Phát hiện hành tinh giống địa cầu nhất từ trước tới nay
Kính thiên văn không gian Kepler của Mỹ phát hiện một hành tinh có kích cỡ gần bằng trái đất. Nó xoay quanh một ngôi sao trong 385 ngày.
Trong cuộc họp báo hôm 23/7, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo kính thiên văn Kepler phát hiện khá nhiều hành tinh mới ngoài hệ Mặt Trời trong thời gian qua. Trong số những hành tinh ấy, Kepler-452b là thiên thể đặc biệt nhất, bởi nó là hành tinh nhỏ nhất xoay quanh một ngôi sao nằm trong có khả năng nuôi dưỡng sự sống, Popular Science đưa tin. Hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống là nơi mà nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Phần lớn hành tinh trong vũ trụ quá nóng nên nước bay hơi, hoặc quá lạnh nên nước đóng băng. Để đạt điều kiện ấy, hành tinh phải cách ngôi sao riêng ở cự ly hợp lý, giống như trái đất và mặt trời. Nếu tính cả Kepler-452b, tổng số hành tinh ngoài hệ mặt trời mà con người từng phát hiện lên tới 1.030. Kepler-452b có đường kính lớn hơn địa cầu khoảng 60%. Nó xoay một vòng quanh ngôi sao riêng trong 385 ngày, nghĩa là chỉ hơn thời gian xoay của trái đất quanh mặt trời 20 ngày. Mặc dù các nhà khoa học chưa thể xác định khối lượng và thành phần vật chất của Kepler-452b, vài nghiên cứu trước đây cho thấy rất có thể nó là hành tinh đá giống địa cầu. “Kính Kepler đã phát hiện một hành tinh và một ngôi sao giống địa cầu và mặt trời nhất từ trước tới nay. Phát hiện đột phá này đưa chúng ta tới gần hơn mục tiêu tìm thấy phiên bản 2.0 của trái đất”, ông John Grunfeld, một quan chức cấp cao của NASA, phát biểu. Linh Phong |
Theo Zing