Làm gì khi điện thoại bị vô nước?
Có nhiều cách để giúp loại bỏ nhanh chóng lượng nước trong smartphone ra ngoài.
Nước là kẻ thù “không đội trời chung” với các thiết bị điện tử, trong đó có smartphone. Mặc dù hãng Sony đã tung smartphone Xperia Z3 hay Z3+ có khả năng chống vô nước ở độ sâu tối đa 1,5m trong thời gian tối đa 30 phút, nhưng nó vẫn có khả năng bị vô nước khi vượt quá ngưởng trên. Ngoài ra, hầu như tất cả các dòng smartphone hiện nay – có cả iPhone đều rất “sợ” nước. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người dùng vô tình đánh rơi smartphone xuống hồ nước, để quên trong túi quần khi tắm, giặt,… Trong những trường hợp này, người dùng phát hiện ra càng sớm thì “dế yêu” sẽ có nhiều khả năng sống sót. Cứu điện thoại bị vô nước là vấn đề hết sức nan giải. Sau khi phát hiện điện thoại vừa bị “uống” nước, người dùng phải nhanh chóng tắt nguồn, mở nắp, tháo pin. Thậm chí có thể bỏ qua thao tác tắt nguồn, và ngay lập tức tắt ngang bằng cách tháo pin. Theo thói quen, việc tiếp theo mà người dùng thường làm là vẫy máy thật mạnh để nước bị văng ra ngoài. Tuy nhiên, thao tác này không loại bỏ được hết lượng nước đang len lõi trong vi mạch, linh kiện, khe kết nối. Do đó, người dùng phải cố gắng rã cả màn hình, camera cũng như những thành phần trong khả năng của mình. Trong đó, sau pin thì cáp nối giữa màn hình và bo mạch chủ phải được rút ra cực nhanh để các chân tiếp xúc không bị ăn mòn bởi nước (càng phải đặc biệt ưu tiên khi chưa tháo được pin). Việc tiếp theo, người dùng có thể dùng máy sấy ở chế độ yếu nhất để làm bay hơi nước mà không ảnh hưởng tới linh kiện điện tử. Thực tế, có thể phơi ở nơi có nắng nhẹ trong một thời gian ngắn. Trước khi phơi hay sấy, người dùng có thể dùng cồn để lau chùi bo mạch và các linh kiện. Đặc biệt, với smartphone nguyên khối, người dùng khó có thể rã pin, màn hình ra nhanh chóng. Khi đó có thể áp dụng một giải pháp mà BBC Focus đưa ra, là nhúng ngập smartphone trong cồn nguyên chất trong thời gian không quá 2 phút. Cồn sẽ giúp loại bỏ nước trong thiết bị, đồng thời cồn sẽ nhanh chóng bay hơi khi vớt thiết bị ra ngoài. Tuy nhiên, cồn rất dễ cháy; vì vậy khi thực hiện cách này phải hết sức thận trọng. Khuyến cáo người dùng không nên tự thực hiện thao tác này nếu không có sự hỗ trợ từ người có kinh nghiệm. Ngoài ra, cũng chỉ nên ngâm smartphone trong cồn ít nhất là khi đã tháo rời được pin ra. Cũng theo BBC Focus, thói quen vùi smartphone trong gạo cũng khá hay, do gạo có khả năng hút ẩm. Tuy nhiên, người dùng phải chú ý sao cho các hạt gạo không lọt vào các cổng kết nối của thiết bị. Hoàn thành các biện pháp chữa cháy ban đầu, người dùng nên mang tất cả các linh kiện và bộ phận của smartphone ra cửa hàng gần nhất để nhờ hỗ trợ. |
Theo Dân Việt