Tiên dược trong Đạo giáo
Đạo giáo đã tạo nên một hình thái tôn giáo – văn hóa độc đáo, ảnh hưởng sâu rộng trong đời văn hóa truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là ở lĩnh vực Dưỡng sinh học và Dược học.
Từ thời Chiến Quốc, các Thần tiên gia trong “Bách gia chư tử” đã phân thành 3 lưu phái chính là Phục nhị, Hành khí và Phòng trung thuật. “Phục nhị” thuộc ngoại dưỡng, là phương pháp uống đan dược và thảo dược, mục đích là đạt đến trường sinh bất tử, hóa xác thành tiên.
Những kim loại làm thuốc trường sinh
Theo “Bão phác tử – Tiên dược” thì “Thượng phẩm để luyện tiên dược là đan sa, sau đó là vàng và bạc. Tiếp đó là các loại ngọc như vân mẫu, minh châu, hùng hoàng, thạch anh, thạch lưu huỳnh, tằng thanh… Và sau cùng mới là phục linh, địa hoàng, mạch môn đông, hoàng liên, chữ thực…
Phép luyện tiên dược của Đạo giáo chú trọng nhất là sử dụng kim loại (thượng dược), thứ nữa là khoáng vật (trung dược), sau cùng là thảo dược (hạ dược). Trong “Bản thảo kinh chú” của Đào Hoằng Cảnh ghi hơn 700 loại thảo dược, “Thiên kim yếu phương” của Tôn Tư Mạo ghi hơn 800 loại thảo dược dùng làm thuốc trường thọ, trong đó có rất nhiều loại còn sử dụng đến ngày nay.
Đan sa thần dược
Đây là dược liệu vô cùng quan trọng để luyện tiên dược trong Đạo giáo, thành phần chủ yếu của đan sa là thủy ngân lưu hóa (HgS). Theo Trung y, đan sa có vị ngọt, tính hàn, có độc. Giúp an thần, định kinh, sáng mắt, giải độc.
“Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân ghi rằng: “Đan sa phối cùng các vị như viễn chí, long cốt giúp dưỡng tâm khí; Cùng đan sâm, đương quy giúp dưỡng tâm huyết; Cùng câu kỷ, địa hoàng giúp dưỡng thận; Cùng hậu phác, xuyên tiêu giúp dưỡng tỳ; Cùng nam tinh, xuyên ô giúp khử phong. Công hiệu làm sáng mắt, an thai, giải độc, làm phát mồ hôi”.
Theo nghiên cứu y học lâm sàng, đan sa nhập dược dùng trị các chứng điên cuồng, kinh hãi, mất ngủ, váng đầu, hoa mắt, sưng độc, ghẻ ngứa. “Thiên kim phương” có bài thuốc “Thần khúc hoàn” dùng đan sa như sau: Đan sa (loại tốt nhất) 1 lượng, thần khúc 4 lượng, từ thạch (nam châm) 2 lượng. 3 vị trên đem nghiền mịn, trộn với mật vo thành viên như hạt ngô đồng, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên, lâu ngày giúp khoẻ mạnh, tăng nhãn lực, mắt sáng”. “Đường Dao kinh nghiệm phương” chép “Dùng 1 trái tim heo, xuyên lỗ ở giữa, nhét bột đan sa vào, buộc lại, đem luộc chín mà ăn, giúp trị chứng tâm hư, di tinh”.
Đương nhiên, đan sa có độc mà tính nhiệt, không thể dùng nhiều, thông thường mỗi lần chỉ dùng 0,3 – 0,9g vào thuốc. “Bản thảo tùng tân” cho rằng: “Dùng riêng với lượng nhiều làm cho người đần độn, ngớ ngẩn”. “Bản kinh phùng nguyên” cũng nói “Đan sa gặp lửa thì nhiệt độc, có thể chết người”.
Luyện tiên dược từ vàng
Trong luyện đan, vàng (hoàng kim) là dược liệu chỉ đứng sau đan sa. Trung y cho rằng vàng có vị cay đắng, tính hàn, có độc, có tác dụng làm trấn tĩnh, an thần, có thể dùng trị các chứng kinh hoàng, điên cuồng, hồi hộp. “Bản thảo kinh sơ” dẫn theo “Thái Thanh pháp” rằng: “Vàng tính vốn cương, uống vào làm tổn hại cơ xương. Chỉ có nghiền mịn cho vào thuốc mới có tác dụng trấn tâm, an thần”. “Hội dược y kính” viết: “Bột vàng có thể trấn tâm, tránh tà, trị cuồng điên kinh hãi, an hồn phách, hạ đờm dãi, giáng tà hỏa… Vàng sống có độc, dù bột vàng cũng không được uống nhiều”.
