnh.
Dros cho biết anh thông cảm với sự hoài nghi này khi giờ đây có rất nhiều bức ảnh “siêu trăng” giả mạo được lan truyền trên mạng xã hội, trong đó nhiều người đã ghép hình ảnh mặt trăng vào bên trong bức ảnh sao cho ấn tượng nhất, thay vì chụp lại khoảnh khắc đó thực sự bằng máy ảnh.
Nhiều người sau khi xem bức ảnh của Dros đã cho rằng đây là bức ảnh giả mạo vì mặt trăng quá lớn so với các vật thể xung quanh. Để giải thích cho điều này, Dros cho biết anh đã sử dụng một ống kính siêu dài và chờ đợi khoảnh khắc để có thể căn chỉnh tỷ lệ giữa mặt trăng với các tòa nhà và vật thể xung quanh, để cuối cùng tạo ra một bức ảnh “siêu trăng” ấn tượng.
Để chứng minh cho bức ảnh chụp của mình, Dros đã thực hiện một đoạn video quay lại khoảnh khắc “siêu trăng” xuất hiện trên bầu trời Amsterdam và đó cũng là khoảnh khắc mà anh chụp được bức ảnh ấn tượng cho riêng mình.
Video khoảnh khắc siêu trăng xuất hiện trên bầu trời Amsterdam.
Còn rất nhiều bức ảnh đẹp khác của Dros khiến anh bị hoài nghi rằng đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để cắt ghép và tạo ra khoảnh khắc ấn tượng. Dros thừa nhận rằng anh có sử dụng Photoshop để xử lý các bức ảnh chụp của mình, tuy nhiên anh chỉ dùng Photoshop để điều chỉnh màu sắc, cải thiện độ tương phản hay cân bằng trắng… chứ không hề chỉnh sửa Photoshop để cắt ghép hoặc thay đổi khoảnh khắc.
“Khi bạn chụp ảnh ở định dạng RAW, bạn tối ưu hóa dữ liệu mà máy ảnh có thể chụp được. Các bức ảnh chụp luôn trông rất buồn tẻ và vì vậy để làm cho nó trông hấp dẫn hơn bạn cần phải thực hiện một số xử lý”, Albert Dros chia sẻ. “Ví dụ như khi bạn chụp ảnh ở định dạng JPG hoặc chụp ảnh bằng smartphone, thiết bị đã tự xử lý tất cả, do đó bạn không cần phải thực hiện thêm khâu xử lý trên máy tính nữa”.
“Là một nhiếp ảnh gia, tôi luôn cố gắng thể hiện khoảnh khắc trong bức ảnh. Tôi chỉ muốn nói rằng trước khi phán xét một ai đó hoặc nghĩ rằng điều gì đó là giả mạo, đừng hét to lên rằng “giả mạo” hoặc lăng mạ nhiếp ảnh gia. Nếu bạn có nghi ngờ, có những điều vượt qua hiểu biết của bạn. Cho dù tôi đã có nhiều trải nghiệm với điều này, tôi vẫn cẩm thấy bị tổn thương khi mọi người lăng mạ tôi cho những việc mà tôi đã dành rất nhiều thời gian cho nó”, Dros chia sẻ.
Cùng nhìn ngắm một vài tác phẩm đẹp và ấn tượng của nhiếp ảnh gia Albert Drocs:
Theo dantri