Monsanto bồi thường gần 300 triệu USD cho người bị ung thư vì thuốc diệt cỏ Roundup
Hôm 10/8, Dewayne Johnson đã thắng kiện Monsanto, buộc công ty sản xuất chất độc màu da cam này phải bồi thường cho anh gần 300 triệu USD. Đây được đánh giá là “một chiến thắng vẻ vang cho sức khỏe con người trên toàn thế giới”.
Đoàn hội thẩm San Francisco đã phán quyết rằng loại thuốc trừ sâu Roundup phổ biến nhất thế giới chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư cho một cựu nhân viên chăm sóc sân vườn trường học.
Vì vậy, anh đã nhận được 289 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại từ công ty nông nghiệp Monsanto. Đây là sự trừng phạt của tòa án dành cho công ty sản xuất chất độc màu da cam này.
Theo đó, chiến thắng mới đây vào hôm 10/8 của anh Dewayne Johnson sẽ đặt ra một tiền lệ lớn cho hàng ngàn trường hợp khác phải chịu sự ảnh hưởng bất lợi từ loại thuốc diệt cỏ Roundup, cũng như những người đang phải chịu đựng căn bệnh u lympho không Hodgkin (hay còn gọi là ung thư hạch không Hodgkin, u lympho ác tính không Hodgkin).
Trường hợp mắc bệnh của anh Johnson là trường hợp đầu tiên được đưa ra xét xử, vì các bác sĩ cho biết người đàn ông này đã ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư và đang đứng trước bờ vực của cái chết. Đây là quyền ưu tiên ở bang California, khi này những nguyên đơn sắp chết sẽ được thụ lý hồ sơ nhanh chóng.
Theo báo cáo của kênh CNN vào năm 2017, hơn 800 bệnh nhân kiện công ty Monsanto. Những người này cho rằng chính thuốc trừ sâu Roundup đã gây bệnh ung thư cho mình.
Cũng kể từ đây hàng trăm nguyên đơn khác bao gồm cả bệnh nhân ung thư, vợ hoặc chồng của họ đã đâm đơn kiện Monsanto và đưa ra tuyên bố tương tự.
Sau 3 ngày thảo luận trong tuần trước, bồi thẩm đoàn tại Tòa Thượng thẩm California ở San Francisco đã quyết định Monsanto phải bồi thường cho anh Johnson 250 triệu USD nhằm trừng phạt công ty này và đến bù 39 triệu USD.
Mặc dù số tiền này không thể thay đổi thực tế rằng hai người con của anh Johnson sắp mất cha, nhưng nó có thể giúp họ có được cuộc sống tốt hơn một khi cha mất, luật sư Timothy Litzenburg của anh Johnson nói.
Tuy nhiên, ngay cả khi phán quyết đã được đưa ra, Monsanto vẫn khẳng định rằng kết quả của các cuộc nghiên cứu cho thấy sản phẩm của họ không hề gây ra căn bệnh ung thư.
Phó chủ tịch Monsanto, ông Scott Partridge nói: “Chúng tôi sẽ kháng cáo quyết định này và tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ thuốc diệt cỏ Roundup có lịch sử 40 năm sử dụng an toàn. Chúng tôi muốn khẳng định rằng nó vẫn sẽ là một công cụ quan trọng mang đến sự hiệu quả và an toàn cho người nông dân, cùng nhiều người khác”.
Trước lời tuyên bố trên, luật sư Litzenburg cho biết việc kháng cáo của Monsanto sẽ khiến công ty này tốn kém rất nhiều, vì họ phải chi trả tiền lãi cho các thiệt hại trong lúc việc kháng cáo được diễn ra. Số tiền phải chi ra có thể lên đến 25 triệu USD mỗi năm.
Các tổn thương trên cơ thể của anh Johnson
Luật sư của anh Johnson cho biết, thân chủ 46 tuổi của ông đã sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup từ 20 đến 30 lần mỗi năm, trong quá trình là người làm vườn tại khu trường gần thành phố San Francisco.
Anh Johnson kể, trong quá trình làm việc, anh đã gặp phải 2 tai nạn khiến anh bị ngâm trong thuốc trừ sâu. Lần tai nạn đầu tiên xảy ra vào năm 2012. Hai năm sau (2014), anh bị chẩn đoán u lympho không Hodgkin.
