Những di ngôn trước khi chết nổi tiếng trong lịch sử (Phần 4)
Những câu chuyện và di ngôn trước khi chết của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đã được cẩn thận ghi chép lại. Cho đến nay, những di ngôn ấy vẫn khiến người đời không khỏi cảm động.
Đàn Đạo Tế (? —436 )
“Nếu Đạo Tế này chết thì bọn người ở Giang Nam này không còn lo sợ gì nữa chăng?《Tống thư: Đàn Đạo Tế liệt truyện》
Đàn Đạo Tế là tướng nhà Lưu Tống trong lịch sử Trung Quốc, ông là tác giả của bộ sách “Ba mươi sáu kế”. Đàn Đạo Tế là người có công lớn giúp Tống Vũ đế Lưu Dụ lập ra nhà Lưu Tống. Tuy nhiên thời sau khi Lưu Dụ chết, ông bị các trọng thần trong triều ghen ghét hãm hại, và bị giết vào năm 436.
Đàn Đạo Tế mồ côi cha từ thuở nhỏ. Ông rất coi trọng lễ nghĩa với các anh, chị trong nhà nên thường được mọi người khen ngợi.
Cuối thời Đông Tấn, giặc giã nổi lên nhiều. Đàn Đạo Tế đi theo Lưu Dụ chiến đấu. Nhờ dũng cảm lập công, ông được phong chức Tham quân thái úy.
Năm 416, Lưu Dụ dẫn quân đánh nước Hậu Tần phía bắc. Đạo Tế được cử đi tiên phong. Quân Tấn đánh mấy trận đều thắng, Đạo Tế tiến thẳng tới Lạc Dương, bắt được nhiều tù binh. Khi ấy có người cho rằng nên chém hết tù binh bắt được để thị uy, nhưng Đạo Tế không đồng tình, ông cho rằng:
“Đi đánh kẻ có tội, vỗ về dân chúng – chính là lúc này”
Rồi ông ra lệnh thả hết tù binh về nhà. Do đó dân chúng trung nguyên rất cảm phục ông, số người đến quy phục ngày càng nhiều.
Lưu Dụ kéo đại quân đánh thắng tiêu diệt Hậu Tần. Đạo Tế cùng Lưu Dụ tiến vào kinh đô Hậu Tần là Tràng An.
Nhờ công lao chinh phục phương Bắc, ông được phong làm Nội sử Lang nha, sau đó lại được phong làm hộ quân tướng quân.
Năm 420, Lưu Dụ giành ngôi nhà Tấn, lập ra nhà Lưu Tống, Đàn Đạo Tế trở thành tướng nhà Tống.
Sau thời Tống Vũ đế Lưu Dụ, vào thời vua Tống mới là Tống Văn đế, do uy tín của Đạo Tế rất cao, nên bị các quan trong triều ghen ghét. Khi Tống Văn đế ốm liệt giường khá lâu, các tướng khác sợ Đàn Đạo Tế sẽ khởi loạn khi vua mất, bèn triệu ông về kinh. Vợ ông là Hướng thị khuyên ông không nên về vì nhiều nguy hiểm, nhưng Đạo Tế vẫn về triều.
Đầu năm 436, Đàn Đạo Tế về tới kinh thành. Bệnh tình Tống Văn đế thêm nặng, đại thần Nghị Khảng giả tờ chiếu triệu ông đến Tổ Đạo. Khi ông tới nơi thì thấy các con mình đều bị bắt giữ và bị bãi hết quan chức. Khi biết mình bị mang ra chém, Đàn Đạo Tế vô cùng tức giận, mắt như đổ lửa, ông bỏ mũ ném xuống đất và nói:
“Nếu Đạo Tế này chết thì bọn người ở Giang Nam này không còn lo sợ gì nữa chăng?”.
Rồi sau đó ông cùng các con bị chém.
Tới năm 451, vua Bắc Ngụy là Thái Vũ đế lại mang quân nam tiến, liên tiếp đánh bại quân Tống. Lúc này Tống Văn đế hỏi xem ai có thể thay thế Đàn Đạo Tế ra chống giặc, Ân Cảnh Nhân nói:
“Đạo Tế nhiều lần lập đại công nên mới có được uy danh lớn như vậy, những người khác không thể đảm nhiệm được”.
Vua Tống đứng trên đỉnh thành dõi nhìn ra xa, thấy cảnh quân Ngụy tiến đến bèn than rằng:
“Nếu còn Đạo Tế thì sao có cảnh như ngày nay!”
Tuy nhiên sau đó vua Bắc Ngụy chỉ cướp lấy dân mang về bắc mà không vượt Trường Giang nên nhà Lưu Tống vô sự.
Tô Thức (1037—1101)
“Thế giới Tây phương không phải là không có, gắng sức để đến đó là sai rồi”. 《Đông Pha kỷ niên lục》
Tô Thức, còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
Năm 1071, trên đường Đông Pha rời kinh đi Hàng Châu, ông làm được rất nhiều bài thơ. Ông ghé thăm người em là Tử Do (đang làm chức giáo thụ) ở Trần Châu, rồi hai anh em đi thăm Âu Dương Tu ở gần đó. Ông cùng vợ con đến Hàng Châu ngày 28/11/1071. Trong suốt thời gian làm quan ở Hàng Châu, ông làm đủ thể loại thơ tả cảnh, tả tình, tả sự đau xót khi thi hành án, thơ trào phúng v.v… Ông làm bạn với các nhà sư, đọc sách Phật và từ đó tu tại gia.
