Vùng đất của xác ướp và những người tự chặt tay mình
Người Dani không chỉ được biết đến với tập tục ướp xác hàng trăm năm, mà còn là những nghi thức hiến sinh, hành xác rất đau đớn, cắt lìa một phần thân thể người còn sống để bày tỏ lòng thành với tổ tiên, người đã mất…
Xác ướp hoàn toàn không được bảo quản bằng bất cứ loại hóa chất nào nhưng vẫn còn nguyên vẹn ngay cả trong môi trường ẩm thấp ở Irian Jaya suốt 250 năm. |
Trong những ngày cùng săn bắt, cùng hái lượm, cùng sinh sống trong lòng bộ tộc Dani ở thung lũng Baliem, chúng tôi ngày càng trở nên thân thiện hơn với những chiến binh Dani. Trong một ngày trời u ám, khi thấy tù trưởng Wimitok Mabe ngồi trầm ngâm trước căn nhà honai, chúng tôi bước lại gần. Tù trưởng Mabe nhìn chúng tôi hồi lâu rồi cất tiếng: “Này, những người bạn Việt Nam kia, có muốn xem báu vật của người Dani không?” Tất cả chúng tôi đều sững sờ và chỉ biết gật đầu.
Xác ướp 250 năm tuổi
Tù trưởng đứng dậy và ra hiệu cho chúng tôi đứng chờ trước căn nhà honai ẩm thấp, tối mù. Mabe gọi căn nhà này là nhà thiêng, đây là căn nhà mà người dẫn đường luôn căn dặn chúng tôi không được bước vào nếu không có sự cho phép của tù trưởng.
Chúng tôi dõi theo tù trưởng Mabe bước sâu vào bên trong, giây lát sau ông mang ra một vật đen bóng, ban đầu chúng tôi không thể nhận ra đó là gì. Đến khi tù trưởng đưa ra ánh sáng nơi khung cửa, chúng tôi mới bàng hoàng nhận ra đó là một xác ướp!
Tù trưởng đặt xác ướp một cách trân trọng lên một bệ gỗ trước căn honai và từ tốn cho biết: “Đây là xác ướp vị tộc trưởng của chúng tôi, ông ấy mất cách đây đã 250 năm. Ông là người anh hùng của bộ tộc, từng lãnh đạo dân làng chiến đấu chống kẻ thù trong những cuộc săn đầu người đẫm máu để tranh giành vùng đất Mumi này. Khi ông chết, thi thể ông được ướp khô để bộ tộc luôn tưởng nhớ công lao của ông”.
Theo tù trưởng Mabe, người Dani khi mất đi họ có nhiều cách để an táng người đã khuất, thông thường là đem thiêu, hoặc bỏ xác vào một chiếc hòm rồi đặt sau ngôi nhà truyền thống honai. Duy chỉ có những tộc trưởng Dani oai hùng mới được ướp xác. Bởi thế, dù có rất nhiều vị tù trưởng ở các làng trong bộ tộc Dani, nhưng đến nay mới chỉ có bốn xác ướp được phát hiện.
Lưu giữ xác ướp là niềm tự hào và trách nhiệm cao cả của tù trưởng Mabe. |
Khi vào những ngày cuối đời, vị tù trưởng sẽ chỉ định ai là người kế vị, và người đó cũng là người duy nhất nhận trách nhiệm ướp xác tù trưởng. Tù trưởng Mabe cho biết thêm, sau khi qua đời, thi thể của vị tù trưởng đáng kính kia được tắm rửa bằng nước thiêng lấy từ hồ muối trên đỉnh núi Anemogi. Sau đó thi hài ông được hun trong ngôi nhà honai ở tư thế ngồi bó gối vẫn “mặc” nguyên chiếc koteka, tay cầm chiếc rìu đá, cổ và đầu mang những vòng trang sức đan từ dây rừng.
