Lợn vai to, mông nở nhờ “thần dược” giết người
Theo nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, lợn sau khi cho ăn “thần dược” sẽ nhanh chóng được “tút” lại vóc dáng, vai to, mông nở. Tuy nhiên, những chất này rất độc và đã bị cấm dùng.
Tình trạng sử dụng tràn lan các chất tăng trọng, hormon sinh trưởng độc hại… trong chăn nuôi heo thời gian qua lại bùng phát trở lại khiến người chăn nuôi và người sử dụng thực phẩm lo ngại.
Vô tư sử dụng chất cấm
Thông tin từ Chi cục Thú y Đồng Nai, đầu tháng 2.2012, Chi cục kiểm tra tồn dư chất cấm trong chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Thống Nhất. Kết quả có 6/6 mẫu dương tính với chất tăng trọng. Trước đó, ngày 16.12.2011, phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cũng phát hiện, bắt giữ một đối tượng vận chuyển 5 kg chất cấm nhãn hiệu Salbutamol Sulphate về địa phương để bán cho người chăn nuôi.
Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) cho biết, người tiêu dùng có thể phát hiện các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có chất cấm bằng mắt thường. Theo đó, các sản phẩm này có màu đỏ sẫm, lớp mỡ mỏng, quầy thịt có nhiều nạc, có mùi kháng sinh… |
Tại TP.HCM, năm 2011, Cơ quan chức năng thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy có đến trên 10% số mẫu nhiễm tồn dư một số loại chất cấm. Tuy nhiên PGS.TS Dương Thanh Liêm, (khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) cho rằng, con số này chưa phản ánh đúng thực tế, số liệu năm trước đó là hơn 30%. Hơn nữa, những đợt kiểm tra sau này đều được cơ quan kiểm tra báo trước nên các cơ sở chăn nuôi, giết mổ có sự chuẩn bị.
Theo ông Hoàng Sơn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, những chất cấm trong chăn nuôi (chất tăng trọng, chất tạo nạc) hiện nay một phần có trong thức ăn gia súc, gia cầm còn phần lớn là do thương lái đem tới các hộ nuôi và ép họ sử dụng.
Bằng cách ra điều kiện, nếu cho ăn chất cấm, thương lái sẽ mua cao hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với lợn nuôi thông thường. Ngược lại, nếu hộ chăn nuôi không sử dụng, thương lái đe dọa không mua hoặc sẽ mua ép giá. Tuy nhiên, với những loại chất tạo nạc cho heo, theo ông Hải, thực chất người chăn nuôi không hề được hưởng lợi về trọng lượng vì quá trình tạo nạc lợn không tăng được trọng lượng, chỉ tạo ảo giác là làm cho bề ngoài heo nở mông, vai, đùi…
“Người nuôi có thể bán được giá hơn khoảng 300.000 đồng/con khi dùng chất cấm nhưng cùng lúc đó, lợnbị giảm trọng ít nhất 5kg/con. Tính ra, nếu trừ tiền mua thuốc và số cân lợn bị giảm sút, người nuôi không hề lời” – ông Hải khẳng định.
Độc hại khôn lường
Tại diễn đàn “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi” do Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tổ chức mới đây, có 158 cơ sở, hộ chăn nuôi tại huyện Thống nhất ký cam kết với cơ quan chức năng và hiệp hội không sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi tại cơ sở. Các hộ này còn tuyên bố sẽ tố giác những người sử dụng chất cấm. |
Theo PGS- TS Dương Thanh Liêm, mục đích việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay chủ yếu là nhằm tăng trọng lượng cơ trên gà, heo, tạo dáng heo đẹp, nhiều nạc… Trong đó có những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nhiều loại hormon giúp vật nuôi tăng trọng nhanh hơn từ 15 – 20%, giảm tiêu tốn thức ăn từ 10-15%…
PGS.TS Liêm cũng cảnh báo, ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động tới tim, mạch… với các triệu ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Ở Trung Quốc trước đây đã sử dụng chất này gây ngộ độc, hàng trăm người phải nhập viện. Với nhóm kích chất kích tố còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, rối loạn nhiều chức năng khác ở đàn ông… Ngoài ra, những bé gái uống sữa của những bò sữa có sử dụng hormon sinh trưởng làm cho vú của chúng tăng trưởng nhanh không bình thường.
Ông Nguyễn Chí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, việc phát hiện hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm rất dễ dàng, với những người chăn nuôi lành nghề có thể nhìn bằng mắt thường và nhận định đúng đến 90%. Tuy nhiên, vấn đề xử phạt hiện rất khó và chưa mạnh tay.
Theo Dân Việt