Tìm thấy hệ thống thủy lợi niên đại hơn 5.000 năm ở Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu đã khám phá được một hệ thống thủy lực khổng lồ có niên đại 5.100 năm, thuộc về những người cổ đại sống trong vùng đồng bằng sông Dương Tử. Đây được cho là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất và lâu đời nhất trên hành tinh.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện một trong những dự án quản lý nước lớn và lâu đời nhất trên thế giới, nằm trên bờ biển phía đông Trung Quốc.
Trong bài báo đăng trên trang PNAS, trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, nhóm các nhà nghiên cứu đã mô tả phát hiện của mình và so sánh với nhiều hệ thống quản lý nước khác nhau trong thế giới cổ đại.
Hơn 5.000 năm trước, người dân sống ở đồng bằng quanh sông Dương Tử dường như đã rất chật vật vì những trận lũ lụt phá hoại mùa màng hàng năm. Do đó họ đã bắt tay vào các dự án quản lý dòng nước quy mô nhất thế giới cổ đại. Họ đào kênh, đắp đập trên diện tích khoảng 10.000 hecta một cách bài bản để phục vụ cho các nhu cầu thủy lợi.
Các nhà nghiên cứu đã mất 4 năm để khám phá hệ thống dẫn nước khổng lồ này, theo nhiều chuyên gia đây là một phần của nền văn minh Lương Chử cổ đại.
Người lao động khi đó đã mất rất nhiều năm làm việc để đào các kênh dẫn nước, xây đập và thậm chí thiết lập một hệ thống kiểm soát dòng chảy. Thành quả thu được là một hệ thống thủy lực có thể ngăn ngừa lũ lụt và tưới tiêu mùa màng trong những đợt hạn hán nhờ lượng nước mưa được trữ sẵn trong các hồ chứa lớn.
Họ cũng đào một số kênh lớn cho phép tàu thuyền vận chuyển người và nguyên vật liệu vào khu vực. Đây là một hệ thống rất phức tạp, các chuyên gia ước tính có khoảng 3.000 người làm việc trong 8 năm để xây dựng một trong những con đập lớn nhất, và trong suốt quá trình này họ đã phải di dời khoảng 3,3 triệu mét khối đất.
Trong một bài báo, các nhà nghiên cứu cho biết: “Quy mô cải tạo môi trường ở Lương Chử là chưa từng có trong thời cổ đại”, nó cung cấp thêm cho chúng ta những hiểu biết về nguồn gốc và quá trình phát triển độc lập của một nền văn minh cổ đại.
Văn minh Lương Chử được xác định tồn tại cách đây khoảng 4.300 – 5.300. Điều này đã biến hệ thống thủy lợi của họ trở thành công trình xử lý nước lâu đời nhất trên thế giới. Hệ thống dẫn nước này được đặt ở một vị trí tương đối cô lập, do đó nó có thể chỉ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của một thành phố chứ không phải toàn bộ đế chế.
Ngoài ra, một bằng chứng khác cho thấy, những nỗ lực của người cổ đại cũng không đủ để ngăn chặn một đợt lũ lớn vào 4.200 năm trước. Cơn lũ đã để lại dấu tích là một lớp đất sét dày khoảng 1m. Thảm họa này đã khiến khu dân cư sụp đổ. Những người sốt sót đã di cư đến nơi khác.
Dù vậy, việc cách đây 5.000 các cư dân cổ đại Trung Quốc có thể “địa khai hóa” trên một diện tích hơn 10.000 hecta đã trở thành một thông tin khảo cổ vô cùng thú vị.
>>> Truyền thuyết Đại Vũ trị thủy: Sức người không đủ, cần phải có trợ giúp của Thần linh
Hoàng An