Clip cảnh báo của người Nhật về nạn “cá thủy ngân” hủy hoại thần kinh con người
Cách đây khoảng 60 năm, Nhật Bản đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp như Việt Nam hiện nay. Nước Nhật tập trung vào phát triển kinh tế mà không chú trọng đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và đã để lại những hậu quả tàn khốc cho sức khỏe người dân xung quanh nhà máy.
Trong những ngày qua, dư luận cả nước rất quan tâm đến sự kiện cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Huế. Nhiều luồng ý kiến cho rằng nước thải từ Khu công nghiệp Vũng Án của công ty Formosa là “thủ phạm” giết cá hàng loạt. Mặc dù các cơ quan chức năng hiện chưa tìm thấy mối liên quan giữa cá chết và nước thải Formosa nhưng việc đẩy mạnh công nghiệp, xây các nhà máy vẫn để lại những hậu quả nhất định tới môi trường và sức khỏe con người. Câu chuyện về căn bệnh lạ ở nước Nhật cách đây 60 năm là bài học không thể quên cho các nhà quản lý hiện nay.
Căn bệnh Minamata gây ám ảnh với nhiều thế hệ người dân Nhật Bản.
Hàng chục năm trước đây, một nhà máy hóa dầu của Chisso được mở ở thành phố Minamata. Trong quá trình hoạt động, sản xuất nhựa tổng hợp, nhà máy này đã bắt đầu xả nước thải độc hại, có chứa nhiều thủy ngân ra biển. Thủy ngân là kim loại nặng và rất độc. Thủy ngân đã làm ô nhiễm trầm trọng môi trường tự nhiên, làm cá chết hàng loạt – gấp 500.000 lần mức cho phép thông thường.
Nghiêm trọng hơn, thủy ngân còn khiến người dân quanh khu vực nhà máy trên gặp chứng bệnh lạ (gọi là bệnh Minamata). Căn bệnh này tàn phá hệ thần kinh trung ương khiến người bệnh co giật, mất xúc giác, bị liệt và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi.
140 nước trong đó có Việt Nam đã ký kết Công ước Minamata của Liên Hiệp Quốc nhằm hạn chế lượng thủy ngân thải ra môi trường. Theo đó, các nước tham gia công ước trên có 15 năm để loại bỏ hẳn thủy ngân ra khỏi các hoạt động khai khoáng.
Việc phát triển công nghiệp là cần thiết nhưng phải đi cùng với các biện pháp đảm bảo môi trường tự nhiên, hạn chế tối đa tác hại của việc ô nhiễm từ các khu công nghiệp.
Câu nói “chọn cá, tôm hay chọn nhà máy” của cựu GĐ đối ngoại Formosa nếu xét về bản chất thì đó không phải là lời thách thức mà đã đặt ra trăn trở về bài toán phát triển kinh tế bền vững đi cùng với bảo vệ môi trường. Việt Nam bước vào thời kỳ tập trung công nghiệp muộn hơn các nước phát triển cũng là lợi thế lớn khi chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm bảo vệ môi trường từ chính các nước bạn.
Theo vntinnhanh.vn