Tuyệt chiêu ‘ba cùng’ của dân du lịch bụi
Với những người thích đi du lịch bụi, tiêu chí ăn cùng, ở cùng, làm cùng những người dân tại mỗi vùng đất luôn được đặt lên hàng đầu.
1. Tìm hiểu thật kỹ lịch trình và điểm đến Bất kỳ ai muốn đi du lịch luôn phải lên kế hoạch chi tiết. Đặc biệt, những người đi du lịch bụi, có tiêu chí “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”, điều này càng phải được chuẩn bị kỹ hơn. Điều quan trọng đầu tiên trước khi đi du lịch là lên sẵn cung đường với những điểm dừng dự kiến, những nơi sẽ ghé thăm. Kế hoạch này chắc chắn không thể hoàn hảo 100%, bởi trên đường đi bạn luôn luôn có thay đổi, nhưng thường không ảnh hưởng quá nhiều. Việc lên kế hoạch này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với cá nhân tôi, điều quan trọng nhất là cân đối giữa vấn đề: mong muốn và mục đích chuyến đi; thời gian và chi phí cho chuyến đi đó. Trong chuyến du lịch kéo dài 20 ngày vào năm 2014, tôi lên cung đường dọc suốt dải miền Trung bắt đầu từ Nha Trang đến Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Trước mỗi địa điểm, tôi đều lên thời gian cụ thể mình sẽ làm gì, ở đâu, ăn uống và ngủ nghỉ như thế nào. Ở một số nơi, tôi xin ở nhờ người dân hoặc bạn bè để tiết kiệm chi phí. Còn những chỗ khác, tôi lên mạng tìm hiểu để thuê được những nhà nghỉ có giá phù hợp. Tôi nhận thấy việc lên lịch trình khiến mình chủ động, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí lại có thể khám phá và thêm nhiều trải nghiệm thú vị, đảm bảo bạn có chuyến đi thực sự chứ không chỉ mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa hay đến đó chụp hình check in rồi về.
2. Thuyết phục để được ở nhờ Hiện nay tại nhiều điểm du lịch ở sông nước miền Tây, khu vực Tây Bắc hay một số khu vực ven biển như đảo Bình Ba… đều phát triển mô hình homestay. Khách ăn, ở, sinh hoạt cùng với người dân. Với những địa điểm này, không khó để có thể thực hiện tiêu chí “ba cùng” vì đây cũng là một dạng dịch vụ, được chính quyền địa phương cấp phép. Điều quan trọng là tìm được nhà nào thích hợp nhất. Tuy nhiên,không phải điểm dừng chân nào cũng có thể dễ dàng xin ở nhờ, ví dụ ở Lý Sơn. Hệ thống các nhà nghỉ hay dịch vụ ở “vương quốc tỏi” không nhiều. Do đó, khách muốn đến đây đa phần phải đặt trước các phòng nghỉ. Việc xin ở nhờ nhà người dân hầu như không thể, không phải vì họ không hiếu khách, mà đơn giản họ rất e ngại, rụt rè. Năm ngoái, vì nhất quyết muốn được ở nhà người dân, chúng tôi đã phải đi bộ dưới nắng vài km mới xin ở nhờ một gia đình với mức chi phí 50.000 đồng/người/đêm, được dùng điện và nước ngọt khá thoải mái. Ngay cả khi ghé chân sang đảo nhỏ, vì không mang theo bất cứ đồ ăn gì, chúng tôi cũng phải xin qua nhiều nhà mới có được bữa ăn trưa với người dân nơi đây. Trong những trường hợp như thế này, cách tốt nhất là trò chuyện với người dân địa phương ở các khu chợ, khu vực buôn bán, các điểm công cộng… Hơn ai hết, họ chính là những người dẫn đường tuyệt vời, hoặc có thể đồng ý tiếp nhận bạn về gia đình họ sống, hoặc giới thiệu những chủ nhà dễ mến. Với những người dân mà cuộc sống của họ còn khá xa lạ với khách du lịch, cách tốt nhất chính là tạo được thiện cảm, tin tưởng tuyệt đối để có thể đến ở nhờ và sinh hoạt như người trong nhà với họ.
Một số điểm du lịch mới nổi thời gian gần đây như đảo Bình Ba (Khánh Hòa) dù chưa có mô hình homestay được thực hiện một cách hoàn chỉnh, nhưng nếu đặt chân đến hòn đảo này, sẽ không khó để có thể xin ở trọ trong các gia đình người dân với mức giá rất tiết kiệm: có thể chỉ là 50.000/đêm/người. Tôi không bất ngờ khi người dân ở đây tỏ ra thành thục trong việc làm du lịch. Khi hỏi một người dân địa phương, họ tâm sự, cách đây 2-3 năm khi khách du lịch đến Bình Ba còn ít, đa phần mô hình homestay chưa phát triển. Tuy nhiên, khi khách ngày một tăng, nhu cầu cao là điều tất yếu. Khách đến ở và sinh hoạt cùng nhà chủ như những thành viên trong gia đình. Với bất cứ điểm du lịch nào, khi có đông khách, người bản địa cũng dần quen với chuyện khách đến xin ngủ qua đêm hoặc được miễn phí, hoặc chỉ phải trả chi phí rất thấp. Đặc biệt, trên nhiều diễn đàn du lịch, có rất nhiều thông tin để bạn có thể liên hệ trực tiếp, xin ở nhờ. Đây là cách tiết kiệm chi phí rất hiệu quả, và quan trọng hơn được trải nghiệm cuộc sống cùng với những người dân địa phương.
3. Một cuộc sống “ba cùng” thật sự Khi đã xác định ở cùng nhà người dân, dĩ nhiên bạn không thể sinh hoạt như khi đi thuê nhà nghỉ, khách sạn… với những căn phòng riêng tư. Bạn giống như một thành viên trong gia đình. Sự cởi mở, thân thiện và hòa đồng sẽ luôn nhận được sự đón tiếp nồng hậu. Trong lần ghé đảo nhỏ Lý Sơn, chúng tôi được tự tay giúp đỡ gia đình người dân nơi đây công việc làm sạch tỏi, sau đó đóng gói để bán cho khách. Dịp đến Cà Mau, chúng tôi vào bếp để chuẩn bị bữa cơm tối; ban đêm cùng với gia đình chủ nhà đi đánh cá và sáng hôm sau dậy thật sớm để chuẩn bị bữa ăn cho chính mình. Hãy cố gắng thích ứng với những món ăn địa phương mà bạn không quen hoặc chưa từng thử, làm theo những quy tắc của từng gia đình. Những điều này không mấy khó khăn, vì trước khi đi, bạn đã cần phải chuẩn bị tâm lý này. Những trải nghiệm này luôn rất tuyệt vời đối với những người thích khám phá. Khôi Nguyên |
Theo Zing