Theo nghiên cứu về độc tính và dược tính của vàng ở các lĩnh vực hóa học, độc vật học, dược lý học thì vàng ròng không xảy ra phản ứng hóa học khi tiếp xúc với nhiệt, oxy, lưu huỳnh, muối… tính kháng oxy hóa và chống phân hủy của vàng rất mạnh. Vì thế, khi vàng vào trong ruột người cũng không bị ảnh hưởng của axit dạ dày và men tiêu hóa, nên không bị tiêu hóa và hấp thu, cũng không biểu hiện độc tính.
Nhưng vàng được chế làm thuốc thì có thể trị được một số bệnh. Từ những năm 1960 người ta đã cho vàng vào thuốc trị phong thấp, viêm khớp với lượng vàng trong mỗi viên thuốc là 0,87mg. Theo quy định ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên thì uống cả năm chỉ mới 635mg vàng mà thôi.
Bạc – có thể trị chứng hoảng hốt không ngủ được
Bạc trắng (bạch ngân) chỉ đứng sau vàng trong luyện đan dược. Trung y cho rằng bạc có tính cực hàn, không độc, có công hiệu an thần, trấn kinh… tương tự như vàng. “Bản thảo mông thuyên” nói bạc có thể trị chứng hoảng hốt không ngủ được, dứt nhiệt cuồng, định chí dưỡng thần, trấn tĩnh, sáng mắt, an ngũ tạng. “Bản thảo tái tân” cho rằng bạc dát mỏng giúp “giải khí ở gan, định tâm chí, tư dưỡng thận thủy, thông kinh mạch, lợi các khớp, phá ứ trệ”. Nhưng “Bản thảo cương mục” nhắc nhở rằng: “Dùng làm thuốc chỉ sử dụng bạc dát mỏng, dễ mịn, nếu dùng thủy ngân, muối để chế thì lại có độc”. Nhưng những đạo sĩ luyện đan thường luôn dùng thủy ngân để chế, vì thế “tiên dược” chế được lại làm cho người uống quy tiên sớm.
Vân mẫu: Sống lâu, trẻ mãi không già
Là loại đá mica. “Vân cấp thất thiêm” viết “Vân mẫu vị cam bình, không độc… trừ tà khí, an ngũ tạng, sáng mắt, chắc cơ bắp, trị các chứng ngũ lao thất thương, hư tổn, thiếu khí. Uống lâu nhẹ người, sống lâu, trẻ mãi không già”. Thực ra, theo Trung y, vân mẫu vị cam, tính ôn, có ít độc, có tác dụng nạp khí, hạ đàm, cầm máu. “Dược lý học của trung dược” cho rằng “vân mẫu làm thuốc lợi tiểu, tiêu độc, trị lâm độc (như lậu…) ở nam giới và chứng đới hạ ở nữ giới. Lại dùng trị các bệnh viêm ruột mạn tính, trẻ con bị lỵ. Dùng ngoài trị vết thương do lửa, dao gây ra.
“Kim đan một hạt định trường sinh”
Ngoài ra, Đạo giáo còn sử dụng nhiều khoáng vật khác làm dược liệu chế tiên dược như hùng hoàng, chì, phèn, nam châm, muối, sắt, các loại đá thạch anh, chung nhũ… qua “cửu chuyển hoàn đan” (luyện 9 lần) trong lò trở thành “Kim đan một hạt định trường sinh”.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của “tiên dược” đã phá tan giấc mộng trường sinh. Đan dược phát nội nhiệt, người uống lúc đầu cảm thấy hưng phấn, da dẻ hồng hào, tươi nhuận, có cảm giác thân thể nhẹ nhàng, đi lại như bay. Nhưng những hiện tượng trên mất dần đi, người uống phải tăng liều, dần dần bị trúng độc, co giật, hôn mê, xuất huyết, đột tử. Đời Đường có Đường Thái Tông, Hiến Tông, Mục Tông, Võ Tông, Tuyên Tông lần lượt đột tử vì uống tiên đan, còn sĩ đại phu thì nhiều không kể xiết.
Thất bại từ việc dùng kim loại, khoáng vật để luyện tiên đan, các đạo sĩ tập trung công sức vào việc nghiên cứu, bào chế loại nguyên liệu thứ cấp là thảo dược nhằm mục đích cường tráng, kéo dài tuổi thọ chứ không mong “thoát xác thành tiên” nữa. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà nền y dược học Đạo giáo trực tiếp dung nhập vào y dược học cổ truyền Trung Hoa với những sắc thái độc đáo, phong phú.
(theo bee)