Dùng 2 quả táo, cô dạy trò về tác hại của việc ức hiếp, bắt nạt bạn bè
Vấn nạn bắt nạt bạn bè trong học đường suốt nhiều năm gần đây luôn là những vấn đề nổi cộm. Mạng xã hội, báo chí đưa tin rất nhiều trường hợp tự tử, trầm cảm, thậm chí giết người v..v từ việc bị đối xử tệ trong trường lớp. Các em đáng thương và không thể chia sẻ cùng ai, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Các trường học giáo dục cần thiết phải dạy trẻ sự yêu thương và tác hại nghiêm trọng từ hành vi bắt nạt bạn, như cô giáo dưới đây đã dùng hai quả táo để dạy trẻ những bài học sâu sắc.
Đối với người lớn, rất dễ để hiểu được tác hại nghiêm trọng mà vấn nạn bắt nạt gây ra, nhưng với trẻ nhỏ, đối tượng đang phải hứng chịu điều đó, thì phải mất một khoảng thời gian chúng mới nhận ra được sự việc. Đó là lý do tại sao ở Birmingham, Anh, có một cô giáo đã nảy ra ý tưởng độc đáo, sử dụng 2 quả táo để minh họa cho ảnh hưởng của việc bắt nạt. Bài đăng trên Facebook của cô về bài học này đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Rosie Dutton là một giáo viên địa phương. Cô dạy cho những đứa trẻ về thiền định và các kỹ năng thư giãn. Đầu tuần nay, cô đã đăng trên trang Facebook Relax Kids Tamworth của mình về trải nghiệm dạy học sinh những thứ thực sự sẽ xảy ra khi có người bị bắt nạt.
Cô Dutton đã mang lên lớp hai quả táo. Một quả chưa từng bị chạm vào và một quả cô đã lén làm dập bằng cách đập liên tục xuống sàn. Nhìn bên ngoài chúng gần như hoàn toàn giống nhau và học sinh của cô nói rằng: “Tất cả chúng đều màu đỏ, kích thước cũng như nhau và trông rất có vẻ rất ngon”.
Cô Dutton đã viết:
“Tôi đã cầm một quả táo lên, ném nó xuống sàn và nói với bọn trẻ là tôi ghét quả táo ấy, rằng tôi thấy nó thật kinh tởm, màu sắc thì tệ hại và thân thì quá ngắn. Tôi bảo với bọn trẻ là vì tôi không thích nó nên tôi cũng không muốn bọn trẻ thích nó, vì vậy hãy chế nhạo nó.
Cô Dutton nói cả lớp học đã nhìn cô “như thể tôi bị điên vậy”. Nhưng sau đó bọn trẻ cũng dần nhập cuộc vào trò chơi. “Chúng lần lượt nhạo báng quả táo, “mi là quả táo bốc mùi”, “ta thậm chí còn không biết tại sao mi lại tồn tại”, “chắc hẳn bên trong mi toàn là sâu bọ”,… Cô viết tiếp: “Chúng tôi đã đẩy quả táo tội nghiệp ấy ra xa. Tôi thật sự bắt đầu thấy có lỗi với nó”.
Sau đó, cô Dutton đã chuyền tay cho học sinh quả táo mà cô đã không hề đụng tới và nói với lũ trẻ: “Hãy nói những lời tốt đẹp với nó. ‘Bạn là một quả táo xinh đẹp’, ‘vỏ của bạn thật đẹp’, ‘Màu sắc của bạn sao mà ngon mắt thế’”. Bọn trẻ lại so sánh hai quả táo và nhận thấy chúng vẫn gần như không có gì khác nhau.
Sau đó cô Dutton đã cắt 2 quả táo ra.
Quả táo mà cả lớp đối xử tốt thì mọng nước, ngon mắt và đáng thưởng thức. Còn quả táo bị bắt nạt thì chuyển sang nâu sạm, bầm tím ở bên trong. Dutton hào hứng chia sẻ: “Tôi nghĩ ngay lúc đó đã có một khoảnh khắc trong đầu bọn trẻ lóe lên điều gì đó. Chúng đã nhận ra được những gì chúng ta thấy ở bên trong quả táo, những vết thâm, sự mong manh dễ vỡ là những gì đang diễn ra bên trong mỗi người khi có ai đó ngược đãi mình qua lời lẽ và hành động”.
Cô Dutton giải thích rằng, đôi lúc người ta “không nói hay biểu hiện hết cảm xúc của mình với người khác”, nhưng tác hại vẫn còn đó, giống như quả táo bị dập ở trong. Và đó là lý do tại sao việc cư xử tốt cả về lời nói lẫn hành động là điều vô cùng quan trọng.
Kể từ khi bài viết của cô được đăng tải, đã có hơn 200.000 lượt chia sẻ và hơn 168.000 lượt thích. Hàng ngàn người cũng đã bình luận rằng “trải nghiệm” của cô nên được phổ cập rộng rãi ở các lớp học toàn thế giới, qua đó, trẻ em sẽ hiểu được tại sao bắt nạt lại là một vấn đề nghiêm trọng như vậy. Bài học từ cô Dutton là điều đơn giản đến mức ấn tượng, ngay cả với người lớn. Đây là cách minh họa thật hiệu quả về ảnh hưởng cảm xúc và tinh thần do việc bắt nạt gây ra.
Cô Dutton cảm ơn mọi người đã ủng hộ. Cô nói rằng, hơn hết, cô chỉ muốn mọi người hiểu chúng ta cần phải mạnh mẽ ngăn chặn tình trạng bắt nạt. Cô ví von:
“Không giống như trường hợp hai quả táo, chúng ta có thể ngăn mọi chuyện không xảy ra. Chúng ta có thể dạy cho bọn trẻ rằng thật sự rất không tốt khi nói với người khác những lời tồi tệ, và bàn về việc bắt nạt người khác sẽ làm họ cảm thấy ra sao. Chúng ta cũng có thể dạy chúng bênh vực người khác và không được có bất kỳ hình thức bắt nạt nào, giống như một cô bé đã làm ngày hôm nay, đó là từ chối nói lời xấu với quả táo”.
Cô Dutton đã viết ở cuối bài đăng: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo… Nhưng sức mạnh của nó đủ sức làm tan nát một trái tim. Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của bạn”.
>>> Cổ nhân xem trọng điều gì nhất trong giáo dục?
>>> Đây mới là cảnh giới cao nhất của giáo dục, đọc xong thấm thía…
Xuân Nhạn, theo boreddaddy