Bài ‘Hịch khoa học’ gây sốt cộng đồng mạng
(TNO) Dựa trên bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, bài Hịch khoa học do thành viên có nickname Phạm Xuân Cần sáng tác và chia sẻ trên Facebook đã nhận được rất nhiều quan tâm từ cộng đồng mạng trong những ngày qua.
Trong bài Hịch, tác giả đã nêu ra rất nhiều vấn đề nhức nhối xoay quanh việc phát triển khoa học công nghệ trong nước, từ đó so sánh với các quốc gia trong khu vực và ngoài thế giới. Có thể kể đến như việc nước ta có quá nhiều giáo sư – tiến sĩ về khoa học, nhưng để kể tên những người được thế giới công nhận như Giáo sư Ngô Bảo Châu là rất ít. Trong nước, khi những người không có bằng cấp như “Thần Đèn” hay “Hai Lúa” có thể dời những công trình lớn hoặc chế tạo máy bay thì rất nhiều bóng dáng giáo sư hay tiến sĩ lại “biệt tăm”. Những lời văn mạnh mẽ được đưa ra đã khiến cộng đồng mạng rất quan tâm, bởi với họ có lẽ chỉ một bài văn hịch mới mang đủ hồn để đề cập đến những vấn đề như trong bài viết. Như lời bạn Văn Dung chia sẻ: “Lâu lắm mới cảm nhận lời văn của hịch; nó làm thức tỉnh thần hồn cũng như nội dung thấm đẫm tim gan….”, còn bạn Nguyen Hai Nam thì nhận định: “Một bài hịch hay, thâm thúy, sâu sắc, rất công phu… chắc tốn rất nhiều tâm huyết của tác giả”. Nhận xét về trình độ giáo sư tiến sĩ hiện nay, bạn Chu Tuyết nói: “Giáo sư chủ yếu theo sách vở của người đi trước. Bảo sao những phát minh khoa học toàn là những người dân hằng ngày lao động sản xuất mới có thể nghĩ ra. Giáo sư và tiến sĩ nhiều nhưng thử hỏi những phát minh đó được đưa vào áp dụng thực tiễn hay chỉ nhận nghiên cứu đề tài trên giấy tờ rồi lấy tiền mua nhà lầu xe hơi?”. “Hay và chuẩn. Nước ta có số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất mà lại có số bằng phát minh sáng chế thấp nhất. Thật cần phải xem xét lại”, đó là lời nhận xét của bạn Cường Thịnh Bonsai. Đánh giá về nội dung trong bài hịch nói trên, bạn Hanh Le cho rằng: “Đây là một bài hịch rất hay, mọi điều đều đúng, nhưng cũng không phải mọi người bây giờ mới nhận ra: mình dốt, mình tham, mình hèn… nhưng vấn đề là ai sẽ xóa dốt, ai sẽ bỏ tham, ai sẽ cả gan…? Nếu cứ như vậy thì xã hội vẫn muôn đời không có sự thay đổi”. Còn bạn Phi Hoang thì mong rằng: “Cần lắm những tiếng nói xây dựng. Mong rằng mọi người cùng cất lên lời nói để tạo thành một hiệu ứng lan tỏa khắp xã hội… Và hy vọng ít nhiều sẽ có sự chuyển biến tích cực cho ngành khoa học công nghệ nước nhà”. Bên cạnh sự yếu kém trong khoa học so với các quốc gia khác trên thế giới, bài hịch cũng đề cập đến vấn đề chạy chức quyền, sự tha hóa trong một bộ phận lãnh đạo, bệnh thành tích tại các cơ quan… Cuối bài, tác giả hy vọng rằng mỗi con người Việt Nam chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc học hành, nghiên cứu khoa học… để đất nước được “hóa hổ, hóa rồng”. Có như vậy thì những thứ như giải thưởng Nobel, Fields… trao cho người Việt Nam sẽ không còn là điều xa lạ nữa, và cuộc sống người dân cũng được nâng cao lên rất nhiều. Thành Luân – Kiến Văn |
Theo Thanh Niên