Lúc này các tổn thương chiếm đến 80% toàn bộ cơ thể của anh. Thậm chí vào những ngày tồi tệ nhất, anh Johnson bị tê liệt đến nỗi không thể mở miệng nói chuyện.
Luật sư Litzenburg cho biết, những điều tồi tệ nhất theo lời kể của Johnson chính là khi anh thông báo với 2 người con về căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Vợ của Johnson hiện đang phải làm 2 công việc để nuôi sống gia đình.
Thuốc trừ sâu Roundup và glyphosate gây nên căn bệnh ung thư như thế nào?
Một câu hỏi lớn được đặt ra trong trường hợp này là liệu thuốc trừ sâu Roundup có thể gây ra bệnh ung thư hay không? Có phải Monsanto đã không cảnh báo với người dùng về nguy cơ ung thư của sản phẩm?
Vào tháng 3/2015, Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) của WHO cho biết, thành phần chính glyphosate trong sản phẩm này có thể là tác nhân gây ung thư.
Nhưng Monsanto bác bỏ điều này và vẫn duy trì quan điểm rằng Roundup không gây ung thư. Thêm vào đó công ty cũng nói rằng báo cáo của IARC khác biệt rất lớn so với các nghiên cứu khẳng định glyphosate rất an toàn.
Phó chủ tịch Monsanto Partridge cho biết: “Hơn 800 nghiên cứu khoa học, của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), Viện Y tế Quốc gia và nhiều nhà quản lý trên toàn thế giới kết luận rằng glyphosate rất an toàn để sử dụng và không hề gây ung thư”.
Ông cũng nhấn mạnh về Nghiên cứu Sức khỏe Nông nghiệp (AHS), một nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu và các sản phẩm có glyphosate đối với người nông dân và vợ hoặc chồng của họ từ năm 1993 đến năm 2013, “nhiều người sử dụng Roundup và các sản phẩm khác có chứa glyphosate (kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường)”.
Bản tóm tắt nghiên cứu cho biết, “không có sự liên quan rõ ràng giữa glyphosate và bất kỳ khối u rắn hay u lympho ác tính nào, kể cả u lympho không Hodgkin”.
Phó chủ tịch Monsanto tiếp tục: “Tất cả chúng ta đều có thể thông cảm với Johnson. Vì người đàn ông này đang tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình. Nhưng rất tiếc Glyphosate không phải là câu trả lời mà anh ấy cần”.
Trước những phát ngôn này, luật sư của Johnson nói rằng vấn đề trọng tâm trong việc gây ra căn bệnh ung thư không phải là glyphosate mà là Roundup. Ông cho biết, sản phẩm này chứa glyphosate và nhiều thành phần khác đã gây ra một hiệu ứng liên hợp. Đó mới chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh chết người.
Nhưng bà Charla Lord – phát ngôn viên của Monsanto tranh luận rằng, các cơ quan quản lý đã cho thấy Roundup an toàn như thế nào: “Sự an toàn của thuốc trừ sâu được thể hiện qua thành phần công thức in trên nhãn. Nó đã được cơ quan quản lý nhà nước kiểm nghiệm và phê duyệt trước khi bán ra thị trường”.
Đáp trả lại lời của người phát ngôn viên, luật sư Litzenburg khẳng định phán quyết vào hôm 10/8 nên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho EPA.
Trong lịch sử nông nghiệp, chưa có một chất diệt cỏ nào được áp dụng rộng rãi như glyphosate ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các nghiên cứu y tế liên quan tới ảnh hưởng của nó lên sức khỏe con người cũng như môi trường lại thiếu minh bạch, dưới lí do liên quan tới bản quyền của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là Monsanto.
Trước tình hình này, một loạt quốc gia Châu Âu đã xem xét cấm hoàn toàn việc sử dụng glyphosate trong nông nghiệp, bắt đầu từ Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà lan. Ngày 27/2 vừa qua, Hà Lan, Thụy Điển cùng Pháp mạnh mẽ chống lại việc tái cấp phép sử dụng thuốc diệt cỏ chứa glyphosate tại Châu Âu.
