Chuyển mạng giữ số: Nếu còn rào cản là do nhà mạng… tự lập ra
ICTnews – Việc chuyển mạng giữ số không có quá nhiều khó khăn trong việc thực hiện, rất nhiều nước đã thực hiện MNP và Việt Nam có thể học hỏi nhanh chóng những kinh nghiệm này.
MNP nên là tiêu chuẩn ngành Trong suốt ngày 13/8, cuộc hội thảo Việt – Úc về Chia sẻ kinh nghiệm quản lý viễn thông trong môi trường cạnh tranh đã diễn ra ở Hà Nội. Đại diện của Việt Nam có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, về phía Úc có bà Imogen Colton, cố vấn cao cấp chính sách và cơ sở hạ tầng của Bộ Truyền thông Australia, đại diện Tập đoàn truyền thông Úc, Telstra và nhiều chuyên gia cao cấp của hai bên. Một trong những vấn đề khiến các đại biểu khá hào hứng, đó là Chuyển mạng giữ số (MNP: Mobile Number Portability). Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng đã đề cập nhiều trong những năm gần đây và dự định triển khai trong năm 2017. Bà Imogen cho biết, tại Úc thì Cơ quan Quản lý Thông tin và Truyền thông của Úc (ACMA) yêu cầu các nhà mạng phải áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số, như là một phần trong tiêu chuẩn của ngành và được thực thi bởi ACMA.
Cơ chế chuyển mạng giữa số đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên, được ghi rõ trong mục tiêu chuẩn, đó là khi khách hàng yêu cầu giữa số nào, bên nhà mạng mới sẽ có yêu cầu gửi sang nhà mạng cũ để xác nhận và chuyển số cho khách hàng. “Khoảng 8% dân số Úc đã từng chuyển mạng giữ số, đây là một quy định hiệu quả”, bà Imogen cho biết. Đại diện phía Úc cho hay, nếu áp dụng chính sách này, việc cạnh tranh trên thị trường di động sẽ rất khốc liệt, các nhà mạng sẽ phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, nếu khách hàng không đồng ý sẽ chuyển sang nhà mạng khác và vẫn giữ nguyên số của họ. Quản lý cao cấp của Tập đoàn Telstra, ông Simon Brooks nói, MNP nằm trong một cơ chế tự quản của các nhà viễn thông Úc và ngành tự giải quyết được vấn đề này. Ông Simon nhấn mạnh một điều: “MNP quan trọng là phải tính toán tới tư duy của các doanh nghiệp, các bạn muốn tạo ra rào cản ngăn người dùng chuyển sang mạng khác, hay để họ tự chọn đến nơi tốt hơn, bằng cách loại bỏ rào cản, giúp người dùng có được trải nghiệp liên tục, không bị trục trặc gì khi chuyển mạng?”, ông cho rằng việc chuyển sang MNP có khó khăn hay không, cần phải xem các nhà mạng Việt có thật muốn cho người dùng MNP hay không? Đại diện Tesltra nói về kinh nghiệm của tập đoàn này trước đây: MNP là một cơ hội tốt cho Telstra tìm được khách hàng mà còn có được những thông tin quan trọng: “Chẳng hạn, nếu mất khách hàng thì chúng tôi cũng biết trải nghiệm sản phẩm dịch vụ của mình đang như thế nào? hiện Telstra đang thấy những gia tăng rất lành mạnh về thị trường với 600.000 thuê bao trong vòng 12 tháng, tỉ lệ tham gia thị trường tăng do có thêm khách hàng mới”. MNP là điểm chính để cải thiện sự lựa chọn của khách hàng, đây là trụ cột cho phép đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. Năm 2011, nhà mạng Vodafone (của Anh) đang đầu tư tại Úc đã sáp nhập với Hutchison và trở thành một thách thức Tesltra, nhưng Tesltra cũng đã có những cơ hội để có được khách hàng mới. Ông Stewart Wallace, chuyên gia của Tesltra bổ sung thêm thông tin, khi mà một khách hàng muốn chuyển mạng, việc chuyển đổi sang một nhà mạng mới sẽ phải mất một vài giờ đồng hồ và hai bên sẽ phải cập nhật trông tin khách hàng trong cơ sở dữ liệu để xác nhận chuyển đổi.. “Việc này cần được tiến hành như một cơ chế tập thể, ví dụ như trường hợp khách hàng vẫn nợ tiền mạng thì cần phải có một cơ chế để cho phép nhà mạng