Thiên thạch hình đầu lâu thăm Trái Đất ngay dịp Halloween
Mang hình dạng như một cái sọ người với hai hốc mắt, mũi, miệng khá rõ rệt, thiên thạch này đang tiến gần Trái Đất thì bị kính viễn vọng hồng ngoại trên đảo Hawaii phát hiện. Sự xuất hiện của nó làm các nhà thiên văn học rất ngạc nhiên bởi một sự trùng hợp thú vị.
Vị khách không mời ngày Halloween
Theo trang Mother Nature Network, năm nay tiểu hành tinh này bay cách hành tinh của chúng ta khoảng 38 triệu km vào ngày 11/11, sau lễ Halloween.
Thực ra, nó đã ghé thăm Trái Đất vào năm 2015 đúng ngày Halloween 31/10, quả là hy hữu. NASA đã đặt tên nó là Great Pumpkin (lồng đèn bí đỏ khổng lồ) hay “sao chổi chết chóc”. Great Pumpkin mang số hiệu Asteroid 2015 TB145 và là một thiên thạch ”chết”, tức nó không hề có nước hay sự sống và từng bị thiêu đốt khi bay quá gần Mặt Trời.
Bằng các phương pháp đo đạc, NASA tính được Great Pumpkin có đường kính khoảng 600m và cứ mỗi 5 giờ trôi qua nó sẽ quay hết một vòng quanh trục của chính nó. Năm 2015, Great Pumpkin bay ngang qua Trái Đất ở khoảng cách 40 triệu km.
Có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất?
Great Pumpkin được NASA xếp loại ”thiên thạch có khả năng đe dọa va chạm với Trái Đất” bởi quỹ đạo bay khá gần. Mặc dù có vẻ ngoài đáng sợ, nhưng các nhà khoa học dự đoán trong tương lai gần thiên thạch này sẽ không gây ra thảm họa nào vì nó vẫn giữ khoảng cách an toàn với địa cầu, cách quỹ đạo Mặt trăng khoảng 280.000 km với vận tốc 35 m/s.
Những bức ảnh đầu tiên về “lồng đèn bí đỏ khổng lồ” được truyền về radar của đài quan sát Arecibo tại Puerto Rico. Sau khi phân tích dữ liệu và vẽ nên ảnh 3D của thiên thạch này, các nhà khoa học còn xác định được bề mặt của nó trơn láng và nhẵn, tương tự như bề mặt nhựa đường vậy. Có thể đây là kết quả do việc bị thiêu đốt dưới nhiệt độ cao sau khi nó bay sượt qua gần Mặt trời.
Theo quỹ đạo bay, tiểu hành tinh này sẽ bay qua Trái Đất lần tiếp theo vào ngày 1/11/2088 với khoảng cách 6,4 triệu km.
Theo Lost Bird