“Chúng tôi sẽ không mạo hiểm tính mạng của người dân với những rủi ro đến từ glyphosate. Và chúng tôi không nghĩ rằng các kết quả phân tích hiện nay đã đầy đủ. Thụy Điển sẽ không bỏ phiếu thuận cho đến khi có nghiên cứu sâu hơn và các nhà khoa học của Ủy ban An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) cần phải minh bạch hơn trong các nghiên cứu của họ“, Bộ trưởng Môi trường Thụy Điển Åsa Romson phát biểu.
Ông Johnson phải chứng minh điều gì trước tòa?
Mặc dù không thể chứng minh được Roundup gây ra căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của ông Johnson, nhưng cũng không thể để cho Monsanto khẳng định chắc chắn không gây ra bệnh ung thư.
Luật sư Litzenburg nói: “Ung thư là một trường hợp đặc biệt mà rất khó thử nghiệm. Cũng như bạn không thể chụp X-quang sinh thiết ung thư, rồi sau đó quay trở lại truy xuất nguyên nhân gây ra căn bệnh này”.
Trong trường hợp này, Monsanto không cần phải chứng minh bất kỳ một điều gì. Bởi việc đó sẽ được nguyên đơn là Johnson thực hiện. Nhưng điều đó không có nghĩa là luật sư của Johnson phải chứng minh thuốc trừ sâu Roundup là nguyên nhân duy nhất gây ra căn bệnh ung thư. Thay vào đó tất cả những gì họ phải làm là chứng minh rằng liệu Roundup có phải là yếu tố góp phần đáng kể trong việc gây ra căn bệnh ung thư của ông hay không.
Bà Lord nói: “Theo luật pháp California, điều đó có nghĩa là căn bệnh ung thư của ông Johnson có thể không phải là do sự tiếp xúc của ông đối với Roundup”.
Bà cũng nhấn mạnh rằng có khả năng căn bệnh ung thư của Johnson bắt nguồn từ một nguyên nhân khác, mà không hề liên quan đến Roundup.
Theo hiệp hội ung thư Mỹ, phần lớn các trường hợp ung thư hạch là vô căn, có nghĩa là nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ.
Luật sư của Johnson cũng đồng ý rằng hầu hết các trường hợp ung thư không Hodgkin thường không liên quan đến một lý do chính trong quá khứ. Nhưng ông nói mọi thứ đang bắt đầu biến đổi, tương tự như trường hợp mà con người phải mất đến hàng thập kỷ để nhận ra thuốc lá có thể là một yếu tố góp phần quan trọng gây ra căn bệnh ung thư phổi.
Hàng nghìn trường hợp cần theo dõi
Luật sư Litzenburg cho biết, ông và các luật sư khác đang có hơn 4.000 trường hợp tương tự đang chờ xét xử tại các tòa án khác nhau ở nhiều tiểu bang.
Ông ước tính có khoảng 400 trường hợp được đệ trình trong vụ kiện tranh chấp liên khu vực. Trong đó, tranh chấp liên khu vực (MDL – multidistrict litigation) tương tự như một vụ kiện tập thể vì nó được hợp nhất các thủ tục trước khi xét xử nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng không giống hoàn toàn với một vụ kiện tập thể, bởi mọi trường hợp trong tranh chấp liên khu vực đều được thử nghiệm riêng.
Luật sư nói rằng: Chưa có thời gian cụ thể được ấn định cho việc tiến hành các thử nghiệm tranh chấp liên khu vực. Vì vậy, lợi thế lớn khi nộp đơn tại tòa án tiểu bang thay vì thông qua tranh chấp liên khu vực là các tòa án tiểu bang sẽ đưa ra kết luận nhanh hơn. Đây là điều vô giá đối với những bệnh nhân mắc bệnh nan y.
Litzenburg còn nói rằng: Phán quyết vào hôm 10/8 của tòa án là một phán quyết lịch sử, nhất là khi Roundup là một trong những loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
Ông khẳng định: “Đây là một chiến thắng vẻ vang cho sức khỏe con người trên toàn thế giới!”.
>>> Ấn Độ cắt mọi tài trợ của Quỹ Gates sau nghi vấn thử nghiệm vắc-xin trái phép
>>> Các công ty dược phẩm thách thức lệnh giảm giá thuốc của Tổng thống Trump
Tú Văn, theo CNN