cũ này từ chối không cho chuyển sang nhà mạng mới, đương nhiên việc này không nhất thiết phải có tòa án tham gia, nhưng không được dùng cách này như một cách đùn đẩy sang các bên”, Simon tiếp lời. Bà Imogen cũng xác nhận việc mô hình cho phép MNP của các doanh nghiệp Úc đang vận hành tốt và không cần thêm sự can thiệp của Chính phủ. Kích thích sáng tạo Có thể có một vấn đề nhỏ là thường thì các nhà mạng đã trả tiền cho kho số của mình khi họ được nhận quyền sử dụng từ Nhà nước, rủi ro là số đó bị lấy đi. Mặc dù vậy, đặt ngược lại vấn đề là cũng có những may mắn ngược lại, khi khách hàng khác lại chui vào kho số của nhà mạng. Các nhà mạng có thể tự chịu chi phí khi họ thực hiện trên hệ thống này, chi phí của ai thì người đó chịu. Hiện tại, các nhà mạng của Úc đều có thể truy cập vào kho dữ liệu phục vụ cho MNP với giá chỉ 1 cent Úc/ lần, để lấy dữ liệu, xem khách hàng muốn MNP có chính chủ, hợp pháp hay không. Trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên, MNP là một nội dung Việt Nam có tham gia. Theo đó, Việt Nam đề xuất triển khai MNP trước năm 2020, tuy nhiên Bộ TT&TT đã có ý kiến cho rằng, đã đến lúc triển khai MNP và Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã đề xuất lộ trình: Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị trong năm 2013, sang năm 2014 – 2015 làm thủ tục đầu tư xây dựng; năm 2016 sẽ tiến hành thử nghiệm và từ 1/1/2017 chính thức triển khai dịch vụ MNP cho tất cả các nhà mạng, thuê bao di động tại Việt Nam. Số liệu của Tesltra tại Úc chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 6% thuê bao của các nhà mạng nhảy từ nhà mạng này sang nhà mạng khác, kinh nghiệm của Úc cho thấy, không phải khách hàng nào cũng “loạn cả lên, vài năm lại đổi số một lần”. Nếu như sử dụng các thông tin về con số chuyển đổi, đây sẽ là hàn thử biểu về chất lượng dịch vụ của nhà mạng trên thị trường, điều này có thể đem lại lợi ích cho các nhà mạng chứ không phải hiểm họa, ví dụ, nhà mạng có thể lấy số liệu chuyển mạng để làm công tác marketing và đảm bảo hiệu quả marketing. Trên thế giới, đã có chuyện dở khóc dở cười vì không cho phép triển khai MNP, ông Stewart nhắc tới bài học của Philippin, do người dân nước này không chuyển được mạng, trong khi các nhà mạng lại tìm cách hạn chế kĩ thuật những cuộc gọi liên mạng, điều này dẫn đến 95 – 98% các cuộc gọi ở nước này là nội mạng, khách hàng phải dùng nhiều sim khác nhau, gọi cho ai phải lắp sim mạng đó vào. “Chi phí khi bắt đầu MNP là lớn, không mấy ai vui vẻ, nhưng về lâu về dài, đáp ứng được trải nghiệm và mong muốn của khách hàng sẽ thu được doanh thu trong tương lai”, ông Stewart chia sẻ. “Sau khi vượt qua nỗi đau ban đầu về chi phí, MNP kích thích gói sáng tạo nhiều hơn, khi gói dịch vụ được đưa ra nhắm đến những nhóm đối tượng khách hàng khác nhau như thanh niên, trẻ em, người độc thân…. với bài học của Tesltra thì chúng tôi có hẳn một thế giới mới, óc sáng tạo, thâm nhập thị trường kĩ hơn và nhận ra rằng, có những khách hàng rất trung thành và có những khách hàng vẫn nhảy từ mạng này sang mạng khác bất kể chúng ta làm gì”, ông nói thêm. Trên thị trường hiện nay, Việt Nam chỉ có 3 nhà mạng chính có thị phần lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone. Tuy nhiên, nhu cầu chuyển mạng của người dùng vẫn có, do có nhiều ưu đãi trong nội mạng nói chung, hoặc đôi khi đơn giản là chỉ vì không hài lòng với nhà mạng mình đang sử dụng, người dùng cũng có thể chuyển mạng. Ngoài Úc còn có Nhật và một số nước khác đã cho phép MNP từ rất sớm, đây cũng là những quốc gia có ngành di động rất mạnh trên thế giới. |
Theo ICTNews