Giảm áp lực cho con, phụ huynh Trung Quốc chuộng trường tư
Bà Feng, có con trai 10 tuổi, cho biết con trai bà không thể thích ứng với cách quản lý nghiêm khắc của các trường công lập.
“Con trai tôi bị yêu cầu không được xếp hàng sai trong buổi học giáo dục thể chất và ăn hết suất cơm ở trường công lập, và nó không thể phù hợp với những quy định như thế này”, bà Feng nói.
Một năm rưỡi trước đây, bà mẹ này bắt đầu cho con trai tới học ở Ririxin, một trường tư thục ở ngoại ô Bắc Kinh.
“Trường Ririxin thu hút tôi bởi vì nó tạo điều kiện cho cho tính cách riêng của trẻ con phát triển”, bà Feng. Bây giờ con trai bà cảm thấy thoải mái hơn và giao tiếp dễ dàng hơn với các bạn học khác.
Bà Feng tin rằng tình trạng cảm xúc và tính cách tốt là điều rất quan trọng cho tương lai của đứa trẻ.
Được thành lập năm 2006, Trường tư thục Ririxin ngày càng phát triển nhờ sự ủng hộ của bà Feng và những phụ huynh khác. Từ một trường tư thục do một số phụ huynh bảo trợ, hiện nay Trường Ririxin có 26 giáo viên và hơn 100 học sinh.
Học sinh tại Trường Ririxin, gồm hơn chục học sinh tiểu học và còn lại là học sinh mầm non, học những môn như Văn học, Toán, Nghệ thuật, Âm nhạc, Viết chữ, thể thao và thực hành xã hội.
Sách giáo khoa của những môn học lớn như Tiếng Trung và Toán cũng giống như sách của các trường công lập khác.
“Sự khác biệt nằm ở cách giảng dạy và cách học”, Zhang Dongqing, một trong những nhà sáng lập và là phó giám đốc Trường Ririxin, cho biết. “Với không khí thoải mái hơn và tổ chức ít kỳ thi hơn, chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy một cách thức tự nhiên trong việc giảng dạy”, bà Zhang nói và khẳng định trường mình ủng hộ việc theo đuổi tình yêu, vẻ đẹp, sự khôn ngoan và tự do.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Trung Quốc về Giáo dục Phi chính phủ cho thấy năm 2009, hơn 31,5 triệu học sinh Trung Quốc theo học tại 106.500 trường tư thục các cấp độ. Trong khi đó, tổng số học sinh theo học các trường ở Trung Quốc là 250 triệu em.
Theo Tân Hoa Xã, chất lượng của giáo dục ở các trường tư thục là một trong những mối băn khoăn lớn của hầu hết các bậc phụ huynh và nhà giáo dục ở Trung Quốc khi đất nước này vẫn theo đuổi một hệ thống giáo dục theo định hướng thi cử.
“Học sinh các trường tiểu học tư thục như Trường Ririxin sẽ vẫn phải dự kỳ thi tốt nghiệp cấp ba và tuyển sinh đại học”, Zhang Meiling, một chuyên gia về giáo dục tiểu học ở Viện Tâm lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, khẳng định.
Bà Zhang Meiling cho biết các trường tư thục vì vậy sẽ vẫn phải cung cấp các khóa học do nhà nước quy định là những môn học bắt buộc để chuẩn bị cho các em học lên cao hơn.
Đối mặt với hệ thống giáo dục có định hướng thi cử, giáo dục tư thục ở Trung Quốc chỉ có thể làm được các việc là giảm sức ép cho những học sinh bị quá tải bởi học hành.
Trong khi đó, hầu hết các học sinh ở Trung Quốc vẫn phải oằn mình gánh lượng bài tập quá mức. Các em phải học thêm nhiều giờ trong những ngày học chính trong tuần và tiếp tục lên lớp vào cuối tuần và những ngày nghỉ.
Hai học sinh ở tỉnh An Huy, Trung Quốc tranh thủ làm bài tập trong khi chờ xe buýt. Gánh nặng bài tập khiến học sinh Trung Quốc phải tận dụng thời gian mọi lúc mọi nơi để làm bài tập. (Ảnh: CFP)
Một báo cáo mới đây cho thấy khoảng 80% học sinh tiểu học và cấp hai ở Trung Quốc không ngủ đủ, các em chỉ được ngủ trung bình dưới 8 tiếng/ngày, kể cả ngày cuối tuần.
Bài tập chồng chất, thói quen học tập không hiệu quả và phải mất thời gian di chuyển từ nhà đến trường là những nguyên nhân khiến học sinh Trung Quốc không được ngủ đủ.
Trước các lời chỉ trích về gánh nặng học hành của trẻ em, tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch giáo dục quốc gia trong 10 năm từ năm 2010 đến năm 2020, trong đó cam kết xây dựng một cơ cấu kiểm soát việc giao bài tập cho học sinh nhằm làm giảm áp lực cho học sinh tiểu học và cấp 2.
Xuân Vũ
TheoTân Hoa Xã