Bên trong phòng điều khiển tuyệt mật của NASA
Phòng điều khiển của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) theo dõi mọi hoạt động của phi hành gia và nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường ngoài vũ trụ tới cơ thể, tâm lý con người.
Bên trong phòng điều khiển mọi hoạt động trên ISS của NASA. Ảnh: NASA. Một căn phòng tối nằm cách xa hàng rào an ninh thuộc căn cứ quân sự Redstone Arsenal, thành phố Huntsville, bang Alabama, Mỹ. Tại đây, 8 người bao gồm cả đàn ông và phụ nữ ngồi trước hàng máy tính màn hình lõm. Các dòng dữ liệu phản chiếu lên mặt họ.
Thỉnh thoảng, một phụ nữ quay sang nói nhỏ vào tai người bên cạnh. Màn hình máy tính hiển thị các hình ảnh của trái đất, đồ thị, biểu đồ thời gian và hình ảnh một phi hành gia đang di chuyển trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) – nơi cách bề mặt trái đất gần 400 km. Trung tâm tích hợp và điều hành trọng tải – nơi kiểm soát tất cả thí nghiệm khoa học trên ISS – luôn có nhân viên làm việc suốt ngày đêm. Tại đây, mỗi phút làm việc của các phi hành gia trên quỹ đạo đều được hạch toán, theo dõi và điều chỉnh nếu cần thiết. Phòng điều khiển bí mật này thuộc Trung tâm nghiên cứu bay không gian Marshall. Khó khăn “Chúng tôi là những người trung gian giúp kết nối các nhà khoa học dưới mặt đất và phi hành đoàn trên ISS”, bà Sam Shine, giám đốc trung tâm, nói. Shine là một trong số ít người trên mặt đất có thể nói chuyện trực tiếp với các nhà du hành ở trạm ISS và quan sát họ làm việc hàng ngày. “Việc trao đổi thông tin với các phi hành gia gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi có những rào cản do khác biệt ngôn ngữ, chênh lệch múi giờ. Tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi làm việc với một phi hành gia người Italy, nhưng sẽ thật khó khăn nếu anh ấy là người Đức”, Shine cho biết. Trạm Vũ trụ Quốc tế là công trình nghiên cứu không gian do Mỹ, Nga, Nhật và châu Âu hợp tác xây dựng và hoàn thành năm 2011. Dự án trị giá 100 tỷ USD. “Mọi hoạt động trên ISS đều phải tuân thủ những quy tắc khoa học nghiêm ngặt. Các phi hành gia thực hiện thí nghiệm trong môi trường vi trọng, từ việc nghiên cứu sự tăng trưởng của thực vật đến tìm hiểu tính chất của kim loại lỏng”, bà Shien cho hay. Bên trong phòng điều khiển mọi hoạt động trên ISS của NASA. Ảnh: NASA. Nghiên cứu Phần lớn công việc ở phòng điều khiển ở Alabama liên quan đến việc nghiên cứu những tác động của môi trường vũ trụ tới phi hành đoàn, đặc biệt là sự ảnh hưởng tới xương và cơ. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu những biến đổi tâm lý của con người khi sống xa trái đất, cô lập trong một cỗ máy kim loại, ăn đồ khô, uống nước tái chế từ nước tiểu và xung quanh họ chỉ có đồng nghiệp. Theo các nhà nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Minnesota, họ đang tìm ra những thực phẩm làm giảm căng thẳng cho các phi hành gia. “Chúng tôi cố gắng giúp các nhà du hành cảm thấy thoải mái khi sống ngoài vũ trụ một thời gian dài. Mỗi thành viên trên ISS phải ghi lại toàn bộ cuộc sống của họ bao gồm những cảm xúc, suy nghĩ, sự căng thẳng hay nỗi nhớ nhà”, bà Shine cho hay. Hầu hết chuyến du hành đến ISS kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Dựa vào kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện, bước sang tháng thứ 4 thực hiện sứ mệnh, các phi hành gia đều cảm thấy mệt mỏi và muốn trở về nhà. Họ muốn gặp gia đình. Tìm kiếm đồ vật thất lạc Ngoài ra, trung tâm điều khiển ở Alabama còn phụ trách việc tìm những thứ thất lạc trong không gian cho phi hành gia. Các nhân viên của Phòng sắp xếp sẽ đảm nhiệm công việc này. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong chương trình không gian. “Đôi khi các phi hành gia không đặt mọi thứ đúng vị trí theo cách ở môi trường vô trọng. Họ phải tìm kiếm khi cần đến. Nhiệm vụ của các nhân viên tại trung tâm điều khiển là xem lại những cảnh quay trước đó và xác định vị trí đồ vật. Ở ngoài vũ trụ, khi bạn đặt đồ vật xuống một nơi, nó có thể dễ dàng trôi đến vị trí khác. Rất nhiều lần chúng tôi tìm thấy các đồ vật trong lỗ thông hơi”. Theo Shine, đây là nguyên do trung tâm có hàng nghìn nhân viên để hỗ trợ các phi hành gia trên ISS. |
Theo Giáo dục Thời đại