Tự mình “chọn” bệnh
Nếu là người hay cãi vã, thích gây mâu thuẫn, bạn sẽ kém chịu đựng đối với dịch cúm và cảm lạnh. Nếu hiếu chiến, sống thù địch với cộng đồng, bạn sẽ dễ mắc bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Một khi sống lươn lẹo, lừa dối đồng loại, bạn rất dễ bị chứng mất ngủ, trầm cảm và đau dạ dày hành hạ.
Bệnh tật là biến dạng của tâm lý cá nhân
“Những gì diễn ra trong trí não có ảnh hưởng trực tiếp và không ít trường hợp – tác động tức thì đối với toàn bộ cơ thể, nó lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của chúng ta” -TS. Alice Domar thuộc Viện Nghiên cứu y học thần kinh (Đại học Harvard) khẳng định, ông cho rằng, suy nghĩ và cảm xúc tác động lên tất cả các bộ máy và hệ thống quan trọng nhất của cơ thể con người: hệ thần kinh, hệ miễn dịch, hệ hormon, hệ tim mạch, hệ sinh sản. Trong các loại hậu quả của tình trạng suy nhược thể lực tâm lý hay căng thẳng thần kinh (stress) kéo dài, các nhà khoa học đã liệt kê các bệnh như: viêm khớp, tăng huyết áp, các bệnh về tim, thậm chí ung thư hoặc đột tử. “Tác động của tâm lý, cảm xúc và suy nghĩ không chỉ dẫn đến bệnh tật mà còn có thể dẫn đến tổn thương não cục bộ, làm mất cái gọi là trí nhớ tự thuật, thậm chí còn làm tê liệt toàn bộ hệ thần kinh trung ương” – TS. Domar giảng giải.
Cùng chung quan điểm với TS. Domar, GS. Raymond Niaura thuộc Đại học Harvard cũng cho rằng: Bệnh tật chính là biến dạng của tâm lý cá nhân. Trong một công trình nghiên cứu đối với 774 đấng mày râu nhóm tuổi trên 60, GS. Niaura đã phân tích cả tâm lý, cá tính cũng như tìm hiểu yếu tố nào ảnh hưởng mang tính quyết định đến tình trạng sức khỏe của họ: cách thức ăn uống, trọng lượng cơ thể và hoạt động thể lực, nồng độ cholesterol, insulin, huyết áp để rồi cuối cùng đi đến kết luận rằng: Càng chứng tỏ thù nghịch đối với thế giới, con người càng dễ mắc bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Thậm chí, những người hiếu chiến và sống thù địch với cộng đồng còn hay mắc bệnh mạch vành nhiều hơn so với những người có nồng độ cholesterol trong máu cao, béo phì và tăng huyết áp.
Bực tức – stress tác động xấu đến các bệnh tim mạch…
|
Theo GS. Niaura, ngay cả những cảm xúc tiêu cực như bực tức và giận dỗi cũng tác động bất lợi đối với sức khỏe. Chúng làm loạn nhịp tim và kích thích tuyến yên sản xuất lượng hormon stress nhiều hơn, tạo ra những điều kiện thuận lợi để chứng béo phì, bụng phệ xuất hiện. Chúng thậm chí tác động trực tiếp đến sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch và cơ tim! Điều này cũng được chứng minh trong một nghiên cứu do nữ giáo sư Patricia P.Chang thuộc Đại học John Hopkins ở Baltimor tiến hành đối với 1.000 đấng mày râu từng là sinh viên của trường này trong những năm 1948 – 1964.
Hãy cố gắng sống vô tư!
Muốn né tránh nhồi máu cơ tim, dị ứng, thấp khớp hay những bệnh nguy hiểm khác, sẽ là chưa đủ nếu chỉ thay đổi lối sống, dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể thao. Việc xây dựng thái độ tích cực đối với cuộc sống, bồi dưỡng phát triển những tính cách tốt và hình thành năng lực tự đối phó với stress từ thời thơ ấu đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Y văn thế giới từ những năm 1960 đã xuất hiện thuật ngữ nocebo để mô tả tác hại đối với sức khỏe và bệnh tật của những ý nghĩ bi quan, những thái độ tiêu cực – trái ngược với thuật ngữ placebo – mô tả hiệu quả tích cực đến sức khỏe của những suy nghĩ lạc quan và sự tin tưởng vào một điều gì đó cho dù điều đó không có tác dụng đặc hiệu gì.
Ngay từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, bác sĩ người Đức Gufeland đã cho rằng, mỗi bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi tâm lý, xúc cảm từ chính bản thân mỗi người. Tuy chưa xác định được cụ thể cơ chế tác động của tâm lý, xúc cảm lên bệnh tật nhưng ở thời điểm đó ông đã nhận ra: một tinh thần lạc quan, yêu đời, một thái độ vô tư tin tưởng và những tính cách hướng thiện tốt đẹp có thể giúp con người tránh được, thậm chí là đẩy lùi bệnh tật.
“Con người đứng trước khả năng tự lựa chọn bệnh cho chính mình” – TS. Deepak Chopa – bác sĩ theo trường phái y học Hinđu nổi tiếng ở Mỹ phát biểu. Để giảm bớt nguy cơ mất mát và tổn thương sức khỏe, chúng ta chỉ cần chú ý thay đổi một chút ít tính cách và lối sống của bản thân cũng như mối quan hệ đối với cộng đồng.
Uông Chí Thành (Theo ZET)