Phẫn nộ cảnh đánh bạc trên mạng sống người bệnh
Dư luận Đài Loan đang dậy sóng sau khi một bài viết phanh phui thú vui cá cược về thời điểm các bệnh nhân ung thư sẽ qua đời trong tương lai.
Cảnh sát Đài Loan vừa mở cuộc điều tra sau bài báo đăng trên tạp chí Next phanh phui những phi vụ cá cược hàng chục triệu đô la về ngày chết (ngày, giờ, chết trong vòng bao nhiêu tháng…) của các bệnh nhân ung thư.
Thật kinh hãi và tàn nhẫn khi biết đây là một “xu hướng” đánh bạc mới trên con phố Tây Shijia (Đài Trung, Đài Loan).
Tổ chức phi Chính phủ trá hình
Cuộc điều tra nói trên được phát động ngay sau khi tạp chí Next có trụ sở tại thành phố Đài Bắc đưa tin, hơn 60 “câu lạc bộ người cao tuổi” đã được mở ra trên một con phố sầm uất nằm ở trung tâm thành phố Đài Trung.
Những tụ điểm này hoạt động dưới danh nghĩa là các tổ chức phi chính phủ, chuyên làm từ thiện, giúp đỡ những người già yếu bệnh tật. Nhưng đây thực chất chỉ là vỏ bọc mà các “nhà cái” ngụy trang để dễ bề tổ chức các hoạt động kinh doanh đỏ đen kinh hãi và phi đạo đức.
Tạp chí Next cũng cho biết, nếu chỉ nhìn từ bảng hiệu và những bài trí bên ngoài, khó có thể biết được đâu là điểm đến cho những tay mê cá cược với mạng sống của những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Những trò đỏ đen phi đạo đức này lên tới 1 tỉ 42,3 Đài tệ (tương đương hàng triệu USD).
Theo tờ Next, hình thức cá độ này thu hút không chỉ những tay cờ bạc chuyên nghiệp mà ngay cả các bác sỹ, y tá, gia đình các bệnh nhân hay thậm chí là nhân viên bảo vệ tại các bệnh viện cũng tham gia hòng kiếm chác trên sinh mạng của những bệnh nhân đã “gần đất xa trời” đáng thương.
Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân đang chết dần chết mòn tại các bệnh viện ở Đài Trung mỗi ngày thức dậy đều thấy xung quanh mình không chỉ có người thân mà còn có nhiều người lạ khác.
Những người này cũng tỏ ra quan tâm, cũng dò hỏi sức khỏe người bệnh nhưng thực chất là để kiểm tra xem bao giờ họ sẽ chết. Phía bên ngoài hành lang bệnh viện là những tiếng thì thầm xem bao giờ họ “sẽ được trả tiền” hay những câu đại loại như “vụ này sắp khép lại rồi”.
Theo báo cáo, “nhà cái” đều đã xin phép gia đình các bệnh nhân cho được thực hiện việc cá cược trên mạng sống của người thân mình. Đổi lại, họ sẽ cho người nhà bệnh nhân một khoản tiền hỗ trợ mai táng khi người bệnh qua đời.
Trong một số trường hợp, gia đình của các bệnh nhân cũng được tặng những khoản tiền hậu hĩnh vì đã yêu cầu các bác sỹ áp dụng các phương pháp điều trị nhằm kéo dài sự sống cho người thân của mình.
Đối với những bệnh nhân ung thư, nhất là đã ở giai đoạn cuối thì nguy cơ tử vong là rất cao. Tính mạng của họ thường chỉ có tính theo ngày, giờ. “Nhà cái” ăn theo hên xui mà cũng kiếm lời kha khá.
Còn người nhà bệnh nhân nghĩ: Thôi thì sớm hay muộn người bệnh cũng mất, thà một phen cá cược lấy chút tiền về lo ma chay.
Sự chấp chới tính mạng của những bệnh nhân ung thư vô tình lại trở thành đường “phất” của nhiều người, khiến cho phong trào này phát triển đến độ trên một con đường ở Đài Trung có hơn 10 trạm cá cược và bây giờ đường này được gọi là “phố cờ bạc về cái chết”.
Những phi vụ cá cược nhẫn tâm
Theo quy định dân chơi tự đặt ra, những “con bạc” khi tham gia đặt cược sẽ phải nộp số tiền tối thiểu là 2.000 Đài tệ (tương đương 70 USD). Trong mỗi phi vụ cá cược, “nhà cái” sẽ đến thăm các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đến mức nằm liệt giường.