Ngày 28/7/1101 Tô Thức bị bệnh qua đời ở Thường Châu. Lúc ông hấp hối, bạn tốt của ông là Duy Lâm Phương ghé vào tai của ông nói to: “Đoạn mệnh thì tu sĩ đừng quên đến tây phương cực lạc nhé”.
Tô Thức đáp lại: “Thế giới Tây phương không phải là không có, nhưng không đủ sức đến đó”. Người bạn tốt là Tiền Tế Minh cũng ghé vào lỗ tai của ông nói: “Tiên sinh cả đời đã luôn cố gắng, lúc này càng lên cố”, rồi Tô Thức nói câu cuối cùng: “Gắng sức là sai rồi”.
Quả vậy, Phật gia giảng không chấp, tùy duyên. Tô Thức hơn phân nửa đời tâm hướng Phật tu tại gia, dùng câu nói cuối cùng của đời người để biểu đạt lĩnh ngộ của ông đối với Phật Pháp.
Tông Trạch (1060—1128)
“Vượt sông! Vượt sông! Vượt sông!”《Tống sử: Tông Trạch truyện》
Tông Trạch là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất trong cuộc đấu tranh kháng Kim cuối Bắc Tống, đầu Nam Tống, là người có tính cương trực thẳng thắn, hết mình vì dân. Ông là người có công bảo vệ thành công tiền tiêu kháng Kim là Khai Phong, đánh tan đại quân Kim xâm phạm, cứu vãn vương triều Nam Tống.
Trong cuộc đấu tranh kháng Kim vệ quốc, Tông Trạch là người giương cao ngọn cờ đầu, là tấm gương sáng được mọi người noi theo. Ông trạch tuyển quân trữ lương, chiêu mộ hào kiệt Yên, Triệu, chờ ngày vượt sông, nhưng Tống Cao Tông Triệu Cấu lại không phê chuẩn kế hoạch của ông.
Khi Tông Trạch lưu thủ ở Đông Kinh, đã hơn 20 lần dâng tấu lên Tống Cao Tông, nhưng Cao Tông chẳng những cự tuyệt mà còn nghi ngờ Tông Trạch, phái thị vệ mã quân do chỉ huy sứ Quách Tuân làm Đông Kinh phó lưu thủ, nhằm giám sát Tông Trạch, ngăn trở kế hoạch vượt sông của ông. Vì chí lớn không thành, ông đã buồn giận sinh bệnh qua đời.
Trước khi qua đời do quá buồn bực trên lưng mọc rất nhiều mụn nhọt. Chư tướng đến ân cần thăm hỏi bệnh tình, Tông Trạch nhìn chư tướng nói: “Ta bởi vì lo lắng, cơn giận dồn nén nên thành ra như thế này. Các ngươi nếu như có thể tiêu diệt quân địch, thì ta chết cũng không ân hận”. Chư tướng đều chảy nước mắt nói: “Bọn ta sẽ gắng hết sức!”. Sau khi các chư tướng rời đi, Tông Trạch thở dài nói: “Xuất quân chưa chiến thắng đã chết, lệ ướt đẫm vạt áo anh hùng”.
Ngày 12/7/1128, Tông Trạch vào lúc lâm chung, không nói một lời với người nhà, chỉ hô to 3 tiếng “Vượt sông! Vượt sông! Vượt sông!” rồi trút hơi thở cuối cùng.
Lục Du (1125—1210)
Lục Du là quan thời Nam Tống, đồng thời còn là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Lục Du là một người yêu nước nổi tiếng thời Nam Tống, nhưng vì bị phe “chủ hòa” vùi dập, đành gửi gắm mọi tâm sự vào thơ ca. Lòng yêu nước thiết tha là nội dung quán xuyến toàn bộ tác phẩm của ông, từ những bài viết lúc trai trẻ (Lão mã hành, Kim thác dao hành, Thư phẫn,…).
Tháng 11/1207, Sử Di Viễn phát động đảo chính, ký kết “chủ hòa” với nước Kim, Bắc Phạt tuyên cáo hoàn toàn thất bại. Lục Du nghe được tin tức, vô cùng đau buồn, từ đó sinh bệnh. Mùa đông năm 1209, bệnh tình của ông trở nên nghiêm trọng, nằm liệt giường không dậy nổi. Ngày 26/1/1210, Lục Du qua đời, hưởng thọ tám 85 tuổi.
Trước lúc lâm chung, Lục Du lưu lại tuyệt bút 《Thị Nhi》 làm di chúc:
“Chết rồi muôn sự là không,
Buồn vì một nỗi non sông chưa liền.
Ngày nào lấy lại Trung nguyên,
Con ơi! Nhớ khấn gia tiên biết cùng”.
Xem thêm: Những di ngôn trước khi chết nổi tiếng trong lịch sử (Phần 3)
Lê Hiếu, dịch từ secretchina.com