Trong khi hun, thi hài của vị tù trưởng sẽ được khoét một lỗ ở phần lưng hông để nội tạng, chất lỏng và mỡ chảy ra. Việc hun xác kéo dài từ một đến ba tháng và chỉ kết thúc khi thi hài của tù trưởng đã thực sự khô. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, người kế vị được vợ phục vụ những bữa ăn hàng ngày nhưng bị cấm tuyệt đối việc gần gũi phụ nữ.
Mỗi năm, vào các dịp lễ tế, tù trưởng phải cúng tế heo mới được mang xác ướp ra để dân làng chiêm ngưỡng. Họ cột những chiếc vòng cổ cầu xin may mắn cho cả làng.
Những bàn tay thiếu ngón
Tại ngôi làng này, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy khá nhiều phụ nữ bị thiếu những lóng tay, có người mất lóng cả bàn tay…
Bà Mereka, một người phụ nữ Dani xoè cả hai bàn tay nay chỉ còn lại bốn ngón, bà kể chúng tôi nghe tập tục kỳ lạ và đau đớn của những người phụ nữ Dani: “Một người thân trong gia đình mất đi, tất cả những người phụ nữ trong gia đình sẽ bôi bùn lên người và mặt để chịu tang, sau đó chúng tôi sẽ biểu lộ sự mất mát bằng việc cắt đi một hoặc hai đốt ngón tay. Nếu những người thân mất đi mà số đốt tay không đủ để cắt bỏ, phần thân thể kế tiếp sẽ là vành tai, mũi. Đó là cách rõ ràng nhất để chứng minh tình yêu thương của chúng tôi với người đã khuất”.
Khi mỗi người thân trong gia đình mất đi, phụ nữ Dani lại cắt một lóng tay để tỏ lòng đau xót. |
Bà Mereka kể lại cho chúng tôi nghe về trải nghiệm đau đớn của chính mình: “Việc cắt ngón tay diễn ra phải hết sức kín đáo, không được phép cho ai biết, chúng tôi dùng rìu đá mài nhọn đến một nơi thanh vắng, chặt cho đốt xương ngón tay giập đi. Sau đó, về lại làng, người làng nhìn thấy ngón tay bị giập sẽ tụ tập lại, dùng xương ống chân của chim caswari, một loài chim lớn như đà điểu mài bén, giúp sức cắt lìa đốt ngón tay đã bị giập xương, sau đó bó lại bằng lá rừng cho đến khi vết thương lành hẳn”. Khi chúng tôi hỏi có phương pháp nào giảm đau không? Bà Mereka hỏi lại: “Giảm đau là cái gì? Rất đau, nhưng chúng tôi phải làm thôi!”
Mặc cho vết cắt nhiễm trùng, sưng tấy gây đau đớn, thậm chí gây hoại tử, chết người, nhưng những người phụ nữ vẫn ngày ngày vào rừng săn bắt, hái lượm tìm cái ăn. Họ tự lý giải rằng, chẳng có nỗi buồn nào hơn mất đi một người thân, việc cắt lìa ngón tay dù rất đau đớn nhưng nó cũng làm cho người ta quên bớt đi “vết thương” sâu đậm trong tim.
Trên đường từ Wesalep về Wamerek, đồng hành với chúng tôi trong đường rừng là già Jetsin. Ông vừa mới cắt một đốt ngón trỏ vì người con trai lớn qua đời. Ông Jetsin nói: “Vết thương càng đau đớn bao nhiêu, người thân của tôi sẽ thấu hiểu và phù hộ cho tôi cùng gia đình…”
Chúng tôi hiểu rằng, giữa chốn đại ngàn bao la, chỉ có sức mạnh của tinh thần mới làm cho con người vượt qua những khó khăn, đau đớn của thể xác. Những ngày lặn lội trong rừng sâu, câu chuyện về tập tục cắt tay kỳ lạ của người Dani càng thôi thúc chúng tôi can đảm hơn, dấn thân vào hành trình đi tìm những bí ẩn của nhiều bộ tộc đang sống trong một thế giới hoang dã khác…
Theo Lam Phong – Hoài Nam (SGTT)