Mục đích của “nhà cái” là tự tiến hành một loạt các khảo sát cơ bản trước khi quyết định có mở một phi vụ cá cược một cách tàn nhẫn hay không. Khi đã quyết định sẽ mở cuộc chơi, “nhà cái” sẽ đưa các “con bạc” đến để “khảo sát” bệnh nhân thêm một lần nữa, để họ đưa ra quyết định có tham gia hay không.
Thông thường, “con bạc” đồng ý tham gia cuộc chơi. Có vụ cá cược, tính chắc chắn sẽ thắng, nhiều “con bạc” khát tiền thậm chí đã đặt đến 350.000 USD.
Nếu bệnh nhân này qua đời trong vòng 1 tháng sau khi việc đặt cược diễn ra, nhà cái sẽ được thu toàn bộ số tiền mà người chơi đã đặt cược.
Ngược lại, nếu bệnh nhân có thể sống được từ 1 – 6 tháng, số tiền sẽ tăng lên gấp 3 lần tiền gốc. Nếu bệnh nhân sống được quá 6 tháng hay chiến thắng được bệnh tật thì sẽ không có bên nào được nhận tiền.
Thậm chí táng tậm lương tâm hơn khi cả người nhà bệnh nhân và bác sĩ cũng được quyền tham gia đường dây này. Mỗi gia đình sẽ nhận được 10% tổng số tiền thắng cược nếu chấp nhận để người thân của họ trở thành đối tượng đặt cược.
Các bác sĩ cũng sẽ được số phần trăm tương tự để đưa ra các thông tin tư vấn về bệnh tình của bệnh nhân.
Phóng viên Đài Loan đã đi theo đoàn cá cược đến một gia đình có bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối. Người phụ nữ già đã bị sốc khi nghe những người cá cược bàn luận về cái chết của bà ngay trước mặt, trước sự chứng kiến của những người thân trong gia đình.
Khi đài truyền hình địa phương liên lạc với một thành viên trong các tổ chức đáng nghi nói trên, lập tức nhận được phản ứng rất dữ dội. Người này khẳng định tổ chức của họ chỉ giúp đỡ những gia đình khó khăn trang trải cho các đám tang.
Cần sớm điều tra, xử lý
Trên thực tế, hình thức cá cược cuộc sống của bệnh nhân ung thư trước đó đã từng xuất hiện ở Anh vào năm 2007. Có nhiều ý kiến cho rằng, “xu hướng” cờ bạc mới ở Đài Loan hiện nay rất có thể biến tướng từ vụ thắng cược của ông Jon Matthews, 59 tuổi, bị ung thư giai đoạn cuối. Để thách thức chẩn đoán của bác sỹ rằng ông sẽ mất trong năm 2007, ông Matthews đã đặt cược với độ chênh lệch là 50/1 với William Hill – một doanh nhân.
Matthews cược ông sẽ sống đến tận 1-2008. Kết quả, ông đã thắng 5.000 bảng Anh. Ông cũng cược thêm một lần nữa với cùng số tiền và độ chênh lệch giống như lần trước rằng ông sẽ sống đến 1/6 năm nay.
Thật tuyệt vời, ông lại chiến thắng và đem về số tiền 5.000 bảng nữa. Lần thứ 3 cũng là lần cuối cùng, ông Matthews đã đặt cược với độ chênh lệch là 100/1 rằng ông sẽ sống đến tận ngày 1-6-2010. Ông muốn mọi người hãy chứng kiến ngày ông nhận được thêm 10.000 bảng nữa.
Ông Matthews cho biết, số tiền chiến thắng sẽ được ông quyên góp để làm từ thiện, trong đó có một phần dành cho tổ chức từ thiện Macmillan của những người bị ung thư.
“Tôi biết cuối cùng thì mình cũng phải chết. Tôi thật sự không dùng được số tiền đó phục vụ cho bản thân. Vì vậy, tôi nghĩ mình nên dùng nó vào những việc có ích cho người khác”.
Còn ông William Hill, người “bị thua” nói: “Trong 30 năm làm kinh doanh, chưa bao giờ tôi phải trả ai tiền cá cược lên đến 10.000 bảng 1 năm và “hứa hẹn” tiếp tục trả thêm 10.000 bảng cho năm tiếp theo”.
Cá độ dựa trên tính mạng của những bệnh nhân ung thư, những con người đã và đang phải hứng chịu đủ mọi đau khổ cả về thể xác và tinh thần đang được cho là hành vi thiếu đạo đức.
Truyền thông Đài Loan không cho biết hình thức cờ bạc này ra đời từ bao giờ nhưng nói rằng, ngành công nghiệp ngầm này hiện có giá trị lên đến hơn 30 triệu USD. Sở Y Tế Đài Trung cho biết cảnh sát hiện đang vào cuộc điều tra vấn đề này.
theo vtc